Chuyên gia nói về tình tiết gây sốc trong vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran

Vài ngày sau vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Iran Moshen Fakhrizadeh, truyền thông nhà nước Iran dẫn nguồn tin nói ông Fakhrizadeh bị ám sát theo kiểu giống như bộ phim hành động gián điệp.

Iran tưởng nhớ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu bị ám sát.

Iran tưởng nhớ nhà khoa học hạt nhân hàng đầu bị ám sát.

Hãng thông tấn Fars News dẫn lời quan chức Iran cho biết, ông Fakhrizadeh di chuyển trên đường cùng vợ trên một chiếc xe chống đạn ở thành phố Absard, phía đông Tehran. Ông Fakhrizadeh còn được bảo vệ bởi vệ sĩ di chuyển trên 3 chiếc xe khác.

Ông Fakhrizadeh đột nhiên nghe thấy tiếng “ting ting” vang lên bên ngoài, nên chủ động xuống xe để kiểm tra. Đúng lúc đó, nhà khoa học hạt nhân Iran bị trúng 3 phát đạn từ khoảng cách 150 mét, tương đương một nửa sân bóng đá.

Những viên đạn này được khai hỏa từ súng máy điều khiển từ xa gắn trên một chiếc Nissan. Chiếc xe sau đó được cho nổ tung để xóa dấu vết. Toàn bộ sự việc chỉ diễn ra trong 3 phút.

Một chuyên gia tình báo và an ninh Israel nói trên CNN, rằng kịch bản ám ám sát như vậy không hợp lý vì ẩn chứa nhiều rủi ro, không thể đảm bảo rằng mục tiêu thực sự đã chết hay chưa.

“Về cơ bản, vũ khí điều khiển từ xa có thể hữu dụng trong một số trường hợp”, chuyên gia giấu tên nói. “Không cần tiếp cận mục tiêu, chỉ cần nắm bắt thông tin chính xác”.

Trong vụ ám sát thiếu tướng Iran Soleimani hồi đầu năm nay bằng máy bay không người lái, quân đội Mỹ được cho là đã điều lính đặc nhiệm trực tiếp có mặt tại hiện trường để chụp ảnh, thu thập bằng chứng, xác nhận rằng mục tiêu đã chết.

Nhưng một vụ ám sát bằng súng máy điều khiển từ xa, ngay bên trong lãnh thổ Iran là điều khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Quốc gia nào đứng sau phải đem các thiết bị vũ khí tháo rời vào Iran, bao gồm cả thiết bị liên lạc, định vị bằng vệ tinh.

Các thiết bị cũng phải đảm bảo khả năng hoạt động tin cậy, vì chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến kế hoạch đổ bể, vì không ai có mặt tại hiện trường để sửa chữa.

Hệ thống liên lạc gặp trục trặc, súng máy bị kẹt hay thuốc nổ phá hủy dấu vết không hoạt động là các lý do dễ nhận thấy nhất. “Tôi không nghĩ rằng vụ ám sát này được thực hiện bằng súng máy điều khiển từ xa”, chuyên gia giấu tên nói. “Iran nói như vậy để làm giảm tính chất nghiêm trọng của vụ việc”.

Có một sự trùng hợp khi Israel là quốc gia đi đầu trong việc phát triển hệ thống vũ khí điều khiển từ xa. Israel đã bán các tổ hợp súng máy điều khiển từ xa Samson cho 25 quốc gia trên thế giới.

“Đó là thứ quân đội Israel đã và đang sử dụng”, cựu tướng Israel Nitzan Nuriel, nói, nhưng không có nghĩa chắc chắn Israel đứng sau vụ ám sát.

“Chúng tôi có loại vũ khí đó. Chúng được triển khai ở Dải Gaza, khai hỏa bằng cách điều khiển từ xa, không cần binh sĩ phải liên tục canh gác”, tướng Nuriel nói.

Jack Watling, một chuyên gia quốc phòng ở Anh, nói với CNN, rằng vũ khí điều khiển từ xa, dù là súng máy hay tên lửa, thường được dùng để tấn công khu vực trên diện rộng.

Công nghệ này không phù hợp để tiêu diệt chính xác mục tiêu đơn lẻ. “Trên lý thuyết là có thể nhưng có rủi ro, nó có thể bắn nhầm mục tiêu khác mà bạn không mong muốn”, Watling nói.

Các vụ ám sát có bàn tay của Israel ở Iran trong quá khứ được thực hiện đơn giản hơn nhiều. Đó là bom cài bên dưới xe hơi hay ám sát bằng súng ngắn.

Theo CNN, giới chức Iran cũng không thể giải thích vì sao nhà khoa học hạt nhân Fakhrizadeh lại tự mình rời khỏi xe chống đạn, trong khi có đội ngũ vệ sĩ đông bảo di chuyển trên 3 xe hộ tống khác, luôn sẵn sàng nhận lệnh.

“Kế hoạch sẽ đổ bể hoàn toàn chỉ bằng một lý do đơn giản, đó là Fakhrizadeh không bước ra khỏi xe”, các chuyên gia kết luận.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiết lộ bất ngờ cách nhóm sát thủ ám sát nhà khoa học Iran

Nhà khoa học Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát bằng một súng máy được điểu khiển từ xa ở khoảng cách 150 m, bắn trúng người...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Tin tức Iran Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN