Bầu cử Mỹ: Gió đổi chiều, ông Trump hưởng lợi

Biểu tình quy mô lớn ở bang Wisconsin giúp Tổng thống Donald Trump giảm được áp lực xung quanh vấn đề kinh tế, COVID-19 để tập trung nổi bật thông điệp lập lại “trật tự và luật pháp” của ông.

Hôm 1-9 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump đã đáp máy bay xuống TP Kenosha, bang Wisconsin (Mỹ) trong bối cảnh khu vực này đang có biểu tình quy mô lớn phản đối vụ một thanh niên da màu tên Jacob Blake bị cảnh sát bắn bảy phát đạn vào lưng ngày 26-8, gây liệt hoàn toàn nửa thân dưới, đài CNN cho biết.

Phát biểu trong lúc đi thăm một số cửa hiệu bị người biểu tình đập phá, ông Trump cam kết sẽ xây dựng lại TP Kenosha, tăng thêm ngân sách cho chính quyền bang Wisconsin và điều thêm lực lượng Vệ binh quốc gia đến chi viện cho cảnh sát địa phương. Theo ông, biểu tình “không phải là hành động phản đối ôn hòa mà thực sự là hành vi khủng bố trong nước”.

Ông Trump nỗ lực ghi điểm

Trước khi ông Trump đến thăm Wisconsin, rất nhiều quan chức đã khuyên ngăn vì lo ngại an ninh bất ổn. Theo hãng tin Politico, điều này cho thấy quyết tâm giành chiến thắng trong kỳ bầu cử vào tháng 11 tới của ông. Đây cũng là một trong những bang chiến địa mà ông từng giành chiến thắng sít sao trước bà Hillary Clinton năm 2016.

Từ khi phong trào phản đối bạo lực cảnh sát và phân biệt sắc tộc bùng phát ở Mỹ vào cuối tháng 5, ông Trump đã chọn thông điệp tranh cử của năm 2020 là “trật tự và luật pháp” nhằm gửi đến cử tri, đặc biệt là nhóm cử tri da trắng - bộ phận đa số là nạn nhân của các hành vi phá hoại, cướp bóc của người biểu tình cực đoan.

Rõ ràng với quyền lực của một tổng thống, ông Trump dễ dàng điều chuyển các nguồn lực và nhân lực cần thiết đến những nơi này để nhanh chóng ổn định tình hình, xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo mạnh mẽ “nói được, làm được”. Hình ảnh này đối lập với hình ảnh phe Dân chủ chỉ phản đối suông và chỉ trích ông không hàn gắn được mâu thuẫn sắc tộc.

Như đối với vụ việc ở TP Kenosha, ông Trump tuyên bố đảng đối lập hầu như không giúp gì được người dân nơi đây mà chính quan chức Dân chủ còn góp phần khiến TP mất an ninh hơn khi đòi rút ngân sách lực lượng cảnh sát và làm ngơ cho “đối tượng cực đoan gây mất trật tự”.

Tổng thống Donald Trump (giữa) tiếp xúc với một số chủ doanh nghiệp có cửa hàng bị người biểu tình đập phá ở TP Kenosha, bang Wisconsin (Mỹ) hôm 1-9. Ảnh: GETTY IMAGES

Tổng thống Donald Trump (giữa) tiếp xúc với một số chủ doanh nghiệp có cửa hàng bị người biểu tình đập phá ở TP Kenosha, bang Wisconsin (Mỹ) hôm 1-9. Ảnh: GETTY IMAGES

Ứng viên tổng thống Dân chủ - ông Joe Biden ngày 31-8 dù lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực nhưng khẳng định sẽ không đến Wisconsin do lo ngại COVID-19. Thay vì vậy, đội ngũ tranh cử của ông Biden đã chuẩn bị kế hoạch tung thông điệp cáo buộc ông Trump kích động bạo lực ở các TP Mỹ đang bị tê liệt vì biểu tình.

Bà Kate Bedingfield, Giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Biden, cáo buộc “rất khó để biện minh rằng ông Trump không phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bất ổn và hỗn loạn đang xảy ra trên các đường phố khi mà ông ấy đang là tổng thống của nước Mỹ”. Bà Bedingfield tuyên bố đảng Dân chủ “sẽ tiếp tục buộc ông ấy phải chịu trách nhiệm về vấn đề này”.

Trong bối cảnh hai ứng viên chuẩn bị đối mặt nhau ở vòng tranh luận trực tiếp, tôi nghĩ ông Biden nên nhanh chóng có động thái thực tế đối với vấn đề ở Wisconsin. Ông Trump gắng sức tìm ra mọi lỗ hổng để chỉ trích ông Biden, thậm chí cố tình tạo ra một lỗ hổng nếu không tìm được.

PETE BUTTIGIEG, cựu thị trưởng TP South Bend (bang Indiana) 

Ông Biden vào thế khó

Dự kiến ông Biden sẽ đến thăm và vận động tranh cử ở các bang chiến địa trong những tuần tới với các điểm dừng chân ban đầu là Michigan, Pennsylvania, Minnesota và Arizona. Trong trường hợp ông Biden đổi ý và muốn thêm Wisconsin vào lịch trình thì sớm nhất cũng phải đợi đến cuối tuần này mới có thể đến nơi. Tình thế lúc này thật sự không có lợi cho ông khi nhiều nghị sĩ Dân chủ trước đó tỏ ra thất vọng vì ông Biden từ chối đến TP Milwaukee (cũng thuộc bang Wisconsin) để trực tiếp nhận đề cử của đảng Dân chủ làm ứng viên tổng thống chính thức hồi tháng 8. Một số khác cũng rất lo ngại về cách xử lý khủng hoảng của chính quyền Wisconsin khi Thống đốc Tony Evers (thuộc đảng Dân chủ) liên tục bị chỉ trích là phản ứng quá chậm chạp.

Trả lời phỏng vấn Politico, ông Terrance Warthen - một nhà hoạt động xã hội tại Wisconsin cảnh báo ông Biden càng trì hoãn thăm bang này thì ảnh hưởng của ông Trump ở đây càng lớn. Ông Warthen cho rằng thứ người dân cần là sự cổ động trực tiếp chứ “kêu gọi dập tắt bạo lực từ xa” như ông Biden thì không ích gì.

Ngoài cơ hội đánh bóng tên tuổi, các diễn biến ở TP Kenosha còn mang lại cho ông Trump một lối thoát trước tình hình kinh tế ảm đạm và đại dịch COVID-19 lan rộng. Theo Politico, ứng viên Biden được cho là sẽ phát biểu tại các bang mà ông sắp đến thăm với nội dung chỉ trích sự yếu kém của chính quyền hiện tại đã khiến nước Mỹ phải trả giá bằng sinh mạng và tiền của. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Kenosha chắc chắn sẽ buộc ông phải chuyển sự tập trung sang vấn đề phân biệt sắc tộc và an ninh nội địa, tức đối đầu với đương kim tổng thống ngay trên sân nhà.

Mặt khác, nếu việc ông Biden nhiều tháng qua tiến hành vận động tranh cử trực tuyến để tránh tụ tập đông người và lây lan dịch bệnh được xem là điểm cộng trong mắt cử tri thì nay chính chiến thuật này đang khiến ông trở nên yếu thế hơn so với ông Trump như đã nói ở trên. Vì vậy, Politico khuyến nghị đã đến lúc ứng viên đảng Dân chủ nên đẩy mạnh các chiến dịch vận động tranh cử trực tiếp và “trở thành một ngôi sao truyền hình thực tế” như đối thủ đảng Cộng hòa.

Đến nay, hầu hết các cuộc thăm dò đều cho thấy tỉ lệ ủng hộ giữa hai ứng viên đang ngày càng sít sao hơn. Đơn cử, theo cuộc khảo sát do ĐH Emerson công bố hôm 31-8, ông Joe Biden giành được 49% tỉ lệ ủng hộ, trong khi ông Trump giành 47%. Đây là mức chênh lệch khá nhỏ nếu so với cách biệt 4% (ông Biden 50%, ông Trump 46%) hồi tháng 7.

Ông Trump bác tin đồn từng bị đột quỵ

Chia sẻ trên Twitter cá nhân hôm 1-9 (giờ địa phương), Tổng thống Donald Trump khẳng định không có chuyện ông từng bị đột quỵ vào năm ngoái và phải vào bệnh viện để điều trị. Nhà lãnh đạo này cho rằng đây là tin giả do những người chống đối đồn thổi để hạ thấp uy tín của ông trước thềm bầu cử vào tháng 11 tới, theo hãng tin Reuters.

Trước đó, thông tin nói về tình trạng của Tổng thống Trump xuất hiện sau khi ông có chuyến đi đột ngột tới Trung tâm Y tế Walter Reed tại bang Maryland vào tháng 11 năm ngoái. Tổng thống Trump khẳng định chuyến đi tới Trung tâm Y tế Walter Reed là đợt kiểm tra sức khỏe hằng năm của ông, không có gì bất thường. 

Nguồn: [Link nguồn]

TQ yêu cầu Mỹ dừng ngay việc “kết thân” với Đài Loan

Trung Quốc hôm 1/9 yêu cầu Mỹ dừng ngay việc tăng cường quan hệ ngoại giao mà Bắc Kinh gọi là "không chính thức"...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN