Đài Loan đối mặt lựa chọn khó khi số ca Covid-19 tăng mạnh

Ngày 12/4, người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan cho biết, hòn đảo có thể ghi nhận 1.000 ca nhiễm Covid-19 mỗi ngày kể từ cuối tháng 4. Đài Loan ghi nhận con số này chỉ 3 ngày sau phát biểu đó. Hòn đảo giờ đây phải lựa chọn sống chung với Covid-19 hoặc theo chính sách tương tự Zero Covid.

Người dân tại một điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở thành phố Đài Bắc, đảo Đài Loan. Ảnh: Bloomberg

Người dân tại một điểm tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở thành phố Đài Bắc, đảo Đài Loan. Ảnh: Bloomberg

Hôm 18/4, Đài Loan ghi nhận 1.390 ca nhiễm. Số ca nhiễm trung bình trong 5 ngày qua ở ngưỡng trên 1.100 ca. Sự tăng mạnh số ca nhiễm khiến 23 triệu người dân hòn đảo bị bất ngờ. Trong các đợt dịch trước, tổng số ca tử vong vì Covid-19 của Đài Loan là 854. 

"Quy mô của đại dịch trên đảo hiện nay là rất lớn", ông Chen Shih-chung, người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan, nói trong cuộc họp báo hôm 15/4, cho biết thêm rằng hòn đảo này một thời điểm nào đó có thể ghi nhận hàng chục nghìn, thậm chí là hàng triệu ca nhiễm. "Vấn đề không phải là về số lượng ca nhiễm, mà là việc liệu chúng ta có thể ngăn tác động lớn từ việc gia tăng số ca nhiễm hay không", ông Chen Shih-chung nói thêm. 

Theo Bloomberg, một chiến lược kiểm soát biên giới chặt chẽ, việc bắt buộc đeo khẩu trang và truy vết lây nhiễm giúp Đài Loan dập tắt nhiều đợt bùng phát trước đây, thúc đẩy xuất khẩu, tăng trưởng của các nhà máy chế tạo chất bán dẫn, và đẩy tỷ lệ thất nghiệp xuống mức thấp nhất trong 21 năm. 

Nhiều cư dân của đảo Đài Loan chấp nhận "bong bóng" an toàn này nhưng các doanh nghiệp muốn mở cửa biên giới trở lại để thu hút đầu tư nước ngoài. Khoảng 91% thành viên Phòng thương mại Mỹ tại Đài Loan cho biết, việc dần dần mở cửa với nước ngoài và giảm các hạn chế đi lại là rất "quan trọng". 

"Mở cửa trở lại là rất quan trọng nếu Đài Loan muốn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài - những người có thể đóng góp cho nền kinh tế của hòn đảo nhiều hơn các du khách", Winston Chiao, một nhà kinh tế tại công ty đầu tư Taishin Securities, nhận định. "Để mở rộng hoặc bắt đầu đầu tư vào Đài Loan, điều đầu tiên là họ cần tới được hòn đảo". 

Quyết định khó khăn

Theo Bloomberg, biến thể Omicron khiến gần như không thể kiểm soát trong các đợt bùng dịch lớn. New Zealand, một quốc gia từng là hình mẫu chống dịch, đã từ bỏ chính sách "Zero Covid" sau khi việc phong tỏa không làm giảm số ca nhiễm biến thể Omicron. Tỷ lệ tiêm chủng cao giúp New Zealand giới hạn số ca nhiễm tử vong ở dưới mốc 600. Quốc gia ở tây nam Thái Bình Dương giờ đang được hưởng lợi từ việc mở cửa biên giới và giảm bớt các biện pháp hạn chế. 

Khác với New Zealand, Trung Quốc đại lục vẫn kiên quyết theo đuổi chính sách Zero Covid và chú trọng phong tỏa. Hong Kong vẫn giữ các biện pháp hạn chế mở cửa trong bối cảnh hàng chục nghìn ca nhiễm mới/ngày trong giai đoạn cuối tháng 2 đến giữa tháng 3, khiến việc xét nghiệm, truy vết và cách ly bị quá tải. 

Đài Loan đã cắt giảm đáng kể thời gian cách ly bắt buộc xuống còn 10 ngày và báo hiệu rằng việc truy vết có thể không còn khả thi ở các thanh phố với số ca nhiễm lớn. Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan, 99% ca nhiễm ở Đài Loan trong năm nay có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Lãnh đạo Thái Anh Văn cho rằng, giới chức Đài Loan sẽ cân bằng nhu cầu của nền kinh tế với nguy cơ sức khỏe cộng đồng. 

Mối lo về tiêm chủng

Một mối quan ngại lớn ở Đài Loan, một trong những vùng lãnh thổ có dân số già nhanh nhất thế giới, là khoảng 16% những người từ 12 tuổi trở lên chưa tiêm mũi vắc xin nào. Dưới 80% dân số từ 12 tuổi trở lên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. 

 "Những lo ngại cơ bản khiến Đài Loan chưa thể mở cửa trở lại là việc nhiều người dân vẫn chưa tiêm chủng và hiệu quả của các vắc xin mũi 2 đang dần giảm xuống theo thời gian", Chen Hsiu-hsi, một giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Đài Loan, cho biết.

Điểm tích cực duy nhất về việc tiêm chủng ở Đài Loan là 72% những người ở tuổi 75 trở lên đã được tiêm 2 mũi vắc xin. Mức này cao hơn so với thời kỳ bùng phát dịch ở Hong Kong hồi cuối tháng 2, giữa tháng 3 vừa qua. 

 Giới chức đảo Đài Loan đang đẩy mạnh việc tiêm vắc xin Covid-19. Tuần trước, Đài Loan ra quy định những người thường xuyên tiếp xúc với người khác như giáo viên, huấn luyện viên thể hình... phải tiêm ít nhất 3 mũi mới được phép đi làm, kể từ ngày 22/4. 

"Người dân vẫn rất lười đi tiêm chủng vắc xin Covid-19. Điều đó cần phải thay đổi nếu Đài Loan muốn thực hiện mục tiêu kép: vừa mở cửa biên giới, giảm các hạn chế đi lại, vừa có thể kiềm chế được đại dịch", giáo sư Chen Hsiu-hsi chia sẻ. 

Nguồn: [Link nguồn]

Điều gì xảy ra với thế giới khi Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu?

Ngày càng có nhiều chuyên gia cho rằng, dịch Covid-19 sẽ sớm trở thành bệnh đặc hữu và thế giới cần học cách sống chung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Thái - Bloomberg ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN