Dung Trần: Hãy giảm hành lý nhưng tăng thêm ý thức cho những chuyến đi

Travel columnist Dung Trần (Dung Trần columnist) đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình những sự thật do việc du lịch thiếu ý thức mang lại. Qua đó, Dung Trần muốn nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hãy trang bị thêm kiến thức cũng như ý thức trước mỗi chuyến đi. Hãy tôn trọng văn hóa, thiên nhiên và bảo vệ hệ sinh thái thay vì bất chấp để có những bức ảnh “check- in” chớp nhoáng.

Travel columnist Dung Trần. Ảnh: FB Dung Trần

Travel columnist Dung Trần. Ảnh: FB Dung Trần

Nguyên văn chia sẻ của travel columnist Dung Trần:

Du lịch thiếu ý thức đã tác động tiêu cực đến môi trường như thế nào?

Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Việt Nam cũng là nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ 4, với khối lượng khoảng từ 0,28 đến 0,73 triệu tấn/năm (theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo).

Một trong những nguồn gây ô nhiễm liên quan đến rác thải trên biển là do du khách xả rác vô trách nhiệm. Nếu chất thải được đổ ra biển, oxy trong nước có thể bị cạn kiệt. Chai lọ và các chất thải rắn không thể phân hủy gây phá hoại môi trường biển khiến các loài động vật đều có thể chết. Những chất độc này không chỉ ảnh hưởng đến sinh vật biển mà còn ảnh hưởng đến cả con người. 

Biển Việt Nam có nguồn san hô phong phú nhưng rạn san hô đang bị hư hại nghiêm trọng, do khách du lịch bẻ gãy các khối san hô và do khai thác thương mại để bán cho khách du lịch. Quá trình phục hồi san hô sẽ mất đến 50 năm.

Hình ảnh người dân vất vả xử lý rác thải chất đống ở biển Phú Quốc. Ảnh: Phạm Ngôn

Hình ảnh người dân vất vả xử lý rác thải chất đống ở biển Phú Quốc. Ảnh: Phạm Ngôn

Tại các khu vực miền núi, du khách đi bộ xuyên rừng tạo ra rất nhiều rác thải. Họ bỏ lại từ túi ni-lông, bật lửa cho đến dụng cụ cắm trại. Những hoạt động như vậy làm suy giảm môi trường nghiêm trọng đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa có ít cơ sở thu gom hoặc xử lý rác thải.

Ở những khu vực tập trung nhiều hoạt động du lịch và các điểm tham quan tự nhiên hấp dẫn, việc xử lý chất thải là một vấn đề nghiêm trọng và việc xử lý không đúng cách có thể là nguyên nhân chính làm ô nhiễm môi trường tự nhiên như sông ngòi, khu vực danh lam thắng cảnh và ven đường. Xả rác vô tội vạ tại các điểm du lịch đang nổi tiếng, đặc biệt vào những dịp lễ tết có lẽ không quá xa lạ với người Việt Nam. Dù chính quyền địa phương đã đặt nhiều biển cảnh báo với các nội dung: "Cấm xả rác", "Nói không với vứt rác bừa bãi", "Không vứt rác nơi công cộng" nhưng nhiều khách du lịch dường như không quan tâm.

Ảnh hưởng của loại ô nhiễm này là sự lây lan của vi khuẩn có hại trong môi trường. Nghiêm trọng hơn, rác thải nhựa mãi mãi không phân hủy được, nó sẽ ở trong đất hàng nghìn năm, gây hại cho thành phần của đất cũng như nguồn nước và tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người.

Bảo vệ môi trường và hệ sinh thái nằm trong tay mỗi người

Nhiều người cho rằng thiên nhiên là những khu rừng nguyên sinh và những nơi không thể đến được, rằng thiên nhiên luôn "ở ngoài kia", nhưng không, thiên nhiên luôn hiện diện trong mọi khía cạnh cuộc sống của chúng ta, từ không khí chúng ta hít thở, thức ăn và nước uống đến các nguồn cảm hứng và không gian duy trì chúng ta, thiên nhiên ở khắp mọi nơi.

Nếu mỗi người được hỏi có bảo vệ thiên nhiên không, chúng ta đều trả lời là "Có" ngay lập tức. Nhưng sự thực chúng ta đã làm điều đó chưa? Việc chăm sóc và bảo tồn thiên nhiên nằm trong tay mỗi người, trong từng thái độ và hành vi của chúng ta. Như hiệu ứng cánh bướm, mỗi một hành động nhỏ có thể có tác động lớn đến môi trường. Những thói quen mà chúng ta kết hợp trong quá trình sinh hoạt và trong các chuyến đi sẽ có ảnh hưởng đáng kể.

Dung Trần và hoạt động trồng rừng cây cóc trắng ở đất ngập mặn. Ảnh: FB Dung Trần columnist

Dung Trần và hoạt động trồng rừng cây cóc trắng ở đất ngập mặn. Ảnh: FB Dung Trần columnist

Ngày nay, hơn bao giờ hết, khi hành tinh vượt quá khả năng tái tạo để khôi phục lại những gì đã tiêu thụ, việc bảo vệ thiên nhiên và môi trường trở thành một ưu tiên thiết yếu. Trên khắp thế giới có rất nhiều hoạt động sinh thái, các cá nhân và doanh nghiệp du lịch luôn giữ các giá trị môi trường làm trọng tâm trong hoạt động kinh doanh của họ. Ngược lại, có rất nhiều người không coi trọng tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú và các dịch vụ du lịch khác ven biển nên giảm hoặc ngừng sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy; nên bố trí nhiều thùng rác có phân loại rõ ràng chất thải hữu cơ và chất thải độc hại…

Dung Trần columnist tại rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Ảnh: FB Dung Trần

Dung Trần columnist tại rừng quốc gia Nam Cát Tiên. Ảnh: FB Dung Trần

Trước khi bạn bắt đầu chuyến phiêu lưu du lịch, bạn hãy chắc chắn mang theo một số giá trị môi trường và ý thức bên mình. Hãy đảm bảo xử lý rác thải một cách hợp lý và nhận thức được tầm quan trọng của các hệ sinh thái ở địa phương mà bạn chọn đến thăm. Hãy lấy những bức ảnh, chỉ để lại dấu chân, không ngắt hoa bẻ cành, xả rác, phá hoại. Hãy cố gắng hết sức để giảm thiểu tác động của bạn đến môi trường ở bất cứ nơi nào bạn ghé qua. Và luôn nói không với việc mua đồ lưu niệm từ những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
([Tên nguồn]) .
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN