Đập thủy điện bị tố giữ nước ở thượng nguồn sông Mekong, báo TQ nói gì?

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Trong hai tháng đầu năm 2021, các đập thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong nhiều lần bị tố cắt giảm xả nước, khiến mực nước sông Mê Kông giảm mạnh giữa mùa khô hạn.

Đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

“Mực nước bắt đầu giảm đột ngột từ đầu tháng 1. Tất cả chúng ta đều biết rằng điều này xảy ra vì Trung Quốc đóng cửa xả nước”, Niwat Roikaew, chủ tịch nhóm bảo vệ môi trường Love Chiang Khong, Thái Lan, nói.

Đến giữa tháng 2, tình trạng mực nước sông Mê Kông giảm mạnh vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển.

Ned Price, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bày tỏ “quan ngại về mức nước suy giảm trên sông Mekong” trong một tuyên bố đưa ra ngày 23.2. Ủy ban sông Mekong (MRC) bày tỏ lo ngại vì mực nước sông Mekong “giảm xuống mức báo động” do Trung Quốc kiểm soát việc điều tiết nước ở thượng nguồn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở vùng hạ lưu.

Trong bài xã luận đăng tải trên tờ Thời báo Hoàn Cầu, truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng những tuyên bố như trên là chưa phản ánh đúng tình hình thực tế.

Tờ Hoàn Cầu viện dẫn số liệu chính thức, cho rằng trong hai tháng qua, đập Cảnh Hồng ở thượng nguồn đã xả nước nhiều hơn so với tốc độ dòng chảy thông thường của sông Mekong vào mùa khô.

Tốc độ xả nước trung bình của đập Cảnh Hồng vào tháng 1 ở mức 1.243 m3/giây, nhiều hơn 78,6% so với mức trung bình trong năm là 696m3/giây và cao hơn 16,2% so với cùng kì năm ngoái, Hoàn Cầu viết.

Đến tháng 2, đập Cảnh Hồng xả nước với lưu lượng 1.026 m3/giây, cao hơn mức trung bình trong tháng là 586 m3/giây.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng các đập thủy điện ở vùng thượng nguồn có vai trò trong việc giúp giảm hạn hán ở vùng hạ lưu.

Mùa khô trên sông Mekong kéo dài từ tháng 12 đến tháng 5, trong khi mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11.

Lưu lượng nước vào mùa mưa thường gấp 3,7 lần mùa khô. Các đập thủy điện Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong trữ nước vào mùa mưa và xả nước với lưu lượng cao hơn mức trung bình của mùa khô, tờ Hoàn Cầu viết.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng, số liệu cho MRC công bố về lưu lượng dòng chảy có khác biệt so với số liệu chính thức từ Trung Quốc. Nguyên nhân dẫn đến khác biệt về số liệu là do cách tính toán khác nhau.

Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đang làm việc cùng MRC để có thể cung cấp các số liệu thống nhất hơn, theo tờ Hoàn Cầu.

Cuối cùng, tờ Hoàn Cầu cho rằng dòng chảy ở vùng lưu vực Trung Quốc chỉ chiếm 13,5% tổng lượng dòng chảy của sông Mekong, có tác động rất hạn chế đến vùng hạ lưu sông Mekong.

Báo Trung Quốc thừa nhận đập Cảnh Hồng có giảm xả nước, nhưng chỉ trong thời gian ngắn và “rất khó có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng ở vùng hạ lưu”.

Báo Trung Quốc cho rằng, lưu lượng dòng chảy sông Mekong giảm còn 39,5% khi qua trạm Nong Khai ở Thái Lan và tiếp tục giảm còn 14,3% khi qua trạm Strung Treng ở Campuchia.

Cuối cùng, báo Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh và các quốc gia ở vùng hạ lưu đang nỗ lực thúc đẩy lòng tin và mở rộng hợp tác về chia sẻ nguồn nước.

Các quốc gia ở lưu vực sông Mekong gần đây bày tỏ quan ngại về tình trạng mực nước giảm xuống mức báo động. Mỹ kêu gọi Trung Quốc minh bạch về dữ liệu nước sông Mekong như đã cam kết. Tuy nhiên, Trung Quốc hiện mới chỉ cung cấp dữ liệu dòng chảy sông Mekong từ tháng 6 đến tháng 10.

Nguồn: [Link nguồn]

TQ thông báo hạn chế dòng chảy sông Mekong, vì sao bị chỉ trích?

Trung Quốc đã cảnh báo các nước láng giềng ở hạ lưu sông Mekong rằng công việc bảo dưỡng đập thủy điện sẽ làm...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - Hoàn Cầu ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN