“Chiến trường mới” trong quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung Quốc

Giải trừ hạt nhân có thể là mặt trận mới trong mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia đàm phán cùng Washington và Moscow.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 có thể trang bị đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 có thể trang bị đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc.

Theo SCMP, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, Marshall Billingslea hôm 10.6 hối thúc bắc Kinh suy nghĩ lại về quyết định không tham gia đàm phán giải trừ hạt nhân.

Billingslea sẽ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ở Vienna, Áo vào ngày 22.6 để thảo luận về việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START).

Hiệp ước ký dưới thời người tiền nhiệm Barack Obama sẽ hết hiệu lực vào tháng 2 năm tới.

“Trung Quốc trả lời rằng họ không có ý định tham gia đàm phán ba bên. Họ nên suy nghĩ lại”, Billingslea nói. “Sở hữu sức mạnh lớn cũng đồng nghĩa là phải hành động có trách nhiệm. Không phải là cứ âm thầm xây dựng kho vũ khí hạt nhân”.

Trong bối căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục gây sức ép yêu cầu Trung Quốc phải cùng tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Mỹ cho rằng chương trình hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc đang ngày càng tạo ra mối đe dọa đối với Mỹ và các đồng minh. Hiệp ước New START giới hạn số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược của Nga và Mỹ ở mức 1.550.

Nhưng Bắc Kinh không muốn tham gia đàm phán, không muốn công khai kho vũ khí hạt nhân.

Song Zhongping, nhà phân tích quân sự ở Hong Kong, nói Trung Quốc không muốn đàm phán vì kho vũ khí hạt nhân vẫn còn rất nhỏ so với Mỹ và Nga.

“Cho đến khi Mỹ và Nga cắt giảm vũ khí hạt nhân đến mức tương đương với Trung Quốc, hoặc Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân đến mức ngang Mỹ và Nga, lúc đó Trung Quốc mới có ý định ngồi vào bàn đàm phán”, ông Song nói.

Giới quan sát cho rằng đây là động thái gây sức ép mới của Mỹ với Trung Quốc, bởi trong vấn đề vũ khí hạt nhân, Trung Quốc hoàn toàn lép vế, khác với các lĩnh vực như thương mại hay công nghệ.

“Mỹ đang muốn buộc Trung Quốc tham gia vào trật tự kiểm soát vũ khí hạt nhân trong đó có Mỹ”, ông Song nói. “Nhưng Trung Quốc đang cần mở rộng năng lực hạt nhân vì sức mạnh đến nay còn rất hạn chế”.

Hiệp ước New START ràng buộc Nga và Mỹ phải giảm một nửa số lượng ống phóng tên lửa hạt nhân chiến lược, phải cho phép giám sát từ xa hoặc bằng vệ tinh.

Hàng năm, các thanh sát viên của hai nước được phép trực tiếp đến khu vực cất giữ vũ khí hạt nhân của nhau, đảm bảo rằng hai bên đều tuân thủ. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc không thể chấp nhận điều này.

Trung Quốc lần đầu thử hạt nhân vào năm 1964, được coi là một trong 5 cường quốc hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Nhưng Bắc Kinh hiếm khi công khai chương trình hạt nhân.

Trung Quốc ước tính chỉ có 320 đầu đạn hạt nhân, cao hơn Pháp (290), nhưng “không thấm vào đâu” so với Mỹ hay Nga, theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Giải trừ Vũ khí hạt nhân.

Nga hiện có tổng cộng 6.370 đầu đạn hạt nhân và Mỹ có 5.800 đầu đạn.

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ ba vũ khí hạt nhân Ấn Độ răn đe Trung Quốc và Pakistan

Ngày nay, Ấn Độ sở hữu ít nhất 520kg plutonium, đủ để chế tạo “100-120 vũ khí hạt nhân”. New Delhi coi vũ khí hạt nhân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Vũ khí quân sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN