Đối phó Trung Quốc, nhóm Bộ tứ sẵn sàng hợp tác đến đâu?

Mỹ giờ đây nên thông qua nhóm "Bộ tứ" để tập trung nhiều hơn vào các thỏa thuận "tích cực và bao trùm" ở châu Á - Thái Bình Dương nếu muốn đối phó hiệu quả với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước Úc, Nhật Bản, Ấn Độ trong ngày 24-9 (giờ Washington) nhóm họp tại Nhà Trắng trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo nhóm "Bộ tứ".  

Nhóm "Bộ tứ" là diễn đàn chiến lược không chính thức, tập hợp các nước quan tâm đến việc đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á.

Đây được xem là một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng nhất đối với ảnh hưởng của nước Mỹ tại châu Á trong thời gian tới. Theo Nhà Trắng, ông Biden sẽ cùng Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Scott Morrison thảo luận về nội dung thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở. 

Cuộc gặp trên diễn ra vào thời điểm chính sách của Mỹ ở châu Á đang thay đổi mạnh mẽ. Vì thế, một số chuyên gia nhận định việc nhóm "Bộ tứ" chọn làm gì sắp tới càng đóng vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Thủ tướng Úc Scott Morrison tại TP New York hôm 21-9. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) gặp Thủ tướng Úc Scott Morrison tại TP New York hôm 21-9. Ảnh: Reuters

Ông Malcolm Davis, nhà phân tích tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, nhận định với đài CNN rằng nhóm "Bộ tứ"  không phải là một phiên bản NATO châu Á nhưng rõ ràng là đang hướng đến hợp tác an ninh. 

Úc và Nhật Bản hoan nghênh sự can dự nhiều hơn của Mỹ ở khu vực. Trong khi đó, Ấn Độ cho đến giờ vẫn là thành viên thận trọng nhất. Vì thế, bà Bonnie Glaser, chuyên gia tại Quỹ German Marshall của Mỹ, cho rằng việc nhóm này sẵn sàng hợp tác quốc phòng sâu rộng đến đâu để đối phó Trung Quốc còn tùy thuộc vào New Delhi. 

Một số chuyên gia cho rằng dù không muốn chọc giận Trung Quốc, Ấn Độ vẫn đang dần tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ, như tiến hành tập trận chung, mua vũ khí, chuyển giao công nghệ...

Cũng theo bà Glaser, một yếu tố khác quyết định đến chính sách của nhóm "Bộ tứ" là hành vi của Bắc Kinh. Nếu Trung Quốc tăng cường đe dọa lợi ích các nước, nhóm "Bộ tứ" sẽ sẵn sàng đáp trả mạnh mẽ hơn. 

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng hôm 23-9. Ảnh: Reuters

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tiếp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Nhà Trắng hôm 23-9. Ảnh: Reuters

Cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm "Bộ tứ" là cơ hội không thể tốt hơn để Washington chứng tỏ vai trò của mình ở khu vực. Bằng cách bắt tay với Úc, Nhật Bản, Ấn Độ trong khuôn khổ nhóm "Bộ tứ", Mỹ có thể cho các nước thấy sự hợp tác không chỉ tập trung vào mặt quân sự mà còn cả về kinh tế và chính trị. 

Bắc Kinh đã chỉ ra thỏa thuận AUKUS (hiệp ước quốc phòng giữa Mỹ, Anh, Úc) mới ký kết là ví dụ cho thấy Washington chỉ tập trung vào sức mạnh quân sự ở châu Á. Để so sánh, Trung Quốc trong tuần này chính thức xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định mà Mỹ rút khỏi thời Tổng thống Donald Trump

Vì thế, ông Ben Scott, chuyên gia tại Viện Lowy (Úc) nhận định Mỹ giờ đây nên thông qua nhóm "Bộ tứ" để tập trung nhiều hơn vào các thỏa thuận "tích cực và bao trùm" ở châu Á - Thái Bình Dương nếu muốn đối phó hiệu quả với Trung Quốc. 

Theo ông Scott, những nội dung nên được ưu tiên là cuộc chiến chống dịch Covid-19, ổn định kinh tế và an ninh. 

Nguồn: [Link nguồn]

TQ làm gì nếu “Bộ tứ kim cương” vượt lằn ranh đỏ?

Trước cuộc họp trực tuyến đầu tiên của nhóm Bộ tứ kim cương, các chuyên gia Trung Quốc nhận định, Bắc Kinh nên theo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Võ ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN