Hơi lửa trên băng giá nghìn năm

Ngày 4/6, Đô đốc Giedrius Premeneckas - Tư lệnh Hải quân Litva xác nhận: Khoảng 4.000 binh sĩ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ đến Litva trên hơn 50 tàu chiến để tham gia cuộc tập trận lớn nhất vùng Baltic mang tên Baltops 2024.

Trước đó một ngày, quân đội Nga cũng bắt đầu triển khai các hành động nhằm chuẩn bị cho một cuộc tập trận lớn. Có điều, cuộc diễn tập quân sự với trọng điểm chống tàu ngầm quy mô này sẽ diễn ra ở một nơi khác: Biển Barents - cửa ngõ của Bắc Băng Dương.

Quân đội Nga liên tục tăng cường hiện diện ở Bắc Cực nhằm khẳng định chủ quyền.

Quân đội Nga liên tục tăng cường hiện diện ở Bắc Cực nhằm khẳng định chủ quyền.

Những tác động từ Biển Đỏ

Tất nhiên, như mọi phương tiện truyền thông quốc tế đang nhấn mạnh: Căng thẳng ngày một gia tăng tại khu vực kênh đào Suez, giữa lực lượng Houthi với quân đội Israel, đã và đang tạo nên nhu cầu càng lúc càng lớn từ mạng lưới vận tải toàn cầu về một tuyến đường hàng hải mới an toàn và ít nguy cơ bị gián đoạn hơn.

Theo Sputnik, chi phí qua Biển Đỏ đã tăng hơn 250%, kể từ khi lực lượng dân quân Houthi phong tỏa một phần khu vực (tháng 11/2023, sau khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ và quân đội Isarel tràn vào Dải Gaza). Ước tính, trọng tải thương mại đi qua Vịnh Aden đã giảm hơn 60% kể từ thời điểm đó, bởi mức phí bảo hiểm đội lên cũng như rủi ro lớn khiến hầu hết các hãng vận tải hàng hải, bao gồm cả hai hãng lớn nhất thế giới là Maersk và Hapag-Lloyd phải định tuyến lại hải trình, thậm chí là từ bỏ con đường này.

Trong khi đó, thực tế, nạn cướp biển ở vùng Sừng châu Phi (trên đường vòng qua mũi Hảo Vọng cực Nam châu Phi để từ Biển Đỏ về Đại Tây Dương) hay tình trạng tắc nghẽn gia tăng quanh eo biển Malacca (vùng biển Đông Nam Á nối liền Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương) từ lâu đã tạo nên những áp lực đáng kể cho guồng máy logistic thế giới.

Vì vậy, theo tờ Foreign Policy, tuyến đường biển phía Bắc (NSR) của Nga ngày càng trở thành một giải pháp thay thế giàu tiềm năng và đầy hấp dẫn. Đặc biệt, khi các băng sơn ở Bắc Cực tan chảy mỗi lúc một nhanh hơn theo đà Trái đất nóng lên, tuyến đường này lại càng hứa hẹn nhiều giá trị sử dụng. Foreign Policy đánh giá: Tuyến NSR dài khoảng 5.600 km, là tuyến hàng hải ngắn nhất nối châu Âu và châu Á, có thể giúp rút ngắn tới 8.000 km, đồng thời tiết kiệm 40-60% tổng thời gian di chuyển của các chuyến hàng, so với các tuyến đường Á-Âu truyền thống.

Tuy nhiên, nhược điểm của NSR cũng được phương Tây nhận diện từ rất sớm, song song với lộ trình gấp rút chuẩn bị khai thác mà Moscow đã xúc tiến (chi hàng tỷ USD vào 16 cảng nước sâu và 14 đường bay, cơ sở hạ tầng phòng không và tìm kiếm cứu nạn trong khu vực, cơ sở hạ tầng liên lạc Internet thông qua các vệ tinh mới, phát triển một đội tàu phá băng hạng nặng...) trong những năm gần đây: 70% khu vực Bắc Cực, bao gồm gần như toàn bộ chiều dài phần phía Bắc của tuyến đường, phải đi qua vùng biển thuộc Nga. Nghĩa là, bất cứ tàu nào muốn sử dụng tuyến đường này phải được sự cho phép của Nga và phải trả phí quá cảnh.

Từ đầu năm 2023, lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua NSR đã đạt kỷ lục tới 35 triệu tấn hàng. Nga có kế hoạch tăng trọng tải hàng hóa vận chuyển qua NSR lên 80 triệu tấn trong năm nay và khoảng 270 triệu tấn hằng năm vào năm 2035.

Cần phải nhấn mạnh thêm: Theo nghiên cứu khảo sát khoa học mà Mỹ thực hiện thập niên trước, quanh Bắc Cực vẫn còn tới 13% trữ lượng dầu, 30% trữ lượng khí ga tự nhiên và khoảng 20% khí ga lỏng chưa được khai thác, trong tổng số các nguồn năng lượng chưa được biết đến trên thế giới. Chưa kể, chủ quyền của các quốc gia sẽ còn hứa hẹn kéo theo hệ quả là nhiều nguồn lợi khác sẽ có được từ việc phân định chủ quyền biển - điều dẫn tới các vấn đề chủ quyền về lòng biển cũng như thềm lục địa.

Bố trí các cơ sở quân sự của NATO và Nga quanh Bắc Cực

Bố trí các cơ sở quân sự của NATO và Nga quanh Bắc Cực

Lực đẩy của những lợi ích vô hình

Mặc dù lợi ích kinh tế hữu hình là rất lớn, song khuất sau nó còn là những động lực mạnh mẽ gấp bội, đến từ các yếu tố địa chính trị vô hình, trên quỹ đạo tái định hình trật tự thế giới. Malte Humpert - một chuyên gia thuộc Viện Bắc Cực (Mỹ) từng nhận xét: “Tương lai của nước Nga nằm ở Bắc Cực”.

Bắc Cực có vị trí trọng yếu trong chiến lược an ninh - quốc phòng của Nga, khi có thể trở thành bàn đạp giúp Moscow nắm quyền chủ động quân sự đối với cả phía cực Bắc của 3 châu lục Âu - Á - Mỹ (đồng nghĩa với việc uy hiếp phần lãnh thổ Alaska bên kia eo biển Bering của Mỹ), từ Bắc Băng Dương mở thông đường cho hải quân Nga phát triển ra Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Cũng bởi vậy, nước Nga đã sớm “xuất phát” để tái hiện diện quân sự tại đây (sau thời gian dài bị “bỏ ngỏ” sau Chiến tranh Lạnh), giành nhiều lợi thế hơn so với phương Tây, thông qua việc xây dựng và khôi phục hệ thống các trạm radar, sân bay, các hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm hiện đại...

Theo Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế, Moscow có khả năng phòng thủ tầm xa “đáng kể” và “chắc chắn là một thách thức” với NATO ở Bắc Cực. Như báo cáo của Reuters và Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), 8 trong số 11 tàu ngầm mà Nga sở hữu có khả năng phóng vũ khí hạt nhân tầm xa đều đóng tại Bán đảo Kola ở Bắc Cực.

Hiển nhiên, những vận động này được xem là thách thức khó có thể bỏ qua đối với Washington cũng như thế giới phương Tây (và còn thúc đẩy cả những cường quốc nằm ngoài Bắc chí tuyến “đòi hỏi quyền lợi”, như Trung Quốc). Trong những năm gần đây, cho dù “chậm chân” hơn, Mỹ cũng đã hết sức cố gắng “thu hẹp khoảng cách”, bằng việc tiến hành các cuộc tuần tra của hải quân ở khu vực hoặc những phương thức khác. Liên tiếp, các Tổng thống Mỹ (cho dù là thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa) ký ban hành các chiến lược an ninh quốc gia (năm 2013 và 2017), trong đó thể hiện rõ: Nước Mỹ xem Bắc Cực là nơi mình có chủ quyền, là khu vực ưu tiên, là lợi ích chiến lược cần phải bảo vệ.

Rõ ràng, chưa tính đến những khoản phí quá cảnh khổng lồ mà các đội tàu của mình phải đóng cho nước Nga, Washington cũng khó có thể chấp nhận việc gần 3/4 hải trình NSR hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát cũng như phải chịu quyền tài phán của Moscow (từ đó dẫn đến nguy cơ nước Nga có thể phong tỏa tuyến đường hàng hải này và gây nên những hiệu ứng thương tổn, tương tự như Houthi ở Biển Đỏ, hay Iran có thể làm với eo biển Hormuz). Nước Mỹ chắc chắn sẽ làm tất cả để thực hiện điều vẫn luôn được họ viện dẫn: Bảo vệ quyền tự do hàng hải. Rào cản lớn nhất chính là việc đến lúc này họ vẫn chưa có đủ hạ tầng cơ sở.

Hiện tại, Hội đồng Bắc Cực (một diễn đàn liên chính phủ, được thành lập với mục tiêu ban đầu là hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi chính sách) bao gồm 8 quốc gia thành viên: Mỹ, Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Nga. Rất dễ thấy, với những biến động trong bối cảnh thế giới đương đại, tiếng nói của Moscow dường như khá “lẻ loi” trong hội đồng này, đặc biệt là sau khi Phần Lan cùng Thụy Điển từ bỏ chính sách trung lập truyền thống, gia nhập NATO.

Đây có thể xem là một cú đòn choáng váng giáng vào thế trận chiến lược mà nước Nga dày công “bài binh bố trận” ở Bắc Cực. Hai “người hàng xóm” Scandinavia có thể cống hiến cho NATO sự đồng thuận, những tri thức cũng như các năng lực quan trọng để nâng cao khả năng phối hợp hành động, triển khai các nguồn lực, từ đó tăng cường hiện diện quanh Vòng Cực Bắc, kể cả về kinh tế lẫn an ninh - quân sự - quốc phòng.  

Cho dù, theo chuyên gia Liselotte Odgaard - thành viên cấp cao tại Viện Hudson, nhận xét: “Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ mang lại lợi ích cho liên minh ở Biển Baltic nhiều hơn Bắc Cực” và “Hiện không thành viên NATO nào sở hữu đội tàu ở Bắc Cực có khả năng phòng không và chống ngầm mạnh. Trong khi đó, các tàu ngầm hạt nhân của Nga có khả năng tiến hành một cuộc tấn công tới Bắc Mỹ hoặc có thể di chuyển từ Biển Barents đến Greenland (Đan Mạch) mà không bị phát hiện” - thì việc 7/8 quốc gia còn lại của Hội đồng Bắc Cực đều là thành viên NATO cũng tạo nên cảm giác rằng nước Nga đang bị bao vây ở Bắc Băng Dương.

Nhìn từ khía cạnh này có thể hiểu vì sao những ngày qua nước Nga tổ chức cuộc tập trận lớn tại Biển Barents, với sự tham dự của 2 tàu chống ngầm sử dụng động cơ hạt nhân cỡ lớn là “Đô đốc Levchenko” và “Phó Đô đốc Kulakov” cùng 2 tàu ngầm nguyên tử và một nhóm tàu khác, cho dù NATO “diễu võ giương oai” ở Biển Baltic.

Nhưng, chắc chắn, kể cả như vậy, sức nóng vẫn sẽ còn được tiếp tục đẩy cao, trên những khối băng tuyết nghìn năm.

Nguồn: [Link nguồn]

Theo Tư lệnh Hải quân Iran, nước này có kế hoạch thiết lập một trạm thường trú ở Nam Cực để thực hiện các hoạt động quân sự và khoa học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Thư ([Tên nguồn])
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN