Hàn Quốc muốn dừng thoả thuận với Triều Tiên vì lo kịch bản tương tự Israel – Hamas

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc vừa cho biết, ông sẽ thúc đẩy việc đình chỉ thỏa thuận quân sự liên Triều từ năm 2018 để khôi phục hoạt động giám sát ở khu vực giáp Triều Tiên, sau khi cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ Triều Tiên hành động tương tự.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-shik. (Ảnh: AP)

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-shik. (Ảnh: AP)

Thỏa thuận đạt được trong giai đoạn ngoại giao nồng ấm ngắn ngủi giữa cựu Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã tạo ra các vùng đệm dọc theo ranh giới trên bộ, trên biển cũng như các vùng cấm bay ở vùng biên giới để ngăn chặn xung đột.

Phát biểu với báo chí tại Seoul ngày 10/10, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-shik viện dẫn tình hình bạo lực ở Israel và Dải Gaza để nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường giám sát Triều Tiên. Ông Shin vừa được Tổng thống Yoon Suk Yeol bổ nhiệm vào cuối tuần qua.

Ông Shin đặc biệt chỉ trích các vùng cấm bay của thỏa thuận liên Triều, cho rằng điều này ngăn cản Hàn Quốc sử dụng đầy đủ thiết bị giám sát trên không khi các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên gia tăng.

Mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên xấu đi sau khi tiến trình đàm phán giữa Washington và Bình Nhưỡng sụp đổ năm 2019. Triều Tiên sau đó nối lại hoạt động thử tên lửa. Chính quyền của Tổng thống Yoon hiện nay có quan điểm cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng so với người tiền nhiệm ôn hòa.

Ông Shin cho biết, dù Hàn Quốc sẽ phải trải qua một quy trình pháp lý phức tạp để từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận, nhưng việc tạm dừng thỏa thuận sẽ chỉ cần quyết định từ cuộc họp của Nội các.

“Hamas đã tấn công Israel và Hàn Quốc đang phải đối mặt với mối đe dọa mạnh mẽ hơn nhiều”, ông Shin nói.

“Để chống lại (mối đe dọa đó), chúng tôi cần quan sát (các hoạt động quân sự của Triều Tiên) bằng các thiết bị giám sát của mình, để nắm tình hình xem liệu họ có đang chuẩn bị hành động khiêu khích hay không. Nếu Israel điều động máy bay và máy bay không người lái để duy trì hoạt động giám sát liên tục, tôi nghĩ họ có thể đã không bị tấn công như vậy", ông nói.

Những phát biểu của ông Shin có thể sẽ vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phe đối lập theo chủ nghĩa tự do của Hàn Quốc, khi họ cho rằng thỏa thuận này là chiếc van an toàn giữa hai miền Triều Tiên khi quan hệ tiếp tục xấu đi.

Chưa có cuộc xung đột lớn nào giữa hai miền Triều Tiên kể từ khi hai bên đạt được thỏa thuận vào tháng 9/2018. Tuy nhiên, tháng 11 năm ngoái, Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên vi phạm các điều khoản về giảm căng thẳng trong thỏa thuận khi Bình Nhưỡng bắn tên lửa gần một hòn đảo đông dân cư của Hàn Quốc gần biên giới biển, khiến hệ thống báo động kích hoạt và buộc người dân phải sơ tán.

Tháng 6/2020, Triều Tiên cho nổ tung một văn phòng liên lạc liên Triều để không ở thị trấn biên giới Kaesong, để thể hiện sự phẫn nộ trước việc Hàn Quốc không ngăn cản các nhóm thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới. Quân đội Triều Tiên cũng bắn chết một quan chức Chính phủ Hàn Quốc, sau khi người này được phát hiện trôi dạt gần ranh giới biển của họ vào tháng 9 năm đó.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện nay đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, khi tốc độ phô diễn vũ khí của Triều Tiên và hoạt động tập trận chung của Mỹ với Hàn Quốc và Nhật Bản đều gia tăng.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan và nhóm hộ tống sẽ đến cảng Busan của Hàn Quốc vào ngày 12/10, trong cuộc biểu dương lực lượng mới nhất của hai quốc gia đồng minh nhằm gửi tín hiệu đến Triều Tiên.

Bộ này cho biết, nhóm tàu sân bay đã triển khai huấn luyện chung với lực lượng hải quân Hàn Quốc và Nhật Bản trong 2 ngày đầu tuần này tại vùng biển gần đảo Jeju.

Trong một bài xã luận đăng ngày 9/10, báo JooAng Ilbo của Hàn Quốc kêu gọi Seoul rút ra bài học từ những thất bại của Israel trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của lực lượng Hamas, đồng thời tăng cường khả năng sẵn sàng đối phó nếu Triều Tiên tấn công.

“Israel, bị bao vây bởi nhiều kẻ thù, gợi liên tưởng đến tình hình an ninh hiện tại của Hàn Quốc. Ngay cả Mossad (tình báo Israel) cũng không phát hiện được dấu hiệu của cuộc tấn công và hệ thống phòng không Iron Dome của Israel đã để lộ một lỗ hổng. Chính phủ phải chuẩn bị kỹ lưỡng cho những hành động khiêu khích quân sự có thể xảy ra của Triều Tiên khi Mỹ và các đồng minh khác tập trung sự chú ý vào Trung Đông”, JooAng Ilbo viết.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàn Quốc duyệt binh lớn nhất thập kỷ, gửi ”tín hiệu” đến Triều Tiên

Hàn Quốc ngày 26/9 tổ chức cuộc duyệt binh quy mô lớn đầu tiên của nước này trong 10 năm qua, trong một nỗ lực phô diễn sức mạnh quân sự và phát đi tín hiệu cảnh báo đến...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Linh - AP ([Tên nguồn])
Tin tức Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN