Nhân vật đào tẩu mang theo nhiều bí mật gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB

Một kế hoạch đào tẩu đầy mạo hiểm đã đưa cả gia đình của một trong những kẻ phản bội gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB chạy sang Mỹ.

Victor Ivanovich Sheymov.

Victor Ivanovich Sheymov.

Sự thay đổi của một chuyên gia trẻ đầy triển vọng

Victor Ivanovich Sheymov sinh ngày 9/5/1946 tại Moscow, có cha là kỹ sư, mẹ là bác sĩ tim mạch. Victor tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Quốc gia Bauman Moscow, nơi đào tạo về khoa học và kỹ thuật ưu tú. Tại đây, Victor cũng là võ sĩ quyền anh và vận động viên trượt tuyết nổi bật, người đã giữ kỷ lục cấp trường ở nội dung chạy 100m trong hơn 20 năm.

Victor có thành tích xuất sắc về toán học, theo học chương trình chuyên về thiết kế tên lửa và tàu vũ trụ trước khi được để mắt và được mời gia nhập Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) vào năm 1971. 

Trong suốt những năm 1970, Victor Sheymov thăng tiến nhanh chóng trong KGB. Victor được bổ nhiệm vào làm việc tại bộ phận bí mật nhất của KGB - Tổng cục VIII - chịu trách nhiệm về công tác thông tin liên lạc, mật mã của chính phủ.

Sau đó, Victor được thăng chức vào một vị trí nhạy cảm trong bộ phận mã hóa và truyền thông tối mật của KGB và là thành viên trong nhóm nội bộ của cơ quan tình báo. Ở tuổi 32, Victor đạt cấp bậc thiếu tá, chịu trách nhiệm theo dõi luồng thông tin của KGB từ khắp nơi trên thế giới.  

Mặc dù có những thành công từ rất sớm và được đánh giá là có triển vọng, nhưng Victor không chuyên tâm phát triển sự nghiệp mà tỏ ra không hài lòng với công việc ở KGB và nảy ra ý tưởng đào tẩu, mang theo những bí mật mà KGB nắm giữ để trao đổi. Sự lựa chọn của anh ta là CIA.

Nhưng hóa ra, việc liên hệ với các sĩ quan tình báo Mỹ khó hơn Victor tưởng. Anh ta luôn mang theo một mảnh giấy ghi: “Xin chào, tôi là sĩ quan KGB, có quyền truy cập vào những thông tin cực kỳ nhạy cảm”. Nhưng anh ta không thể gặp được đúng người để có thể đưa nó cho họ. Victor thậm chí còn cố gắng gây ra một vụ va chạm nhỏ với một chiếc xe ngoại giao Mỹ nhưng không thành công. 

Cuối cùng, khi đang thực hiện nhiệm vụ của KGB ở Ba Lan, Victor quyết định đi bộ đến Đại sứ quán Mỹ ở Warsaw. Tại đây, Victor được hỏi: “Anh có phải là nhân viên mật mã không?”. “Không, tôi chịu trách nhiệm về tính bảo mật của các thông tin liên lạc mật mã của KGB ở nước ngoài”, Victor trả lời.

Tại Moscow, CIA đã đặt cho Victor mật danh là “CKUTOPIA”. Người đàn ông này nhận được một chiếc máy ảnh thu nhỏ và được yêu cầu chụp lại những giấy tờ mật cao nhất mà anh ta có. “Đừng mạo hiểm với những người khác xung quanh. Nhưng anh phải chứng minh cho chúng tôi thấy rằng anh chính là người như anh khẳng định”, một nhân vật CIA nói với Victor.

Những bức ảnh sau đó đã chứng minh độ tin cậy của Victor. Một kế hoạch đào tẩu bắt đầu được tính toán nhưng Victor đưa ra yêu cầu sẽ không rời đi nếu không có vợ và con gái 5 tuổi của mình.

Chữ “V” được đánh dấu trên cột là tín hiệu của Victor Sheymov gửi tới CIA trong cuộc đào tẩu vào năm 1980.

Chữ “V” được đánh dấu trên cột là tín hiệu của Victor Sheymov gửi tới CIA trong cuộc đào tẩu vào năm 1980.

Cuộc đào tẩu bí ẩn

Victor sau đó nhận được chỉ dẫn trong một bức thư viết bằng mực vô hình, loại mà chữ viết chỉ xuất hiện khi trang giấy được làm ẩm. 

Phải mất hơn hai tháng kế hoạch trốn thoát mới sẵn sàng. CIA đã đưa cho Victor năm loại thuốc an thần để xác định loại nào an toàn nhất cho con gái của anh ta, giúp cô bé ngủ ngon trong khi cả gia đình được bí mật đưa đưa ra khỏi Liên Xô. Theo yêu cầu, khi chuẩn bị rời Moscow, Victor đánh dấu chữ “V” trên cột thạch cao bên ngoài một tiệm bánh.  

Vào ngày 16/5/1980, thiếu tá Victor Sheymov cùng vợ con lẻn ra khỏi căn hộ của họ, để lại những tách trà vẫn còn trên bàn, một tờ báo đang mở và chiếc giường chưa dọn. Quần áo và đồ cá nhân được để nguyên ở nơi thường lệ để không gây nghi ngờ.

Họ chia ra đi trên hai chuyến tàu để đề phòng gặp phải người quen, trước khi cùng đến một thị trấn xa xôi. Tại đây, họ leo lên một chiếc ô tô do một người đàn ông nói giọng Ba Lan lái.

Sheymov giấu mình và cô con gái đang được dùng thuốc an thần, Elena, trong một ngăn ẩn giữa cốp xe và ghế sau. Vợ anh ta, Olga, ngồi ở ghế trước, đóng giả bạn gái của tài xế.

Đây cũng được coi là thời điểm sự kiểm soát ở khu vực này có phần lơi lỏng, khi mà chính quyền với những nỗ lực phản gián đang tập trung vào Thế vận hội Olympic sắp tới.  

Khi đã vượt qua biên giới, cả gia đình Sheymov được đưa đến một nơi trú ẩn an toàn ở vùng núi Carpathian (Ba Lan) chờ bay đến Mỹ. Victor sau đó trong trang phục phi công, đã dễ dàng ngồi trên ghế phi công phụ còn vợ và con gái được giấu trong một chiếc container đưa lên máy bay. Họ không còn liên lạc gì với người thân cho đến khi Liên Xô tan rã một thập kỷ sau đó.

Việc một sĩ quan ở cấp độ như Victor đào tẩu cùng vợ con gần như là điều chưa từng có. Hơn nữa, Victor không để lại bất kỳ dấu vết nào cho thấy sự chuẩn bị bất thường. Cùng với một số sự kiện trùng hợp khác, KGB kết luận gia đình Victor đã bị sát hại trong một chuyến đi thường lệ ra khỏi thị trấn. 

Kết quả là KGB không hề hay biết về sự hiện diện của Victor ở Mỹ trong suốt nhiều năm. Trong thời gian đó, họ nghĩ tất cả các mật mã và thông tin đều an toàn. 

Sau này, trong cuốn sách “KGB và quyền lực”, ông Filipp Bobkov, cựu Phó Chủ tịch thứ nhất của KGB viết: “Thật không dễ chịu cho chúng tôi… Cả ba người đều được đưa ra nước ngoài, rõ ràng là với sự đồng ý của họ... Làm sao lại như vậy? Lực lượng phản gián không thể trả lời câu hỏi này… rất khó để thừa nhận thất bại của mình!”.

Sự thật chỉ được làm sáng tỏ vào mùa hè năm 1985, khi Aldrich Ames, một điệp viên hai mang người Mỹ, thông báo việc Mỹ đã nghe trộm được các đường dây cáp ra vào Yasenevo, Moskva từ năm 1980. Lúc này, người ta mới xác định được Victor và gia đình y đã chạy trốn sang Mỹ vào tháng 5/1980.

Vào thời điểm đào tẩu, Victor là người xử lý sự cố chính trong hệ thống liên lạc mật mã của KGB, vá các lỗ hổng an ninh bị nghi ngờ và thiết kế các hệ thống liên lạc chống rò rỉ. Victor là một trong số ít chuyên gia biết rõ toàn bộ cơ cấu của cơ quan có tính phân cấp cao như KGB. Những gì mà Victor gây ra khiến anh ta bị coi là một trong những kẻ phản bội gây thiệt hại lớn nhất trong lịch sử KGB.

Victor và vợ sau đó trở thành công dân Mỹ. Victor đã phát minh ra phương pháp liên lạc Tọa độ mạng biến đổi (VCC), được cấp nhiều bằng sáng chế tại Mỹ, Liên minh Châu Âu, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong nhiều năm, Victor có mâu thuẫn với CIA.

Victor khẳng định rằng từng được CIA hứa trả 1 triệu USD cho việc đào tẩu và được chăm sóc sức khỏe miễn phí suốt đời. CIA phản bác tuyên bố đó và từ chối chi trả. Victor chỉ được nhận gần 200.000 USD.

Victor chuyển sang làm kinh doanh riêng và bắt đầu cuộc chiến pháp lý kéo dài 8 năm với CIA. Sau khi thuê cựu giám đốc CIA R. James Woolsey đại diện cho mình, Victor đã đạt được một thỏa thuận với CIA vào năm 1999. Tuy nhiên, Victor vẫn tỏ ra không hài lòng với kết quả này. 

Những năm sau đó, Victor sống trong lặng lẽ. Do biến chứng của bệnh phổi, kẻ phản bội này đã qua đời ngày 18/10/2019 tại nhà riêng ở thành phố Vienna, bang Virginia.

Không giống như Victor Sheymov bị coi là kẻ phản bội đất nước, một nhân vật khác cũng phải nhận không ít chỉ trích khi trốn sang Mỹ nhưng vẫn được nhiều người coi là giúp ngăn điều tồi tệ xảy ra với quê hương. Câu chuyện sẽ được kể lại trong bài kỳ tới, đăng vào 10h ngày 29/4/2024.

Nguồn: [Link nguồn]

Cuộc chạy trốn suốt gần 4 thập kỷ của Georg Gaertner trên đất Mỹ chỉ vỡ lở khi vợ anh ta đặt câu hỏi về những điều khác thường ở chồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Huyền Anh (Theo Washingtonpost) ([Tên nguồn])
Những cuộc đào tẩu li kì Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN