Chỉ "một tính toán sai lầm", thế giới có thể rơi vào chiến tranh hạt nhân

Sự kiện: An ninh thế giới

Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, chỉ cần thêm một tính toán sai lầm nữa, thế giới có thể phải đối mặt với sự hủy diệt vì chiến tranh hạt nhân.

Ảnh minh họa AP. 

Ảnh minh họa AP. 

Phát biểu khai mạc hội nghị nhân dịp 50 năm Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã đưa ra cảnh báo rằng, trong bối cảnh xung đột tại Ukraine hay tình hình căng thẳng tại Trung Đông, chỉ cần thêm một tính toán sai lầm nữa, thế giới có thể phải đối mặt với sự hủy diệt vì chiến tranh hạt nhân.

Ông Guterres cho biết hội nghị là “cơ hội để đưa ra các biện pháp giúp tránh một số thảm họa nhất định và đưa nhân loại đi theo con đường mới hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân".

Tuy nhiên, người đứng đầu LHQ cũng cảnh báo gần 13.000 vũ khí hạt nhân đang nằm trong các kho vũ khí trên khắp thế giới và các quốc gia trong khi đang đưa ra “những sự đảm bảo an ninh giả tạo”, vẫn đổ hàng trăm tỷ USD vào loại “vũ khí của ngày tận thế” này.

“Chúng ta cho đến nay vẫn rất may mắn. Nhưng may mắn không phải là một chiến lược, cũng không phải là một lá chắn khỏi căng thẳng địa chính trị bùng phát thành xung đột hạt nhân”, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết thế giới vẫn còn nhiều chia rẽ từ hội nghị được tổ chức hồi năm 2015, khi các bên tham gia không thể đi đến một văn kiện chung. Nhật Bản là nước từng hứng chịu hai quả bom nguyên tử trong Thế chiến thứ Hai.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nói, cuộc xung đột Ukraine “nghiêm trọng đến mức bóng ma về một cuộc đối đầu hạt nhân tiềm tàng, hoặc tai nạn hạt nhân, lại nổi lên thêm một lần”.

Ông Grossi cảnh báo “tình hình tại nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia (Ukraine) ngày càng trở nên nguy hiểm hơn”, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia chung sức tạo điều kiện cho chuyến thăm của ông với một nhóm chuyên gia an ninh và an toàn của IAEA tới cơ sở hạt nhân này.

Hiện nay, theo thống kê, có 32 nước có chương trình phát triển năng lượng hạt nhân, 9 nước có vũ khí hạt nhân và 7 nước có cả hai loại hình này. 

Có hiệu lực kể từ năm 1970, NPT là hiệp ước liên quan đến kiểm soát vũ khí được tham gia rộng rãi nhất với 191 thành viên.  

Theo quy định, 5 cường quốc hạt nhân ban đầu - Mỹ, Trung Quốc, Nga (thời đó là Liên Xô), Anh và Pháp - đã đồng ý đàm phán để loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ trong một thời điểm nhất định, các quốc gia không có vũ khí hạt nhân không tìm cách có được vũ khí hạt nhân, đổi lại, vẫn có thể nghiên cứu hạt nhân vì mục đích năng lượng và hòa bình.

Ấn Độ và Pakistan, không tham gia NPT, tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân. Triều Tiên từng phê chuẩn hiệp ước nhưng sau đó tuyên bố rút và tiến hành chế tạo vũ khí hạt nhân. Israel không ký hiệp ước, được cho là có kho vũ khí hạt nhân nhưng chưa bao giờ xác nhận hay phủ nhận điều này.

Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) giữa tháng 6 đã công bố Niên giám SIPRI 2022, đánh giá tình trạng hiện tại của vũ khí, giải trừ quân bị và an ninh quốc tế. Theo đó, mặc dù số lượng đầu đạn hạt nhân giảm nhẹ vào năm 2021 nhưng các kho vũ khí hạt nhân dự kiến sẽ tăng lên trong thập kỷ tới.

Cụ thể, các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Israel, Triều Tiên, Pakistan, Mỹ và Nga có tổng số 12.705 đầu đạn hạt nhân vào tháng 1/2022, ít hơn 375 đầu đạn hạt nhân so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này giảm so với mức hơn 70.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 1986.

Theo SIPRI, Nga là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn nhất với tổng số 5.977 đầu đạn hạt nhân (giảm 280 đầu đạn trong hơn một năm), trong đó 1.588 đầu đạn được triển khai cùng tên lửa và máy bay đang trong tình trạng sẵn sàng cao.

Trong khi đó, Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân (giảm 120 đầu đạn trong hơn một năm) nhưng có 1.750 đầu đạn hạt nhân đang được triển khai. Đứng ở các vị trí tiếp theo là Trung Quốc (với 350 đầu đạn hạt nhân), Pháp (290), Anh (225), Pakistan (165), Ấn Độ (160) và Israel (90). SIPRI nhận định, Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân quân sự như một yếu tố cốt lõi của chiến lược an ninh quốc gia.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Biden đề nghị đàm phán với Nga về kiểm soát vũ khí hạt nhân, ông Medvedev đáp lời

Mỹ đã bày tỏ sự sẵn sàng trong vấn đề đàm phán với Nga về một hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/8 tuyên bố.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duy Tiến (Al Jazeera) ([Tên nguồn])
An ninh thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN