Hòa Thân và những lần đấu trí với "kỳ phùng địch thủ" Lưu Dung

Lưu Dung với Hòa Thân là hai mặt một chính một tà, luôn luôn đối nghịch với nhau. Cùng làm quan trong triều, tuy không ai lật đổ được ai, nhưng giữa họ đã nhiều lần những cuộc đấu trí.

Lưu Dung là một vị quan thanh liêm và tài năng thời nhà Thanh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lưu Dung là một vị quan thanh liêm và tài năng thời nhà Thanh (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lưu Dung (1719 – 1805), tên chữ là Sùng Như. Ông là một đại thần dưới thời Càn Long. Tương truyền, Lưu Dung có một cái bướu rất lớn sau lưng, Kỷ Hiểu Lam thường gọi ông là Lưu La Oa (Lưu gù). Người đời sau vì thế cũng lấy tên này làm biệt hiệu của ông.

Lưu Dung là một vị quan thanh liêm. Tài hoa, thơ văn, thư pháp của ông nổi tiếng khắp thiên hạ. Những sự tích về ông còn được biên tập thành cuốn Lưu Công án và được phổ biến rộng rãi.

Lưu Dung từng đảm nhiệm các chức vị cao như thượng thư bộ Lễ, bộ Lại, bộ Công. Ông được Càn Long rất coi trọng. Tuy nhiên, không giống với nhân vật tể tướng Lưu gù phổ biến trên phim truyền hình, Lưu Dung chưa từng giữ chức vị này.

Dưới thời Càn Long, Hòa Thân đã tìm trăm phương ngàn kế để đẩy những vị đại thần không cùng phe cánh ra khỏi triều đình. Lưu Dung một mình còn lại trong triều, vì vậy, trở thành đối thủ chính của ông ta.

Lưu Dung và Hòa Thân luôn là đối thủ của nhau (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lưu Dung và Hòa Thân luôn là đối thủ của nhau (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Cuộc đối chọi đầu tiên của Lưu Dung và Hòa Thân trong lịch sử là vụ án tham ô của Quốc Thái. Quốc Thái là bác ruột của một phi tần rất được Càn Long sủng ái. Năm 1777, Quốc Thái được phong làm tổng đốc Sơn Đông, ra sức tham nhũng.

Năm 1781, Càn Long phái Hòa Thân và Lưu Dung tới Sơn Đông để điều tra vụ tham ô của Quốc Thái. Hòa Thân là người có quan hệ thân thiết với Quốc Thái. Ông ta cố tình viện cớ bận công việc, trì hoãn đi điều tra. Đồng thời, Hòa Thân cho người đến báo tin cho Quốc Thái, dặn dò phải chuẩn bị lương tiền trong kho cho đầy đủ.

Lưu Dung năm lần bảy lượt thúc giục Hòa Thân. Khi đến nơi, do Quốc Thái được tin báo trước của Hòa Thân nên khi Lưu Dung cho kiểm tra trong kho, tiền bạc vẫn nguyên vẹn.

Tuy nhiên, sự gian xảo đó không qua được mắt Lưu Dung. Ông phát hiện số bạc trong kho có một phần lớn không có hình ấn tín của quốc khố bên dưới. Điều này chứng tỏ đây không phải bạc của nhà nước đúc.

Quốc Thái đã vay mượn bạc của các nhà giàu trong vùng để thêm vào cho đủ số. Kết quả, Quốc Thái bị phát hiện tham ô 8 vạn lượng bạc và bị xử tử. Sự việc này khiến cho Hòa Thân bị Càn Long trách mắng rất nhiều.

Hòa Thân cũng đã từng có lần chiếm ưu thế trước Lưu Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Hòa Thân cũng đã từng có lần chiếm ưu thế trước Lưu Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Một sự việc khác cũng thể hiện cuộc tranh đấu giữa Hòa Thân và Lưu Dung. Đó là vào năm thứ 2 Gia Khánh (năm 1797). Lưu Dung đang làm thượng thư bộ Lại (cơ quan có trách nhiệm tuyển chọn, quản lý quan lại), kiêm chức Thể nhân các đại học sĩ.

Lưu Dung được giao phụ trách việc tổ chức khoa cử, tuyển chọn quan lại. Hòa Thân vì vậy rất không vừa ý. Ông ta liền tâu rằng việc tuyển chọn quan lại rất quan trọng, cần do sở quân cơ chủ trì (Hòa Thân là người đứng đầu sở quân cơ), bộ lại chỉ nên trợ giúp khảo sát mà thôi.

Tuy nhiên, việc tuyển chọn quan viên do bộ Lại quản lý vẫn là quy định từ xưa của nhà Thanh. Hơn nữa, Lưu Dung lại làm việc rất thanh liêm không có sai sót. Vì thế bước đầu Hòa Thân không đạt được mục đích. Ông ta bèn nghĩ ngay ra kế đánh vào tâm lý của Càn Long, lúc này đã là Thái thượng hoàng. Hòa Thân nói:

- Hoàng thượng (Gia Khánh) muốn nắm giữ quyền tuyển chọn, thăng giáng quan viên. Xưa nay vẫn thường ra ơn cho mình Lưu Dung. Cứ để như vậy, chẳng bao lâu quan lại trong thiên hạ ai cũng chịu ân huệ riêng của hoàng thượng.

Tuy đã lên làm Thái thượng hoàng, nhưng thực chất Càn Long vẫn nắm giữ quyền lực trong tay. Ông ta lo ngại Gia Khánh đế muốn cùng Lưu Dung kết bè cánh riêng, uy hiếp đến vị thế của mình.

Càn Long vì vậy giáng chỉ chuyển Lưu Dung làm thượng thư bộ Công. Chức thượng thư bộ Lại sẽ do Phúc Trường An – một tay chân của Hòa Thân, đảm trách. Việc tuyển chọn quan lại do sở quân cơ chủ trì, bộ Lại hỗ trợ. Gia Khánh cũng vì chuyện này mà từng nói: “Quan viên thiên hạ đều từ cửa nhà họ Hòa mà ra cả”.

Lưu Dung nhẫn nhịn chờ thời, đến phút cuối là người thắng cuộc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Lưu Dung nhẫn nhịn chờ thời, đến phút cuối là người thắng cuộc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Thực tế trong lịch sử, những màn đối đầu giữa Lưu Dung và Hòa Thân không nhiều. Hoàng đế Càn Long tỏ ra rất xem trọng Hòa Thân và giao cho ông ta nhiều chức vụ quan trọng. Lưu Dung luôn ẩn nhẫn, chờ thời cơ lật đổ Hòa Thân. Những năm cuối đời, Lưu Dung ngày càng được hoàng đế Gia Khánh trọng dụng, còn Hòa Thân thì ngày càng ngạo mạn, lộng hành. Cuối cùng, ông ta đã phải chịu trừng trị.

Năm 1799, Lưu Dung được Gia Khánh chỉ định là người trực tiếp điều tra và xử lý vụ án của Văn Hoa điện đại học sĩ Hòa Thân. Lưu Dung cho rằng vây cánh của Hòa Thân quá đông, nếu điều tra rõ ngọn ngành thì sẽ gây ra một trận sóng gió lớn chốn quan trường, làm nguy hại triều đình.

Vì vậy, Lưu Dung xin hoàng đế Gia Khánh chỉ nên trị tội kẻ cầm đầu là Hòa Thân. Không chém giữa chợ mà cho phép Hòa Thân được tự tử tại nhà, không tử hình gia quyến của ông ta, để tránh đả động, gây bất ổn tới các quan viên khác từng là thuộc hạ của Hòa Thân. Vụ án Hòa Thân được Lưu Dung xử lý nhanh chóng, gọn gàng, bảo vệ trật tự triều đình. Cả đời bị Hòa Thân gây sức ép, cuối cùng Lưu Dung vẫn là người thắng cuộc.

Có rất nhiều câu chuyện ly kì được truyền tụng về những cuộc đấu trí giữa Hòa Thân và Lưu Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Có rất nhiều câu chuyện ly kì được truyền tụng về những cuộc đấu trí giữa Hòa Thân và Lưu Dung (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)

Trong dã sử, những cuộc đấu trí của Lưu Dung với Hòa Thân được lưu truyền rất nhiều và cũng rất thú vị. Có lần, nhân việc Lưu Dung lập được công lớn vạch tội Quốc Thái. Hòa Thân thách thức Lưu Dung có dám bắt lỗi cả Càn Long hay không? Nếu không dám thì phải vái ông ta 3 vái, Lưu Dung nhận lời.

Lúc vào triều, Lưu Dung đứng ra tâu: Thần có một bản tấu, muốn kể tội một người có quyền thế mà phạm tội đi đào trộm phần mộ của người khác. Chính là hoàng thượng.

Cả triều đình nghe Lưu Dung nói mà lạnh toát người, không ngờ việc tưởng đùa thành thật. Càn Long quả nhiên nổi giận, mắng Lưu Dung sao to gan dám vu cáo cho mình.

Lưu Dung bình tĩnh đáp:

- Hoàng thượng không nhớ, mấy năm trước cung Càn Thanh tu sửa cần gỗ gấp. Hoàng thượng phải hạ lệnh dỡ lăng của viên tướng nhà Minh ra lấy gỗ. Đó chẳng phải là tội đào trộm mộ sao? Chuyện này hạ thần tự tay đi làm, sợ khó thoát tội nên xin hoàng thượng chịu phạt cùng.

Càn Long nghe vậy đổi giận làm vui, hỏi Lưu Dung vì sao lại đem chuyện cũ ra nói lại. Lưu Dung kể việc Hòa Thân thách thức mình ra kể tội hoàng thượng. Càn Long thấy Hòa Thân dám lôi cả mình ra để cá cược, bắt ông ta phải lạy Lưu Dung đủ 3 lạy mới thôi.

_____________

Những năm cuối đời, Hòa Thân đã đạt đến tột đỉnh của quyền lực và tiền tài. Nhưng vì quá kiêu ngạo, ông ta đã dần rơi vào cái bẫy mà hoàng đế Gia Khánh sắp đặt.  Cụ thể ra sao, mời bạn đón đọc trong bài kỳ tới, xuất bản sáng 03/10/2019.

Vì sao Càn Long biết Hòa Thân làm điều xấu trước mắt mình mà vẫn một mực sủng ái?

Càn Long thường đối xử với các quan lại dưới quyền rất nghiêm khắc, nhưng riêng với Hòa Thân lại mắt nhắm mắt mở,...


 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vương Nam ([Tên nguồn])
Đại gian thần Hòa Thân Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN