Cuộc đào tẩu li kì của một lính Hitler suốt gần 40 năm trên đất Mỹ

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Cuộc chạy trốn suốt gần 4 thập kỷ của Georg Gaertner trên đất Mỹ chỉ vỡ lở khi vợ anh ta đặt câu hỏi về những điều khác thường ở chồng.

Lệnh truy nã Georg Gaertner.

Lệnh truy nã Georg Gaertner.

Trong lịch sử, có không ít cuộc đào tẩu đã diễn ra với những kế hoạch tinh vi đến mức tưởng chừng chỉ có trên phim ảnh. Loạt bài này sẽ phần nào hé lộ những cách thức đào tẩu của một số người,  cũng như hành trình số phận và kết cục của họ.

Kế hoạch táo bạo

Một buổi tối tháng 9/1945, trăng tròn vành vạnh soi sáng những dãy doanh trại và hàng rào thép gai giáp ranh với trại tù ở Tây Nam nước Mỹ. Lúc này, một tù binh cúi thấp người để tránh ánh đèn của tháp canh. Bên kia là sa mạc New Mexico rộng lớn và nếu kế hoạch không bị phát hiện, anh ta sẽ được tự do.

Có một đường ray xe lửa nằm bên ngoài hàng rào trại. Anh ta không hề chú ý đến nó cho đến gần đây, khi mà báo chí bắt đầu viết về sự kết thúc của chiến tranh. Tay lính trẻ mảnh khảnh, sau này được mô tả trong các áp phích truy nã trên toàn nước Mỹ là cao khoảng 1,8m và nặng 77kg, mắt xanh, tóc nâu, quốc tịch Đức – đã trèo được qua hàng rào đầu tiên, rồi đến hàng rào thứ hai.

Khi các tù nhân khác đang say sưa xem một bộ phim trong phòng ăn của trại thì Georg Gaertner, 24 tuổi, đã chạy nhanh vào sa mạc rộng lớn bao quanh trại tù binh nhỏ. Đúng như tính toán của Georg, trong vòng 1 giờ, một đoàn tàu chở hàng từ phía nam lao qua ngay khi anh ta đến đường ray. Chạy theo nó, Georg nhảy vào một toa trống. 

Tù binh 24 tuổi đã vượt qua thử thách ngày hôm đó, khi chuyến tàu chở hàng đưa anh ta băng qua vùng đất rộng lớn đầy ánh trăng vào ngày 21/9/1945, để rồi nhiều năm sau được biết đến là “Lính Hiter cuối cùng trên đất Mỹ”.

Georg Gaertner sinh ngày 18/12/1920 tại thị trấn nhỏ Schweidnitz của Đức. Cha làm việc trong ngành đường sắt còn mẹ ở nhà chăm sóc ba đứa con.

Georg 12 tuổi vào năm 1933, cũng là năm trùm phát xít Adolf Hitler lên nắm quyền. Năm 1939, khi Thế chiến thứ hai bắt đầu, những thanh niên trẻ bắt đầu rời nhà để gia nhập quân đội.

Tháng 10/1940, Georg trở thành lính pháo binh trong quân đội Đức Quốc xã. Năm 1942, anh ta được chọn vào Trường dự bị sĩ quan quân đội ở Heidelberg và tháng 5 năm đó thì lên đường đến bờ biển Bắc Phi chiến đấu. Gần một năm sau, tháng 4/1943, Đức Quốc xã thua quân đồng minh ở Bắc Phi. Georg bị bắt, bị coi như tù nhân chiến tranh.

Sau đó, Georg bị đưa đến Mỹ, qua nhiều nơi và cuối cùng dừng lại ở trại giam nhỏ thuộc sa mạc Deming, New Mexico. Vì được học tiếng Anh từ nhỏ nên Georg nhận công việc thư ký và đánh máy trong tòa nhà hành chính của trại. Anh ta cũng thỉnh thoảng làm phiên dịch cho các tù nhân.

Tháng 9/1945, các tù nhân ở Trại Deming nhìn thấy bản tin về số phận của họ. Khi chiến tranh kết thúc, tù nhân Đức sẽ được đưa đến châu Âu. Sau hai năm làm việc trong các dự án cải tạo ở Anh và Pháp, họ sẽ được đưa về quê hương. Điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ trở về nơi mà một phần đang nằm dưới quyền kiểm soát của một nước thuộc phe đồng minh. Đó cũng là lúc Georg nghĩ ra kế hoạch của mình, trốn khỏi Trại Deming và đến California.

Chiều 24/9/1945, Georg xuống ga San Pedro, bang California. Với cái tên giả là Peter Petersen, một lao động nhập cư, và với khả năng tiếng Anh khá hoàn hảo, Georg dễ dàng trà trộn vào xã hội Mỹ.

Georg Gaertner trở thành Dennis Whiles và vợ - Jean Whiles.

Georg Gaertner trở thành Dennis Whiles và vợ - Jean Whiles.

Bí mật gần 4 thập kỷ

Georg kiếm sống bằng nhiều công việc như khai thác gỗ, nhân viên quán cà phê, hướng dẫn viên trượt tuyết theo mùa. Sau đó, anh ta tìm được công việc ổn định hơn là nhân viên bán hàng cho một công ty có trụ sở tại Oakland.

Cũng tại đây, Georg liều nộp đơn xin cấp giấy phép lái xe và thẻ an sinh xã hội với cái tên Dennis Whiles. Thật ngạc nhiên, Georg được cấp cả hai và cái tên mới đã đi theo Georg đến cuối cuộc đời.

Năm 1964, tại buổi khiêu vũ dành cho người độc thân, Georg gặp Jean Whiles, một phụ nữ 39 tuổi đã ly hôn, nuôi hai con và làm việc trong một công ty bảo hiểm.

Georg, lúc này đã là “Dennis” - một nhân viên bán hàng 43 tuổi, đến gần Jean và mời cô khiêu vũ. “Chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều. Trong 6 tháng sau đó, chúng tôi kết hôn”, Jean cho biết. 

Tuy nhiên, một chủ đề mà Dennis hiếm khi đề cập đến là quá khứ của mình. Tất cả những gì Jean biết là Dennis đến từ New York, cha mẹ qua đời trong một vụ tai nạn khi anh ta còn nhỏ và anh ta lớn lên trong một trường mồ côi ở bang Connecticut.

Jean, người từng làm nhân viên xã hội trong các trại lao động nhập cư nghèo khó ở Thung lũng San Joaquin của California, chưa bao giờ hỏi sâu hơn vì không muốn khiến chồng phải chịu thêm bất kỳ nỗi đau nào. 

Sau này nhìn lại, Jean phát hiện nhiều điều kỳ lạ ở chồng. Anh ta không bao giờ ký giấy tờ hoặc gắn tên mình với bất kỳ tài sản nào. Mọi thứ Dennis đều để vợ đứng tên. Hay có lần Dennis tỏ ra hiểu biết về một loại bánh xa lạ với người Mỹ nhưng lại là đồ ăn truyền thống vào dịp Giáng sinh ở những nơi như Đức, Hà Lan, Bỉ.

Trong thời gian đó, FBI đã phân loại việc tìm kiếm tù binh Georg Gaertner là "không có kết quả".

Vào đầu những năm 1970, khi hai con riêng của Jean đều đã trưởng thành và rời khỏi nhà, cặp vợ chồng chuyển đến bờ biển miền Trung California và mở câu lạc bộ quần vợt, nơi Dennis hiện thực mơ ước là một vận động viên quần vợt chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, “sự thiếu thốn về mặt cảm xúc bắt đầu ngày càng lớn hơn đối với tôi”, Jean nói. Dennis, sau nhiều thập kỷ là kẻ chạy trốn bị truy nã, ngày càng muốn cô lập với cuộc sống bên ngoài, và điều này khiến Jean cảm thấy mất kết nối với chồng. 

Được 2 năm, cặp đôi chuyển đến Hawaii. Tại đây, Dennis làm xây dựng còn Jean làm việc cho chương trình tái định cư cho người tị nạn. Jean hài lòng với công việc của mình trong khi Dennis trở thành giám đốc công ty xây dựng.

Vào đầu những năm 1980, khi Dennis bước sang tuổi 60, Jean bắt đầu chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu.

Đây cũng là lần đầu tiên từ ngày kết hôn, Jean đặt câu hỏi về quá khứ của chồng nhưng Dennis lảng sang chuyện khác. Khi Jean đề nghị chồng gửi bản sao giấy khai sinh, ông ta nói: "Chúng ta sẽ làm việc đó sau”, hỏi thông tin cụ thể về cha mẹ thì Dennis trả lời không còn nhớ.

Nghi ngờ, Jean viết thư gửi bộ phận tư pháp ở New York đề nghị cung cấp thông tin về nhân thân của Dennis Whiles thì phát hiện không có hồ sơ nào với cái tên như vậy. Hỏi thăm trường nuôi dạy trẻ mồ côi bang Connecticut, người phụ nữ nhận được câu trả lời nó không tồn tại.

Jean lập tức dọa bỏ chồng vì nghi ngờ ông ta là tội phạm. Đối mặt với việc vợ phát hiện ra danh tính thực sự, Dennis suy sụp. Vừa khóc, Dennis vừa kể lại những bí mật che giấu bấy lâu nay.

Jean sau đó đi New Mexico xác minh về cuộc chạy trốn của chồng. Với sự giúp đỡ của một luật sư, Jean đưa Dennis ra trình diện FBI và Cơ quan Nhập cư và Nhập tịch Mỹ. Sau khi xem xét trường hợp độc nhất vô nhị này, cùng thời gian đã quá lâu, chính quyền quyết định không khởi kiện Dennis. Thay vào đó, ông ta được cấp quyền thường trú.

Năm 1985, sau nhiều thập kỷ, Dennis cuối cùng cũng cùng vợ trở về quê nhà. Thành viên duy nhất trong gia đình còn sống là cô em gái Lotte. Cha mẹ của Dennis qua đời vào những năm 1960. Họ vẫn đặt bức ảnh con trai trên bàn ăn hàng chục năm sau khi Dennis trốn thoát với hy vọng con mình vẫn còn sống.  

Cuối những năm 1980, Dennis một lần nữa trở lại Đức nhưng lần này đi một mình. Trong gần 2 năm, Jean không nhận được tin tức gì từ chồng nên đệ đơn ly hôn. 

Đến năm 1993, Dennis trở lại Mỹ, sống những năm cuối đời ở Boulder, Longmont và Loveland. Dennis và Jean kết nối lại và coi nhau như bạn. Mỗi khi Dennis đau ốm phải vào bệnh viện, Jean luôn có mặt. Jean cho biết trong những năm cuối đời, Dennis luôn gặp khó khăn khi phải dung hòa 2 danh tính của mình: Georg Gaertner và Dennis Whiles.

--

Trong các cơ quan mật vụ hàng đầu thế giới, có không ít những trường hợp đào tẩu của chính các điệp viên. Ủy ban An ninh Nhà nước Liên Xô (KGB) cũng không phải là ngoại lệ, khi từng chịu khá nhiều tổn thất liên quan đến sự phản bội từ các nhân viên của mình. Kẻ phản bội được coi là gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB sẽ xuất hiện trong kỳ tiếp theo đăng vào 10h ngày 28/4/2024.

XEM THÊM CÁC KỲ
1 2 3Kỳ mới nhất

Nguồn: [Link nguồn]

Triều Tiên nói binh sĩ Mỹ thừa nhận vượt biên giới sang lãnh thổ nước này vì "sự ngược đãi và phân biệt chủng tộc trong hàng ngũ quân đội Mỹ", truyền...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Anh (Theo Coloradoan) ([Tên nguồn])
Những cuộc đào tẩu li kì Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN