Drone cỡ nhỏ - giải pháp cho Israel trong “cuộc chiến đường hầm” tại Gaza?

Những thiết bị bay không người lái loại nhỏ (drone), đang trở thành giải pháp hiệu quả cho Israel trong chiến dịch trên bộ ở Dải Gaza. Rẻ tiền và linh hoạt, những chiếc drone này có thể trinh sát đường hầm, xuyên qua cửa sổ và mang theo chất nổ để trở thành vũ khí tiến công.

Giải pháp rẻ mà hiệu quả

Quân đội Israel đã thử nhiều phương pháp khác nhau để khám phá các đường hầm của lực lượng Hamas ở Dải Gaza: robot, chó robot và chó thật. Nhưng điều mà họ nhanh chóng nhận ra là lựa chọn rẻ nhất và hiệu quả nhất để khám phá mê cung dưới lòng đất - vốn là một cái bẫy chết người tiềm tàng đối với binh lính - là drone, thiết bị bay không người lái bốn cánh quạt loại nhỏ.

Một chiếc Eitan, máy bay không người lái loại lớn với cánh cố định (UAV) của Israel với khả năng mang tên lửa chống tăng và bay cao tới 7 km. Ảnh: Times of Israel

Một chiếc Eitan, máy bay không người lái loại lớn với cánh cố định (UAV) của Israel với khả năng mang tên lửa chống tăng và bay cao tới 7 km. Ảnh: Times of Israel

Và không chỉ là đường hầm. Tại chiến trường đô thị dày đặc ở Gaza, quân đội Israel bây giờ thường điều khiển drone len lỏi vào các tòa nhà để nắm bắt địa hình trước khi cử binh lính tới. Các thiết bị bay không người lái mini này cũng cung cấp cho các đơn vị nhỏ hơn khả năng trinh sát trên không và được sử dụng làm nhiệm vụ dẫn đường cho pháo binh.

Các drone cỡ nhỏ là một phần mới trong kho vũ khí máy bay không người lái của Israel mà các quan chức quân sự nước này cho rằng đã đóng vai trò thiết yếu trong việc giảm thiểu thương vong khi họ tiến quân qua một chiến trường đông dân cư, nhiều vật cản và đầy rẫy bẫy mìn ở Gaza.

Israel đang vận hành một phi đội hùng hậu những chiếc UAV (máy bay không người lái có cánh cố định), với đa dạng chủng loại. Một số UAV có kích thước ngang ngửa máy bay tiêm kích F-16 trong khi một số khác đủ nhỏ để binh sĩ có thể cõng trên lưng, thực hiện kết hợp các chức năng giám sát, trinh sát và không kích. Những chiếc UAV lớn nhất trong số này có thể bay tới độ cao 14 km và tuần tiễu trên không trong gần một ngày rưỡi với tốc độ tối đa 400 km/h, còn chiếc nhỏ nhất hoạt động được ở độ cao 1,5 km và có thể ở trên không trong vài giờ.

Nhờ có drone, binh sĩ Israel không cần phải trực tiếp tiến vào các đường hầm đầy rẫy cạm bẫy ở Dải Gaza. Ảnh: France 24

Nhờ có drone, binh sĩ Israel không cần phải trực tiếp tiến vào các đường hầm đầy rẫy cạm bẫy ở Dải Gaza. Ảnh: France 24

Với hệ thống điện tử hàng không tiên tiến và vô số khí tài hiện đại gắn theo, những chiếc UAV này lâu nay vẫn được giới chức quân sự Israel xem như trụ cột quan trọng hỗ trợ các hoạt động mặt đất. Nhưng hóa ra những chiếc drone, giá rẻ lại hữu ích hơn về nhiều mặt ở một số khu vực trên chiến trường, chẳng hạn như trong đường hầm.

Khoảng một thập kỷ trước, Hội đồng An ninh Quốc gia Israel đã cân nhắc liệu những chiếc drone loại nhỏ có tác động đến chiến trường hay không và kết luận là không, Jacob Nagel, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, cho biết. “Nhưng bây giờ”, ông Nagel nói, "ở Gaza đang đầy rẫy drone”.

Phương thức tác chiến linh hoạt

Ban đầu drone không được tính đến như một phương án khám phá các đường hầm. Thay vào đó, Israel sử dụng robot hạng nặng kết nối với bề mặt thông qua dây cáp để tìm kiếm hàng trăm km đường hầm mà các chiến binh Hamas đã đào bên dưới Gaza. Tuy nhiên, nền của đường hầm thường chứa đầy rác, khiến robot vấp ngã, trong khi một số lối đi tỏ ra quá hẹp để chúng có thể vận hành.

Những thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ có 4 cánh quạt (drone) đang tỏ ra hiệu quả hơn UAV ở Dải Gaza. Ảnh: Defender Post

Những thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ có 4 cánh quạt (drone) đang tỏ ra hiệu quả hơn UAV ở Dải Gaza. Ảnh: Defender Post

Israel cũng đã thử sử dụng chó robot nhưng chúng đắt tiền và nặng nề. Nhưng khác với những thiết bị trên, drone có nhiều ưu điểm hơn. Rẻ tiền và linh hoạt, những thiết bị bay này đem lại hiệu quả không ngờ. Các drone hoàn toàn không bị ràng buộc vào địa hình và phù hợp hoàn hảo với những không gian nhỏ.

Một số có thể vượt qua cửa sổ để trinh sát bên trong các tòa nhà. Một số khác được trang bị cánh tay robot mang theo chất nổ dẻo để phá cửa, hoặc lựu đạn để thả xuống những mục tiêu được che chắn sau tường cao. Chúng có thể tạo mạng lưới liên lạc của riêng mình dưới lòng đất, với mỗi drone sẽ được điều khiển bay xa nhất có thể trước khi trở thành nút chuyển tiếp mới cho phép drone tiếp theo từ điểm mốc đó bay xa hơn.

Aviv Shapira, người đồng sáng lập và giám đốc điều hành của công ty máy bay không người lái XTEND, cho biết hiện nay quân đội Israel đang sử dụng sản phẩm của họ cho nhiều mục đích khác nhau ở Gaza. Chẳng hạn, Xtender, dòng drone nhỏ của XTEND, có thể mang theo khoảng 150 gram thiết bị, được trang bị camera có thể tạo bản đồ 3-D theo thời gian thực, giúp chúng bay trong nhà và tiếp cận các đường hầm dưới lòng đất. Trong khi đó, những chiếc Yahalom (tiếng Do Thái có nghĩa là kim cương), của XTEND chuyên tìm và phá hủy các đường hầm: Binh sĩ Israel sử dụng loại drone này để rải mìn hoặc bẫy cảm biến vào hệ thống mê cung chằng chịt của Hamas ở Gaza.

Hình ảnh từ kính đeo thực tế ảo được đeo bởi một người lính Israel đang điều khiển thiết bị bay không người lái Xtender. Ảnh: WSJ

Hình ảnh từ kính đeo thực tế ảo được đeo bởi một người lính Israel đang điều khiển thiết bị bay không người lái Xtender. Ảnh: WSJ

Phương thức tác chiến với drone còn đa dạng hơn nữa khi một nhóm đông - thường là 3 chiếc - cũng có thể được vận hành rất hiệu quả bởi một người điều khiển duy nhất. Sử dụng kính đeo thực tế ảo với nguồn cấp dữ liệu hình ảnh, người điều khiển có thể điều khiển một drone để đột nhập vào tòa nhà thông qua cửa sổ hoặc cửa ra vào rồi bố trí chiếc thứ hai “cắm chốt” ở lối vào để làm trạm giám sát bổ sung. Trong khi đó, chiếc thứ ba sẽ tiến vào lục soát tòa nhà để tìm mục tiêu.

Với những ưu điểm cực kỳ phù hợp cho các cuộc chiến đường phố và hầm ngầm, drone vì thế đang trở thành cứu cánh cho các đơn vị nhỏ, không được trang bị hỏa lực mạnh của Israel trong cuộc tiến công vào Dải Gaza. Chúng đặc biệt giá trị đối với lực lượng dự bị được huy động tham chiến sau các cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10, bởi các binh sĩ này chưa có kinh nghiệm thực chiến nên sẽ rất rủi ro nếu họ trực tiếp tiến vào những vùng nguy hiểm. 

Thị trường đang bị bỏ ngỏ

Việc sử dụng ngày càng nhiều các máy bay không người lái thương mại loại nhỏ được vũ trang giờ đây là xu thế phổ biến trong các cuộc xung đột trên khắp thế giới. Chẳng hạn cả Nga và Ukraine đều phụ thuộc rất nhiều vào drone để giám sát và tấn công, trong khi Hamas sử dụng drone trong cuộc tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 7/10.

Một drone của Israel đang rải hơi cay tại Gaza. Ảnh: Middel East Eye

Một drone của Israel đang rải hơi cay tại Gaza. Ảnh: Middel East Eye

Không chỉ Israel ban đầu không lường trước được tầm quan trọng của drone trong vùng chiến sự. Quân đội Mỹ trong nhiều năm cũng tập trung vào việc chế tạo những chiếc máy bay không người lái lớn và đắt tiền trước khi nhận ra quá muộn rằng họ đã nhượng lại thị trường máy bay không người lái cỡ nhỏ cho Trung Quốc.

Ngày nay, SZ DJI Technology của Trung Quốc là nhà sản xuất drone thương mại lớn nhất thế giới, với những sản phẩm chất lượng cao và giá thành rẻ. Những drone dân dụng này, khi được những lực lượng quân sự gắn thêm các thiết bị vũ trang mini - phổ biến nhất là camera, cảm biến hoặc chất nổ - đã trở thành những vũ khí trinh sát hoặc tiến công lợi hại.

Tập đoàn Công nghiệp hàng không Vũ trụ Israel (IAI) là một nhà sản xuất UAV hàng đầu thế giới, với những sản phẩm được đánh giá rất cao như UAV tiến công Eitan và Heron có thể mang theo tên lửa chống tăng, trị giá mỗi chiếc hàng chục triệu USD. Nhưng việc IAI bỏ quên thị trường thiết bị bay không người lái cỡ nhỏ gắn cánh quạt, khiến quân đội nước này hiện phải nhập khẩu hàng nghìn drone loại này.

Nhà thầu XTEND, như đề cập ở phần đầu của bài viết, tuy là một công ty Israel nhưng các drone của họ đa phần đến từ những nhà sản xuất nước ngoài. Hiện tại, BRINC - một công ty máy bay không người lái của Mỹ cũng đang góp mặt vào thị trường. Blake Resnick, Giám đốc điều hành BRINC cho biết ông đã đến Israel vào đầu tháng 12 và thuyết phục được quân đội nước này mua một số drone loại LEMUR 2 chuyên dành cho các hoạt động tìm kiếm và cứu nạn.

“Một trong những ưu tiên mua sắm hàng đầu của Lực lượng Phòng vệ Israel hiện nay là máy bay không người lái cỡ nhỏ để sử dụng trong các hoạt động giải cứu con tin trong đường hầm và tác chiến ở môi trường dưới lòng đất”, Resnick tiết lộ.

Trong khi đó, nhân viên tại các công ty máy bay không người lái tư nhân làm việc với quân đội Israel tiết lộ với báo Wall Street Journal rằng, trong số các drone mà quân đội Israel sử dụng cũng có những chiếc do DJI sản xuất. Một video do quân đội Israel công bố mà Wall Street Journal có được cho thấy các binh sĩ đang điều khiển drone của DJI, dòng Mavic 3, bay vào đường hầm bên dưới một bệnh viện ở Gaza.

Với drone, không lo bắn nhầm!

Những UAV loại lớn với cánh cố định mà Israel triển khai đang cho thấy hạn chế khi tác chiến trong môi trường đô thị nhiều vật cản. Chúng không thể bay thấp và luồn lách vào các khu vực chật hẹp. Hệ quả là có những thiệt hại ngoài dự kiến. Chẳng hạn, hồi giữa tháng 12, đài Al Jazeera cho biết một nhà quay phim của họ đã thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng UAV của Israel ở phía nam Dải Gaza.

Còn báo Times of Israel hôm 27/12 dẫn lời các quan chức y tế của Chính quyền Palestine cho hay, một cuộc tấn công bằng UAV của Israel gần Tulkarem ở phía bắc Bờ Tây đã khiến 6 người Palestine tử nạn. Theo các nhà phân tích quân sự, nếu kết hợp giữa UAV và drone trong các nhiệm vụ phức tạp như vậy, Israel sẽ hạn chế được tối đa thiệt hại ngoài dự kiến.

Nguồn: [Link nguồn]

Cách Hamas sử dụng hệ thống hầm ngầm “biến hóa“ chưa từng thấy gây khó cho Israel

Đôi khi, bên bị tấn công không biết đối thủ ở đâu. Thậm chí, đồng đội bị bắt cóc cũng mất dấu chỉ trong vài phút.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Khánh ([Tên nguồn])
Tin tức Israel Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN