Cựu Thủ tướng Israel cảnh báo mâu thuẫn ngày càng gia tăng với Mỹ trong xung đột ở Dải Gaza

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng tuyên bố "một cuộc chiến lâu dài và khó khăn" với lực lượng Hamas ở Dải Gaza, nhưng cựu Thủ tướng Ehud Barak lo ngại rằng, thời gian thực tế không còn nhiều.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak tin rằng, cuộc tiến công của Israel ở Dải Gaza có thể sẽ sớm kết thúc.

Cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak tin rằng, cuộc tiến công của Israel ở Dải Gaza có thể sẽ sớm kết thúc.

Trả lời phỏng vấn độc quyền trên tờ Politico tại văn phòng ở thành phố Tel Aviv, cựu Thủ tướng và là người từng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Israel, nhận thấy Mỹ đang ngày càng có quan điểm khác biệt với đồng minh trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas.

Làn sóng ủng hộ Israel sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 đang ngày càng suy giảm, ông Barak nói. "Israel không còn nhiều thời gian. Mâu thuẫn với Mỹ đang ngày càng gia tăng. Mỹ không thể can thiệp vào các quyết sách của Israel. Nhưng chúng tôi cũng không thể làm ngơ Mỹ", ông Barak nói, ám chỉ Mỹ là quốc gia bảo trợ hàng đầu cho an ninh của Israel. "Sớm muộn, chúng tôi sẽ phải đồng ý với các yêu cầu của Mỹ, có lẽ trong khoảng 2-3 tuần tới hoặc ít hơn".

Ông Barak không phải là một chính trị gia Israel đơn thuần. Ông từng có 35 năm phục vụ trong quân đội, từng giữ chức Tổng tham mưu trưởng quân đội Israel nên hiểu rõ cuộc xung đột giữa Israel và Hamas.

Ông từng gây tiếng vang khi chỉ huy đội biệt kích tinh nhuệ tham gia giải cứu con tin trong vụ cướp máy bay chở 94 hành khách ở Tel Aviv năm 1972. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khi đó là thành viên trong đội biệt kích.

Ông Barak cho rằng, cần nhiều tháng thậm chí một năm để loại bỏ hoàn toàn lực lượng Hamas ở Dải Gaza. Nhưng Israel sẽ không nhận được sự ủng hộ lâu dài của Mỹ và phương Tây để hoàn thành mục tiêu này.

Nhiều quốc gia phương Tây bày tỏ sự lo ngại đối với số phận của hơn 220 con tin bị Hamas giam giữ, trong đó có nhiều con tin là người nước ngoài.

"Chúng tôi đang đánh mất sự ủng hộ ở châu Âu. Một hoặc hai tuần tới, các chính phủ châu Âu bắt đầu quay lưng với Israel trong cuộc xung đột hiện nay. Và sau đó một tuần, rạn nứt với Mỹ sẽ bắt đầu lộ rõ", ông Barak nói.

Cá nhân ông Barak từng trải qua các cuộc đàm phán với đồng minh cũng như các đối thủ của Israel. Với tư cách là Thủ tướng Israel giai đoạn 1999 - 2001, ông từng đàm phán với lãnh đạo Palestine Yasser Arafat ở Mỹ. 

Cảnh tượng đổ nát ở Dải Gaza sau các cuộc không kích của Israel.

Cảnh tượng đổ nát ở Dải Gaza sau các cuộc không kích của Israel.

Ông Barak nhận định, giới lãnh đạo Israel đã đúng khi đặt mục tiêu lớn lao là loại bỏ hoàn toàn Hamas. Dù mục tiêu này có thể không đạt được, nhưng làm suy yếu Hamas là điều cần thiết. "Điều quan trọng sau đó là phải ngăn Hamas có thể trỗi dậy trở lại", ông Barak nói.

Để thay đổi tình hình, ông Barak đề xuất liên quân Ả Rập có thể tiếp quản Dải Gaza sau khi quân đội Israel kết thúc chiến dịch tiến công.

"Lực lượng đa quốc gia Ả Rập có thể được thành lập với sự hậu thuẫn của Liên đoàn Ả Rập và Liên Hợp Quốc. Lực lượng này có thể đảm bảo an ninh ở Dải Gaza trong 3 - 6 tháng để chính quyền Palestine xây dựng cơ chế quản lý", ông Barak đề xuất.

Cựu Thủ tướng Israel cho rằng, giải pháp này giúp chính quyền Palestine ở khu Bờ Tây quay trở lại quản lý Dải Gaza. Trong giai đoạn năm 2008 - 2009, sau khi Israel đụng độ Hamas trong 3 tuần, ông Barak khi đó là Bộ trưởng Quốc phòng, đã thảo luận vấn đề Ai Cập và nước Ả Rập khác quản lý Dải Gaza.

"Khi đó, tôi nhận được sự từ chối từ lãnh đạo Ai Cập Hosni Mubarak", ông Barak nói. Lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas lúc đó cũng không đồng ý quay trở lại Dải Gaza dưới sự bảo trợ của Israel.

Cựu Thủ tướng Israel nhận định, tình hình ở Trung Đông hiện nay rất khác so với cách đây 15 năm. AI Cập, Jordan là hai quốc gia láng giềng xây dựng mối quan hệ gần gũi với Israel. Các nước Ả Rập khác như Bahrain và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã bình thường hóa quan hệ với Israel. Do đó, khả năng các nước Ả Rập đóng vai trò nối lại hòa bình trong xung đột ở Dải Gaza là hoàn toàn có thể.

Nhưng ông Barak cũng lưu ý rằng, giải pháp hai nhà nước để Israel và Palestine có thể cùng tồn tại song song là điều vẫn còn xa vời. "Điều này sẽ không xảy ra một cách nhanh chóng, sẽ cần thời gian để hai bên xây dựng lại niềm tin sau những bất đồng sâu sắc", ông Barak nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Hình ảnh đặc biệt về bộ binh Israel bên trong Gaza

Tờ Daily Mail vừa đăng tải những bức ảnh độc quyền của nhiếp ảnh gia Ziv Koren - người đồng hành cùng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) khi bộ binh vượt biên giới tiến vào...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - Politico ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN