Hơn 1,4 tỷ “miệng ăn”, Trung Quốc lấy lương thực ở đâu?

Trung Quốc cần nuôi sống hơn 1,4 tỷ người (khoảng 1/5 dân số thế giới). Tuy nhiên, nguồn cung thực phẩm ở nước này bị gián đoạn do dịch cúm lợn châu Phi, Covid-19 và thiên tai xảy ra liên tiếp khiến nhiều người đặt dấu hỏi về vấn đề an ninh lương thực.

Trung Quốc tự tin đảm bảo đủ lương thực cho người dân giữa “cơn sốt” tích trữ hàng hóa (ảnh: SCMP)

Trung Quốc tự tin đảm bảo đủ lương thực cho người dân giữa “cơn sốt” tích trữ hàng hóa (ảnh: SCMP)

Ngày 1.11, Bộ Thương mại Trung Quốc khuyến khích người dân tích trữ lương thực, thực phẩm như gạo, thịt, cá, rau và dầu ăn để chuẩn bị cho mùa đông. Tình trạng người dân đua nhau mua gom thực phẩm và hình ảnh những kệ hàng trống ở nhiều siêu thị Trung Quốc xuất hiện sau đó khiến dư luận hoang mang.

Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc khẳng định nước này không thiếu lương thực.

“Hũ gạo Trung Quốc phải được giữ chắc trong tay người Trung Quốc”, ông Tập từng phát biểu.

Từ năm 1990, Trung Quốc đã thành lập Kho dự trữ ngũ cốc quốc gia và Hệ thống điều phối thực phẩm dự trữ trung ương – địa phương. Trung Quốc bắt buộc chủ tịch tỉnh phải chịu trách nhiệm về tình hình an ninh lương thực địa phương. Bắc Kinh cũng quy định mức tối thiểu đối với diện tích đất canh tác nông nghiệp là 120 triệu ha.

Sản xuất lương thực cũng là mục tiêu thuộc kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của Trung Quốc được công bố hồi tháng 3 năm nay.

Qin Yuyun – quan chức tại Cục Dự trữ Thực phẩm và Chiến lược Trung Quốc – cho biết dự trữ ngũ cốc hiện tại ở Trung Quốc đang ở một trong những thời điểm cao nhất trong lịch sử.

“Về cơ bản, Trung Quốc có thể tự đảm bảo lương ăn”, ông Qin nói.

Theo sách trắng về an ninh lương thực công bố hồi tháng 10.2019, chiến lược của Trung Quốc là “nhập khẩu vừa phải” và đảm bảo tự cấp tự túc là chính.

“Trung Quốc vẫn cần nhập khẩu lượng lớn lương thực vì diện tích đất canh tác nông nghiệp trong nước thiếu hụt. Nguồn cung đậu nành ở Trung Quốc gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài. Nhập khẩu lương thực giúp chúng tôi tiết kiệm đất nông nghiệp”, Cheng Guoqiang – chuyên gia tại Ủy ban Cố vấn Chính sách An ninh Lương thực Trung Quốc – nhận xét.

Giá thịt lợn Trung Quốc đang giảm “chạm đáy” (ảnh: SCMP)

Giá thịt lợn Trung Quốc đang giảm “chạm đáy” (ảnh: SCMP)

Trung Quốc là nước nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Từ năm 2014, lượng ngũ cốc nước này nhập về luôn ở trên mức 100 triệu tấn. 9 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 128,27 triệu tấn ngũ cốc, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá thịt lợn ở Trung Quốc hiện đã giảm 46,9% so với thời điểm “cơn sốt” thịt lợn xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái. Ngành sản xuất thịt lợn Trung Quốc đang đối mặt với tình trạng dư thừa nghiêm trọng do hàng triệu hộ gia đình đổ xô đi nuôi lợn sau dịch cúm lợn châu Phi xảy ra năm 2018.

Giá thịt lợn bán ra ở Trung Quốc đang ở dưới mức giá sản xuất. Điều này khiến Bắc Kinh kêu gọi người dân tiêu hủy bớt lợn con.

“Lợn nái ở Trung Quốc đang đẻ nhiều hơn 6% mức cần thiết. Chúng tôi kêu gọi người dân hãy ăn nhiều thịt lợn hơn để giảm bớt khó khăn cho nông dân”, Chen Guanghua – quan chức Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc – phát biểu hôm 4.11.

Năm 2019, Trung Quốc xuất hiện nhiều triệu phú thịt lợn. Năm nay các nhà sản xuất thịt lợn nước này phải chịu thua lỗ liên tiếp trong 3 tháng vừa qua.

Nguồn: [Link nguồn]

Các siêu thị Trung Quốc chật cứng, có người hoảng loạn tích trữ 3 tạ gạo

Người dân khắp nơi ở Trung Quốc đổ xô tới các khu chợ, siêu thị mua lương thực và nước uống trước những tin đồn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN