Không phải Càn Long, đây mới là nhân vật quyền lực thực sự “chống lưng” cho Hòa Thân?

Nếu người này còn sống, đến cả Càn Long cũng chưa chắc dám xử tử Hòa Thân chứ đừng nói đến vị hoàng đế trẻ tuổi như Gia Khánh, theo Sohu.

Hòa Thân – quan tham khét tiếng lịch sử Trung Quốc (ảnh: Sohu)

Hòa Thân – quan tham khét tiếng lịch sử Trung Quốc (ảnh: Sohu)

Năm 1799, Thái Thượng hoàng Càn Long qua đời. Chỉ 5 ngày sau khi Càn Long mất, Gia Khánh đã tước hết chức tước của Hòa Thân và công bố 20 tội danh của ông ta.

Hòa Thân bị khép tội lăng trì (cắt từng miếng thịt đến chết), chém cả họ. Về sau, Gia Khánh vì nghĩ đến ân đức của Càn Long nên chỉ bắt Hòa Thân tự thắt cổ và tha chết cho gia đình đại quan tham khét tiếng này.

Nhiều người cho rằng, chỗ dựa lớn nhất của Hòa Thân là Càn Long và khi hoàng đế qua đời, Hòa Thân cũng chấp nhận kết cục định sẵn cho mình.

Tuy nhiên, Hòa Thân kém Càn Long tới gần 40 tuổi, chắc chắn ông ta sẽ không ngốc tới mức tự gắn chặt số phận của mình với một hoàng đế già nua. Mặt khác, nếu không biết gây dựng thế lực, chuẩn bị đường lui cho mình, Hòa Thân sẽ không còn là Hòa Thân lõi đời mà chúng ta biết.

Theo Sohu, “bức tường” vững chắc nhất chống lưng cho một đại thần trong bất cứ triều đại nào không phải là được hoàng đế sủng ái mà là nắm được binh quyền trong tay. “Chơi với vua như chơi với cọp”, một hoàng đế quyền lực có thể nổi trận lôi đình và xử tử quan lại dưới quyền bất cứ lúc nào, nhưng nếu viên quan đó nắm binh quyền thì câu chuyện lại hoàn toàn khác.

Hòa Thân và em trai từng có tuổi thơ đầy bất hạnh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân và em trai từng có tuổi thơ đầy bất hạnh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Từng làm tới chức Thống lĩnh Quân Cơ xứ – cơ quan tham mưu quyền lực nhất trong triều đình nhà Thanh – nhưng Hòa Thân chưa bao giờ nắm được binh quyền. Hòa Thân nhường lại trọng trách này cho em trai ông ta – Hòa Lâm.

Từ khi còn nhỏ, hai anh em Hòa Thân và Hòa Lâm đã mồ côi cha mẹ. Họ sống trong cảnh nghèo khó và thường xuyên bị bắt nạt. Hòa Thân được biết là người vô cùng yêu thương em trai. Ngược lại, Hòa Lâm cũng rất nghe lời anh.

Sau khi trở thành nhân vật thân tín bên cạnh Càn Long, Hòa Thân bắt đầu tìm cách chia sẻ quyền lực với người em Hòa Lâm. Năm Càn Long thứ 42, Hòa Lâm nhậm chức thư lại của bộ Lại, chẳng bao lâu sau được thăng lên làm Lang trung bộ Công. Lúc này Hòa Lâm mới 22 tuổi.

Năm 1792, Hòa Lâm nhậm chức Phó Đô thống quân Lam Kỳ. Cùng năm, ông được thăng chức làm Công bộ Thượng thư, Đô thống quân Bạch Kỳ. Chỉ 2 năm sau, Hòa Lâm trở thành Tổng đốc Tứ Xuyên, tước Nhất đẳng. Lúc này ông đã nắm quyền chỉ huy hàng chục vạn quân.

Theo Sohu, anh em Hòa Thân – Hòa Lâm có sự khác biệt về tính cách, một người ưa văn, một người lại thích võ nghệ. Tuy nhiên, không vì sự khác biệt này mà giữa họ xảy ra bất hòa. Ngược lại, Hòa Thân muốn nắm quyền lực chính trị và từng bước dìu dắt em trai tiến thân trên con đường binh nghiệp.

Hòa Lâm – người em trai được quan tham họ Hòa đặt nhiều kỳ vọng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Lâm – người em trai được quan tham họ Hòa đặt nhiều kỳ vọng (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Dưới thời Càn Long, Hòa Lâm thường xuyên cùng các tướng lĩnh cao cấp khác như A Quế, Phúc Khang An tham gia đánh dẹp các cuộc nổi dậy của nhiều bộ tộc thiểu số hay khởi nghĩa phản Thanh phục Minh. Đây chính là sự sắp đặt của Hòa Thân. Ông ta muốn Hòa Lâm theo dõi hành động của các đối thủ chính trị như Phúc Khang An, A Quế. Mặt khác, Hòa Lâm cũng đóng góp vào chiến công của các tướng tài trên, từ đó nhanh chóng thăng quan tiến chức.

Thanh sử chép, năm thứ 54 Càn Long (1789) Phúc Khang An vì bận bịu với chiến sự, viết thư nhờ tri phủ tỉnh Hồ Bắc là Lý Thiên Bồi đặt mua gỗ, vật liệu, vận chuyển đến Bắc Kinh xây phủ đệ. Biết Lý Thiên Bồi tự ý dùng thuyền quan chở gỗ, khiến cho đường sông tắc nghẽn, Hòa Thân một mặt sai em là Hòa Lâm viết đơn tố cáo, mặt khác lại xin Càn Long cho A Quế điều tra.

A Quế biết âm mưu của Hòa Thân, cố tình bỏ qua vụ việc. Hòa Thân liên tục công kích A Quế bao che cho Phúc Khang An. Càn Long nghe lời Hòa Thân, trách mắng A Quế, cách chức Lý Thiên Bồi sung làm lao dịch, cắt 10 năm bổng lộc của Phúc Khang An. Sau sự việc này, uy tín của A Quế và Phúc Khang An giảm mạnh còn Hòa Lâm lại được Càn Long khen là ngay thẳng, trọng dụng hơn trước.

Hòa Thân từng nói với Hòa Lâm: “Muốn làm đến tể tướng thì phải xuất phát từ quan thất phẩm. Muốn được phong thưởng thì ít nhiều cũng phải lập công”.

Hòa Lâm hiểu ý anh trai, đi theo A Quế, Phúc Khang An đánh Đông dẹp Bắc, lập được một số công trạng. Mỗi lần Hòa Lâm lập công, Hòa Thân lại tìm cách tâng bốc em trai tới tận mây xanh. Càn Long vì vậy ngày càng tín nhiệm anh em họ Hòa.

Đầu năm 1796, Càn Long vừa nhường ngôi cho Gia Khánh, khởi nghĩa Bạch Liên Giáo đã lan rộng, đặc biệt diễn ra mạnh mẽ ở Tứ Xuyên và Hồ Bắc. Lúc này các tướng quân đắc lực như A Quế và Phúc Khang An đều đã già yếu, chỉ còn Hòa Lâm là người có năng lực nhất. Hoàng đế Gia Khánh muốn dẹp loạn Bạch Liên Giáo, không thể không coi trọng Hòa Lâm. Dù rất muốn trừng trị Hòa Thân, Gia Khánh cũng không dám ra tay.

Giữ năm 1796, Phúc Khang An chết, Hòa Thân đề bạt em trai nắm quyền chỉ huy mọi chiến dịch trấn áp phản loạn trong nước, Càn Long đồng ý. Lúc này, Hòa Lâm mới 42 tuổi.

Đến đây có thể thấy mọi tính toán của Hòa Thân đều đã thành sự thực. Là người nổi tiếng khôn ngoan, làm việc cẩn mật, dù dưới quyền có bao nhiêu thân tín và những kẻ xu nịnh, Hòa Thân vẫn chỉ tin tưởng một mình người em ruột là Hòa Lâm.

Hai anh em Hòa Thân, một người nắm quyền lực về chính trị, một người nắm quyền lực về quân sự, trong ngoài triều cùng phối hợp giúp đỡ nhau thì dù Càn Long có qua đời, cũng không ai dám đụng tới họ. Hòa Thân lúc này đã đạt tới đỉnh cao quyền lực và ông ta hoàn toàn yên tâm về người em trai đang “chống lưng” cho mình, theo Sohu.

Nếu Hòa Lâm còn sống và nắm binh quyền, Hòa Thân chưa chắc đã bị Gia Khánh xử tử (ảnh: Sohu)

Nếu Hòa Lâm còn sống và nắm binh quyền, Hòa Thân chưa chắc đã bị Gia Khánh xử tử (ảnh: Sohu)

Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính. Năm 1796, Hòa Lâm đang trấn áp cuộc khởi nghĩa của người Miêu, Bạch Liên Giáo, liên tục lập công thì bất ngờ bị nhiễm chướng khí. Hòa Lâm bệnh mất ở trong quân, Thanh Sử Cảo chép. Một giả thuyết được lưu truyền trong dân gian lại cho rằng, Hòa Lâm bị một cao thủ võ công cao cường của Bạch Liên Giáo sát hại.

Càn Long vô cùng thương tiếc Hòa Lâm, truy phong ông làm Nhất đẳng Tuyên dũng công, cho phép đưa bài vị vào Thái miếu. Suốt lịch sử nhà Thanh, rất ít người không phải hoàng tộc được hoàng đế ban đặc ân này.

Hòa Thân nghe tin em trai mất như sét đánh ngang tai, chỉ kêu lên 3 tiếng “trời hại ta” rồi ngất xỉu. Quan tham họ Hòa sau đó làm liên tiếp 15 bài thơ được gọi là “Điệu vong thi” để thể hiện nỗi đau đớn của mình.

Năm 1799, Gia Khánh không chỉ xử tử Hòa Thân mà còn trút giận lên cả người em trai đã khuất của ông ta. Không tìm thấy bằng chứng cho thấy Hòa Lâm tham ô, Gia Khánh tuyên bố ông là kẻ “cậy thế tranh công, chỉ ăn theo Phúc Khang An, khi tự mình cầm quân thì chẳng lập nên công trạng gì”.

Bài vị của Hòa Lâm trong Thái miếu vì thế bị rút bỏ, tước vị Nhất đẳng công mà con trai ông đang thừa hưởng cũng bị tước. Qua việc “trả thù” cả người đã chết, có thể thấy Gia Khánh đã phải chịu sức ép rất lớn từ người em trai đầy quyền lực của Hòa Thân.  

Nguồn: [Link nguồn]

Vì sao dưới trướng Càn Long vô số nhân tài, Hòa Thân vẫn một mình độc bá triều đình?

Người xưa có câu “gần vua như gần hổ”, tuy nhiên, điều khó đối phó nhất với Hòa Thân khi làm quan không phải hoàng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam – tổng hợp ([Tên nguồn])
Đại gian thần Hòa Thân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN