Ghét Hòa Thân thấu xương, vì sao hoàng đế Trung Hoa phải đợi 3 năm mới xuống tay tiêu diệt?

Dân gian thường lưu truyền câu nói “Hòa Thân bị đánh, Gia Khánh ăn no”. Sau khi Hòa Thân đạt đến tột đỉnh của sự giàu có và quyền lực, Gia Khánh đế đã phải đợi rất lâu mới có thể trừng trị đại tham quan này.

Hòa Thân – đại tham quan khét tiếng nhất lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân – đại tham quan khét tiếng nhất lịch sử Trung Quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân (1750 – 1799), tên đầy đủ là Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân. Ông là người tộc Mãn Châu, không phải người Hán. Hòa Thân là một trọng thần thời vua Càn Long, cũng là đại tham quan nổi tiếng nhất trong lịch sử thế giới.

Làm quan được 24 năm, Hòa Thân đã gom góp được khối tài sản cực kỳ khó tin. Shohu (tờ báo chuyên về lịch sử Trung Quốc) cùng nhiều tài liệu khác ghi nhận: Tổng số tài sản của Hòa Thân bị tịch thu ước tính khoảng 1100 triệu lượng bạc. Số tiền này tương đương với ngân sách mà quốc khố triều Thanh phải mất 15 năm ở thời kỳ thịnh vượng nhất mới thu được.

Sự nhũng loạn của Hòa Thân khiến cho Gia Khánh – người kế vị của Càn Long vô cùng căm ghét. Chính Hòa Thân cũng nhiều lần tìm cách hãm hại, chèn ép Gia Khánh. Suốt những năm đầu lên ngôi, Gia Khánh dù ở ngôi vị hoàng đế nhưng lại luôn phải nhẫn nhịn gian thần Hòa Thân. Thậm chí, ông còn phải tỏ ra sủng ái, trọng dụng và nhiều lần bênh vực cho Hòa Thân.

Hòa Thân được Càn Long che chở nên mặc sức vơ vét, không biết điểm dừng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân được Càn Long che chở nên mặc sức vơ vét, không biết điểm dừng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Nguyên nhân sâu xa giải thích cho sự bất lực Gia Khánh trong việc trị tội Hòa Thân đến từ hoàng đế Càn Long. Thanh sử cảo (bộ chính sử nhà Thanh) ghi chép:

Năm 1796, hoàng đế Càn Long nhường ngôi cho con trai thứ 15 là Vĩnh Diễm lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Gia Khánh. Bản thân Càn Long lên làm thái thượng hoàng. Càn Long truyền ngôi cho Gia Khánh không phải do tuổi tác. Thực chất, ông không muốn thời gian tại vị của mình nhiều hơn Khang Hi đế (ông nội của Càn Long). Bởi vì Khang Hi là người Càn Long vô cùng sùng bái.

Mặc dù đã truyền ngôi lại cho Gia Khánh, nhưng quyền lực thực sự vẫn nằm trong tay Càn Long. Gia Khánh vẫn ngồi ghế rồng, được quan lại triều bái, nhưng hoàng đế thực sự trong lòng các quan đại thần lại chỉ có Càn Long. Một số chi tiết thể hiện quyền lực của Càn Long sau khi nhường ngôi, được ghi chép lại như sau:

Theo lệ thường, các tướng lĩnh, quan lại ở biên ải hoặc sứ giả nước ngoài, khi tới Bắc Kinh phải vào triều kiến hoàng đế. Tuy nhiên, lúc bấy giờ những quan chức hay sứ giả này đều phải đến báo cáo công việc với thái thượng hoàng Càn Long trước, sau đó mới tới Gia Khánh.

Bản thân Gia Khánh cũng rất sợ phụ hoàng của mình. Suốt 3 năm đầu lên ngôi, ông chỉ tham gia giải quyết những công việc nhỏ trong triều. Lấy danh nghĩa là Huấn chính (người chỉ dạy) cho Gia Khánh, Càn Long vẫn luôn là người có quyết định cuối cùng đối với những sự việc quan trọng của đất nước.

Càn Long nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng nhưng thực chất vẫn nắm quyền tối cao (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Càn Long nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng nhưng thực chất vẫn nắm quyền tối cao (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Năm 1796, hoàng tử Vĩnh Diệm lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Khánh. Theo thông lệ chép sử, năm kế tiếp là 1797 phải được gọi là năm thứ 1 Gia Khánh. Tiền được đúc ra cũng sẽ phải đổi theo niên hiệu mới này.

Tuy nhiên, theo nhiều tài liệu, thư tịch cổ trong cung đình nhà Thanh, năm 1797 vẫn được gọi là năm 61 Càn Long (Càn Long ở ngôi vua 60 năm). Tiền được đúc ra vẫn có một số lượng lớn theo niên hiệu cũ Càn Long. Điều này đã thể hiện quyền lực của Càn Long ảnh hưởng tới mức nào.

Gia Khánh dù lên ngôi hoàng đế nhưng không có thực quyền. Lợi dụng điểm này, Hòa Thân sẵn được Thái Thượng hoàng che chở, lại càng mặc sức lộng hành. Gia Khánh và những cận thần của ông vẫn thường xuyên bị Hòa Thân giám sát từng hành vi.

Hòa Thân còn bắt quan Thái phó (thầy của Gia Khánh) cùng những thân tín khác đi nhậm chức ở xa kinh thành và không cho quay lại hoặc cản trở sự thăng tiến của họ.

Tuy rất căm phẫn và biết rõ sự tham nhũng của Hòa Thân, nhưng vì e sợ Càn Long, Gia Khánh luôn phải nhẫn nhịn. Thậm chí, có nhiều việc Gia Khánh còn cố ý nhờ Hòa Thân bẩm tấu và xin ý chỉ của Càn Long. Nhằm thể hiện sự tín nhiệm của mình đối với Hòa Thân.

Gia Khánh ngậm đắng 3 năm, cuối cùng tiêu diệt được Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Gia Khánh ngậm đắng 3 năm, cuối cùng tiêu diệt được Hòa Thân (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Năm 1797, Hòa Thân làm đến chức thống lĩnh sở Quân cơ đại thần. Đây là cơ quan quyền lực nhất, có quyền quyết định mọi vấn đề của quốc gia, chỉ đứng sau hoàng đế. Nhiều đại thần bất mãn với Hòa Thân buộc phải từ chức. Càn Long lúc này đã già yếu khiến cho Hòa Thân đạt đến đỉnh cao quyền lực. Gia Khánh ngày càng phải chịu nhiều ấm ức.

Năm 1799, Thái Thượng hoàng Càn Long qua đời. Hòa Thân lập tức mất đi chỗ dựa. Chỉ 5 ngày sau khi Càn Long mất, Gia Khánh đã tước hết chức tước của Hòa Thân và công bố 20 tội danh của ông ta.

Hòa Thân bị xử tội lăng trì (cắt từng miếng thịt đến chết), chém cả họ. Về sau, Gia Khánh vì nghĩ đến ân đức của Càn Long, nên chỉ bắt Hòa Thân tự thắt cổ và tha chết cho gia đình ông ta.

Hoàng đế Gia Khánh từng nói: “Trẫm mà không trừ Hòa Thân thì người trong thiên hạ chỉ biết đến Hòa Thân chứ không biết đến trẫm”. Có thể thấy việc Gia Khánh trừng trị Hòa Thân là cả một quá trình lâu dài nếm mật nằm gai.

Nguồn: [Link nguồn]

Khinh thường gọi hoàng đế là “trẻ ranh”, Hòa Thân phải tự thắt cổ chết

Vì sao Hòa Thân không nịnh bợ và hầu hạ hoàng đế Gia Khánh như đối với Càn Long để vẫn được sủng ái hoặc ít nhất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Đại gian thần Hòa Thân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN