Biển Đông: 'Đánh' công ty Trung Quốc và sách lược mới của Mỹ

Thay vì chỉ tập trung vào các chiến lược quân sự, Mỹ cần có bước đi mới nhắm vào các vấn đề dân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, ví dụ việc trừng phạt 24 công ty của Trung Quốc mới đây.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 26-8 công bố lệnh trừng phạt 24 công ty và nhiều cá nhân Trung Quốc (TQ) vì dính líu đến các hoạt động bồi lấp, cải tạo và quân sự hóa trái phép các thực thể mà TQ chiếm ở Biển Đông. Theo đó, những công ty này sẽ không được tiếp cận các công nghệ và sản phẩm, nguyên liệu hàng hóa có nguồn gốc từ Mỹ hoặc có yếu tố Mỹ. Ngoài ra, lãnh đạo các công ty này cùng người nhà của họ sẽ không được cấp visa đến Mỹ.

Đây là động thái mới nhất của Washington nhắm vào Bắc Kinh, sau khi Mỹ chính thức bác bỏ các yêu sách của TQ ở Biển Đông tại Liên Hợp Quốc (LHQ) lẫn trên các diễn đàn chính trị - ngoại giao chính thức. Song song đó, Mỹ triển khai các hoạt động quân sự với tuyên bố củng cố, đảm bảo tự do hàng hải tại Biển Đông trong bối cảnh TQ liên tục leo thang căng thẳng bằng các chính sách đe dọa, bắt nạt các quốc gia có yêu sách trong khu vực.

Cơ sở để Mỹ trừng phạt TQ

Việc Mỹ đưa hàng chục công ty, cá nhân TQ vào “Danh sách Thực thể” (The Entity List) để trừng phạt không phải là động thái gây nhiều bất ngờ bởi trước đó Mỹ cũng triển khai nhiều hành động chưa có tiền lệ nhắm vào TQ ở biển Đông. Thậm chí, việc trừng phạt của Mỹ từng được nhiều chuyên gia gợi ý, và giới chính trị gia Mỹ cũng đã “nhá tín hiệu”.

Hồi tháng 7, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái bình Dương, ông David R. Stilwell, nói tại Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 10 diễn ra ở Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) rằng: Mỹ có khả năng sẽ trừng phạt TQ liên quan đến các hành động ở Biển Đông. Theo ông Stilwell, các tuyên bố chủ quyền của TQ đối với hầu hết khu vực Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”. Vị này gọi việc bành trướng của TQ trên biển giống như “Công ty Đông Ấn thời hiện đại”, vốn là công cụ dùng để xâm lược các quốc gia châu Á vào thế kỷ 19 của các đế quốc thực dân.

“Danh sách Thực thể” là một công cụ quan trọng của Cục An ninh và Công nghiệp Mỹ (Bureau of Industry and Security, BIS) nhằm hạn chế xuất khẩu, tái xuất khẩu (hay còn gọi là thương mại trung chuyển), và chuyển giao các mặt hàng đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị cáo buộc có liên quan hoặc gây ra các hệ lụy đáng kể khi tham gia vào các hoạt động chống lại an ninh quốc gia hoặc các lợi ích trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Đã từng có nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp TQ rơi vào "danh sách đen" của Mỹ, nhưng đây là lần đầu tiên Washington trừng phạt Bắc Kinh liên quan đến vấn đề Biển Đông. Theo Bộ Thương mại Mỹ, các công ty TQ bị đưa vào “danh sách đen” đã tham gia vào các hoạt động bồi lấp, cải tạo và xây dựng các tiền đồn quân sự trên các thực thể mà TQ chiếm đóng ở Biển Đông. Việc này trái với tinh thần và nội dung của Phán quyết từ Tòa Trọng tài (ở The Hague, Hà Lan) năm 2016 vụ Philippines kiện TQ.

Trong số 24 công ty của Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc, một nhà thầu tham gia vào được giao các dự án lớn trong Vành đai, Con đường. Ảnh: Paula Bronstein/GETTY IMAGES

Trong số 24 công ty của Trung Quốc bị Mỹ trừng phạt có Tập đoàn Kiến thiết giao thông Trung Quốc, một nhà thầu tham gia vào được giao các dự án lớn trong Vành đai, Con đường. Ảnh: Paula Bronstein/GETTY IMAGES

Động thái trừng phạt Bắc Kinh của Washington cho thấy Mỹ đang tiếp tục nhất quán giữa hành động với tuyên bố nhắm vào TQ trước đó: Hành động của TQ vi phạm Công ước LHQ về Luận Biển (UNCLOS) năm 1982, vi phạm Phán quyết Tòa Trọng tài và vi phạm tinh thần tự do hàng hải, tinh thần hợp tác và giải quyết tranh chấp bằng hòa bình.

Mỹ tuy không phải là thành viên UNCLOS, nhưng nước này tuyên bố ủng hộ quy định trong Công ước này. Không có quy định nào có thể cản trở Mỹ diễn giải UNCLOS nói riêng và luật pháp quốc tế nói chung để tuyên bố và dùng các công cụ hợp pháp để bảo vệ quyền tự do hàng hải, một trong số những quyền lợi cốt lõi và quan trọng cho tất cả các quốc gia trên thế giới, ngay cả các nước không giáp biển (hay không có tuyên bố chủ quyền trên biển).

Đi đúng hướng

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu: TQ không được phép sử dụng các công ty (bị đưa vào “danh sách đen” – PV) để làm vũ khí để áp đặt việc bành trướng của họ (ở Biển Đông).

“Mỹ sẽ hành động cho đến khi chúng tôi nhận thấy rằng Bắc Kinh ngừng các hành vi cưỡng ép ở Biển Đông, và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác trong việc chống lại hoạt động gây bất ổn (mà TQ gây ra)” – Ngoại trưởng Mỹ nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho rằng: Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp bị đưa vào danh sách lần này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hoạt động xây đảo nhân tạo đầu khiêu khích của TQ, và (vì thế) họ phải chịu trách nhiệm.

Khác với giai đoạn trước 2018, chính sách của Mỹ tại Biển Đông đang trở nên toàn diện hơn. Từ chỗ tương đối trung lập và hạn chế thể hiện lập trường chống trực diện yêu sách của TQ, Mỹ liên tục và quyết liệt bác bỏ “đường chín đoạn”, ủng hộ Phán quyết của Tòa, đưa vấn đề Biển Đông vào công thư gửi lên LHQ. Từ chỗ tập trung nhiều vào cạnh tranh thực địa thông qua hoạt động quân sự, Mỹ bắt đầu triển khai chiến lược “dân sự hóa” bằng cách tấn công vào các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia trực tiếp, gián tiếp vào hoạt động bành trướng trên Biển Đông do chính quyền TQ phát động và thực hiện.

Nhiều chuyên gia từng nhận định giai đoạn Tổng thống Barack Obama trở về trước, Mỹ dường như chỉ đặt trọng trách bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông lên vai Bộ Quốc Phòng. Theo đó, Lầu Năm Góc triển khai ngày càng nhiều các hoạt động quân sự trên biển, điển hình là tuần tra tự do hàng hải (FONOPs). Tuy nhiên, một mình Lầu Năm Góc là “hoàn toàn không đủ sức” để “ghè chân” Bắc Kinh, trong bối cảnh TQ duy trì “vùng xám”, tức dù leo thang nhưng vẫn để mọi mâu thuẫn xảy ra dưới mức chiến tranh vũ trang.

Các hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông trái với luật pháp quốc tế và tinh thần, quy định của UNCLOS mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Ảnh: Nikkei Montage/REUTERS/GETTY IMAGES

Các hoạt động cải tạo của Trung Quốc ở Biển Đông trái với luật pháp quốc tế và tinh thần, quy định của UNCLOS mà Trung Quốc cũng là một thành viên. Ảnh: Nikkei Montage/REUTERS/GETTY IMAGES

Phải thừa nhận rằng quân đội Mỹ và TQ có những lúc va chạm trên biển. Điển hình là năm 2001, vụ va chạm khiến một phi công TQ thiệt mạng. Năm 2016, thiết bị bay không người lái của Hải quân Mỹ ở biển Đông đã bị tàu hải quân TQ thu giữ. Gần đây, Mỹ và TQ nhiều lần cáo buộc lẫn nhau “hành xử thiếu chuyên nghiệp”, tô đậm nguy cơ va chạm trên biển. Thậm chí, nhiều người lo ngại cả hai có thể chạn trán, dẫn đến mất kiểm soát và hậu quả là chiến tranh xảy ra.

Tuy nhiên, chiến tranh là điều rất khó có thể xảy ra. Cả Mỹ và TQ hiện đều đã tham gia Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (gọi tắt là CUES, gồm 21 nước thành viên Thái Bình Dương, được thông qua năm 2014). Trong khi kịch bản chiến tranh có thể khiến hai nước gánh hậu quả không lường trước, thì việc thúc đẩy đối thoại, đảm bảo tuân thủ CUES ở mức cao nhất sẽ là biện pháp khả dĩ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hồi cuối tháng 7 đã đánh tiếng muốn đến thăm TQ. Nếu chuyến đi thành hiện thực sẽ mở ra nhiều không gian để Mỹ và TQ có biện pháp và cơ chế để kiểm soát, ngăn chặn chiến tranh vũ trang.

Như vậy, trong khi cả TQ và Mỹ đều không sẵn sàng (và cũng không ai muốn) chiến tranh xảy ra, việc tấn công vào trận địa dân sự - như việc Mỹ đang làm với 24 công ty TQ - là một sách lược mới và rất cần thiết. Một mặt, biện pháp này đánh trực diện vào ngân sách của TQ trong việc “chống lưng” cho các doanh nghiệp hành xử phi pháp ở Biển Đông. Mặt khác, nó tạo ra tính răng đe cho các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có ý tham gia vào mặt trận “dân quân biển” mà Bắc Kinh đang xây dựng để đe dọa, bắt nạt các nước khác.

Để triển khai yêu sách phi pháp ở Biển Đông, TQ đã áp dụng một cách tiếp tận “toàn chính phủ”. Trong đó, Bắc Kinh huy động các nguồn lực đầu tư công (gồm ngành quốc phòng, ngoại giao, nông nghiệp, công nghiệp, tài chính, thương mại, v.v.) và các nguồn lực tư nhân (các đội tàu thuyền ngư dân, các doanh nghiệp công nghệ, viễn thông, v.v.).

Giờ là lúc Mỹ (và các nước khác) triển khai một cách tiếp cận tương tự để đối phó. Việc đa dạng hóa mục tiêu tấn công nhắm vào TQ sẽ làm hạn chế đáng kể các hành xử "phi chính thức", tức không được triển khai trực tiếp từ chính phủ TQ, mà bắt nguồn từ hệ thống "chân rết" có vỏ bọc dân sự của TQ ở Biển Đông.

Trung Quốc chịu thiệt hại ngày càng nặng

Một ngày sau khi Mỹ công bố lệnh trừng phạt TQ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Triệu Lập Kiên nói với báo chí việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt là vô lý. Ông Triệu cho rằng việc bồi lấp, xây dựng trên Biển Đông là nằm trong phạm vi “lãnh thổ của TQ” và “không liên quan đến quân sự hóa”. “TQ kiên quyết phản đối điều này. Chúng tôi kêu gọi Mỹ sửa sai và lập tức dừng can thiệp công việc nội bộ của TQ” - ông Triệu nói. Phía TQ cho biết sẽ thực hiện “các biện pháp cứng rắn” để bảo vệ các doanh nghiệp và lợi ích hợp pháp của công dân TQ.

Việc Mỹ trừng phạt TQ ở Biển Đông đã làm nối dài danh sách các cá nhân, tổ chức của TQ rơi vào tầm nhắm của Mỹ vì dính líu đến các hoạt động của Bắc Kinh. Trước đó, căng thẳng Mỹ-Trung cũng được giới quan sát chú ý khi Mỹ đưa ra lệnh cấm các mạng xã hội của TQ, bao gồm TikTok và WeChat. Đó là chưa kể gã khổng lồ công nghệ Huawei và hàng loạt quan chức, cá nhân, doanh nghiệp khác của TQ cũng đã bị phía Mỹ liệt vào “danh sách đen”, khiến Bắc Kinh chịu không ít thiệt hại về tài chính, uy tín.

Nguồn: [Link nguồn]

Báo TQ nói gì vụ Mỹ trừng phạt các công ty TQ tham gia xây đảo trái phép ở Biển Đông

Truyền thông Trung Quốc cho rằng Mỹ đang làm phức tạp thêm một số vấn đề then chốt trong quan hệ song phương, từ Biển...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ĐỖ THIỆN ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN