Hành động của đội tuyển Đức ở World Cup bị chế giễu trên truyền hình Qatar

Sự kiện: World Cup 2026

Các chuyên gia bóng đá trên kênh thể thao Alkass của Qatar vừa chế giễu đội tuyển Đức sau khi đội này phải rời World Cup, bằng cách nhại cách biểu tình của các cầu thủ về vấn đề nhân quyền.

Hành động của đội tuyển Đức trước trận đấu ngày 23/11

Hành động của đội tuyển Đức trước trận đấu ngày 23/11

Một video đăng trên trang Twitter của kênh Alkass có hình ảnh cựu cầu thủ Kuwait Jamal Mubarak bịt miệng bằng tay trái còn tay phải giơ tay vẫy tạm biệt, sau đó kêu gọi cựu thủ môn Ai Cập và chuyên gia phân tích Essam El-Hadary làm theo.

Ngay sau đó, El-Hadary và những chuyên gia khác cũng che miệng và vẫy tay, rõ ràng để thể hiện thái độ vui mừng trước thất bại của đội tuyển Đức.

Cử chỉ của họ bắt chước cách các cầu thủ đội tuyển Đức làm để phản đối quyết định của FIFA về việc cấm băng tay “OneLove” mà nhiều đội trưởng châu Âu muốn mang vào sân vận động ở Qatar để thể hiện sự ủng hộ đối với cộng đồng LGBTQ.

Trước hiệp đấu đầu tiên của tuyển Đức ngày 23/11, các cầu thủ xếp hàng rồi dùng tay phải che miệng, thể hiện sự phản đối đối với điều họ cho là ngăn cản tự do biểu đạt.

Đức thua đội tuyển Nhật trong trận đó với kết quả gây sốc. Chiến thắng sau đó trước đội tuyển Costa Rica không đủ để đội Đức tiến vào vòng 16.

Các chuyên gia bình luận nhại hành động của đội tuyển Đức trên kênh Thể thao Alkass

Các chuyên gia bình luận nhại hành động của đội tuyển Đức trên kênh Thể thao Alkass

“Ơn Chúa, hôm nay tất cả các nước Ả-rập và Hồi giáo cầu nguyện cho đội tuyển Nhật đánh bại bất kỳ đội nào, nhưng điều quan trọng nhất là sự ra đi của Đức”, Mubarak nói trên kênh Thể thao Alkass.

Chương trình do biên tập viên Khalid Jassem chủ trì còn có sự tham gia của các chuyên gia phân tích bóng đá Ả-rập, trong đó có Mubarak, El-Hadary và cựu cầu thủ Iraq Younis Mahmoud.

Sau trận hoà với tỷ số 1-1 giữa đội tuyển Đức với Tây Ban Nha cuối tuần trước, Jassem nói trong một chương trình al-Majlis rằng ông “sốc” trước kiểu phản đối của đội tuyển Đức.

“Các bạn (Đức) phải tôn trọng phong tục, truyền thống, văn hoá và tôn giáo đúng như cách chúng tôi tôn trọng phong tục, truyền thống và văn hoá của các bạn. Khi chúng tôi đến Đức hay những nơi khác, chúng tôi tôn trọng quy tắc và luật pháp ở nơi đó, và chúng tôi tôn trọng mọi thứ thân thiết với xã hội đó”, Jassem nói.

Trong hàng loạt tweet đăng tuần trước, Liên đoàn bóng đá Đức thể hiện ủng hộ cách các cầu thủ phản đối. “Đó không phải để ra một tuyên bố chính trị, nhân quyền là điều không thể đàm phán. Điều đó phải là hiển nhiên, nhưng trường hợp này không phải như vậy. Đó là lý do thông điệp này rất quan trọng với chúng tôi. Từ chối băng tay cũng là cách từ chối cho chúng tôi lên tiếng”, Liên đoàn bóng đá Đức tuyên bố.

Trước khi World Cup diễn ra, đội trưởng các đội tuyển Anh, xứ Wales, Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Đức và Đan Mạch lên kế hoạch đeo băng tay “OneLove” với nhiều màu sắc khác nhau, thể hiện các di sản, xuất thân, giới tính và xu hướng tình dục khác nhau, nhưng FIFA tuyên bố các cầu thủ sẽ nhận thẻ vàng nếu làm như vậy.

Trước World Cup, nước chủ nhà Qatar bị phương Tây chỉ trích vì cấm tình dục đồng giới và phạt tù những người vi phạm.

Tuy nhiên, Qatar khẳng định “mọi người đều được chào đón” đến World Cup.

Nguồn: [Link nguồn]

Những chuyện chưa từng có trong đảm bảo an ninh tại FIFA World Cup 2022 ở Qatar

Không có kinh nghiệm tổ chức một sự kiện tầm cỡ như vậy, tiểu vương quốc này đã tìm kiếm sự giúp đỡ của một số quốc gia để hỗ trợ họ bảo đảm an ninh cho World Cup....

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Giang ([Tên nguồn])
World Cup 2026 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN