7 tháng chiến sự, Israel lần nữa mệt mỏi với Hamas ở bắc Gaza

Lực lượng Israel đưa quân tấn công mạnh bắc Gaza, cho rằng Hamas vẫn còn ở khu vực này dù đã gần 7 tháng chiến sự.

Giao tranh giữa Israel và Hamas tăng lại ở phía bắc Dải Gaza (Palestine) - nơi được xem là chiến trường đầu tiên trong cuộc xung đột Israel-Hamas. Phía Israel cho biết hàng ngàn chiến binh Hamas vẫn còn ở lại khu vực này, dù cuộc xung đột đã kéo dài hơn gần 7 tháng, theo tờ The Wall Street Journal.

Người dân Palestine và đống đổ nát ở bắc Gaza, hôm 22-4. Ảnh: REUTERS

Người dân Palestine và đống đổ nát ở bắc Gaza, hôm 22-4. Ảnh: REUTERS

Israel chưa thể "dọn sạch" Hamas ở bắc Gaza

Theo chính quyền Israel, bắc Gaza là nơi diễn ra các hoạt động lớn đầu tiên của Israel nhằm vào Hamas, sau cuộc tấn công của Hamas vào lãnh thổ Israel hôm 7-10-2023.

Lực lượng Israel đã phát động một chiến dịch ném bom trên không diện rộng ở bắc Gaza, sau đó đổ bộ quy mô lớn vào dải đất này. Hầu hết người dân Gaza đã sơ tán khỏi bắc Gaza và chạy về phía nam dải đất để tìm nơi an toàn theo lệnh của lực lượng Israel.

Tuy nhiên, ngay cả khi Israel chuyển trọng tâm của cuộc chiến sang nam Gaza để truy lùng các chiến binh Hamas, thì phía bắc Gaza vẫn là một điểm nóng.

Tại bắc Gaza, lực lượng Israel đã tiêu diệt phần lớn các tiểu đoàn chiến đấu của Hamas. Tuy nhiên, sau đó, các chiến binh Hamas đã tập hợp lại thành các đơn vị nhỏ hơn, chuyển sang chiến thuật chiến tranh du kích đô thị. Theo một quan chức quốc phòng Israel, vẫn còn vài ngàn chiến binh ở phía bắc Gaza, trong khi khoảng 300.000 người dân vẫn sống ở đó.

Bên cạnh đó, phía Israel coi bắc Gaza là trung tâm của các hoạt động tình báo và hoạt động chiến đấu của Hamas.

“Thách thức lớn không phải là việc bạn quản lý toàn diện và kiểm soát một khu vực trong lần đầu tiên, mà là duy trì và tăng cường sự kiểm soát tại khu vực này. Đó là một mặt trận khác” – ông Amir Avivi, cựu phó chỉ huy lực lượng Israel.

Bắn phá dữ dội

Trong những ngày gần đây, các cuộc đụng độ dữ dội đã xảy ra tại các thị trấn Beit Hanoun và Beit Lahia (gần vành đai phía bắc với Israel) và tại TP Gaza – khu vực đông dân nhất ở Gaza trước xung đột. Người dân TP cho biết có nhiều cuộc tấn công ở khu vực Zeitoun (trung tâm TP Gaza).

Lực lượng Israel cho biết họ thực hiện các hoạt động tấn công ở Beit Lahia và TP Gaza, để đáp trả việc 5 quả rocket được bắn từ Gaza về phía lãnh thổ Israel vào sáng 23-4. Bốn trong số 5 rocket đó nhắm vào thị trấn Sderot của Israel.

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào miền trung Gaza, vào ngày 22-4. Ảnh: AFP

Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào miền trung Gaza, vào ngày 22-4. Ảnh: AFP

Tất cả rocket đều bị đánh chặn nhưng đối với Israel đó là lời nhắc nhở về khả năng Hamas có thể tiếp tục chiến đấu chống lại Israel trong tương lai.

Người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel – ông Avichay Adraee cho biết lực lượng Israel "sẽ làm việc với sức mạnh tối đa để chống lại cơ sở hạ tầng của Hamas và lực lượng của họ" trong khu vực.

Theo Lực lượng Phòng vệ Israel, không quân nước này đã tấn công các trạm phóng rocket và các mục tiêu khác ở phía bắc Gaza, bao gồm các đường hầm.

Trước khi các cuộc tấn công ở Beit Lahia được thực hiện, người phát ngôn Lực lượng Phòng vệ Israel – ông Avichay Adraee kêu gọi cư dân của 4 khu vực ở Beit Lahia di chuyển đến 2 khu vực được chỉ định.

Người dân nhận các gói hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống phía bắc Gaza. Ảnh: AFP

Người dân nhận các gói hàng viện trợ nhân đạo được thả xuống phía bắc Gaza. Ảnh: AFP

Israel cho biết sẽ đảm bảo dân thường có thể được sơ tán khỏi khu vực chiến sự, trước khi thực hiện kế hoạch đổ bộ Rafah ở cực nam Gaza. Tuy nhiên, cùng lúc đó, các lực lượng Israel muốn ngăn chặn dân thường và Hamas phía bắc Gaza và đang tăng cường nỗ lực kiểm soát dải đất này.

“Điều đó quan trọng vì Hamas có cơ sở hạ tầng rộng lớn ở Gaza. Việc xử lý các đường hầm, vũ khí còn sót lại xung quanh sẽ mất nhiều thời gian. Điều đó không thể thực hiện được nếu có hàng trăm ngàn người di chuyển khắp nơi” – theo ông Amir Avivi, cựu phó chỉ huy lực lượng Israel.

Khủng hoảng nhân đạo thêm nghiêm trọng

Trong khi đó, Đặc phái viên của Mỹ về các vấn đề nhân đạo ở Trung Đông – ông David Satterfield cho biết Gaza phải đối mặt nguy cơ xảy ra nạn đói cao. Phần lớn dân số 2,2 triệu người của dải đất này đang phải chịu cảnh đói cấp tính và không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế đầy đủ.

Ông Satterfield nhấn mạnh tính nghiêm trọng ở phía bắc dải đất, và rằng việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho bắc Gaza là đặc biệt quan trọng.

Trong khi đó TP Rafah ở cực nam Gaza đang là nơi ẩn náu của 1 triệu dân. TP này cũng là trung tâm ứng phó nhân đạo cho toàn bộ Gaza.

Ông Satterfield cho biết các nỗ lực cứu trợ nhân đạo cho dân thường ở Gaza đã được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây, trong bối cảnh số lượng xe tải viện trợ đi vào lãnh thổ tăng đều đặn. Tuy nhiên, ông cho rằng sự cải thiện đó diễn ra không đồng đều.

“Người dân ở miền bắc Gaza đang có nguy cơ suy dinh dưỡng nghiêm trọng. Có quá ít viện trợ được đưa đến khu vực này trong vài tuần qua” – ông Satterfield cho biết.

Ông Satterfield cho hay các quan chức Mỹ mong đợi Israel cải thiện hơn nữa điều kiện sống tại Gaza bằng cách khôi phục hệ thống vệ sinh và nước uống, đồng thời thiết lập thêm các cơ chế giảm xung đột để đảm bảo rằng các nhân viên cứu trợ có thể hoạt động an toàn ở Gaza.

Nguồn: [Link nguồn]

Ngoại trưởng Israel – ông Israel Katz cho biết có thể đình chỉ kế hoạch đổ bộ Rafah (cực nam Gaza) nếu các bên đạt được thỏa thuận thả con tin Israel.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo KHOA ĐIỀM ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN