Du lịch Đà Nẵng: Muốn bền vững, phải trách nhiệm
Trong 2 ngày 14 và 15/11, tại Đà Nẵng, với sự tài trợ của Liên minh Châu Âu (EU), Bộ VH-TT&DL tổ chức Hội nghị Xây dựng chính sách hiệu quả cho du lịch (DL) có trách nhiệm tại Việt Nam với sự tham gia của 200 đại biểu, chuyên gia cùng thảo luận và đưa ra những giải pháp để đảm bảo phát triển DL mạnh, hiệu quả, đồng thời tôn trọng các nguyên tắc bền vững và trách nhiệm trong ngành DL, ở cấp độ Nhà nước lẫn địa phương.
Lựa chọn duy nhất
Sự kiện thuộc DA “Chương trình Phát triển Năng lực DL có trách nhiệm với môi trường và xã hội” (gọi tắt là DA EU) do EU tài trợ là chương trình hỗ trợ kỹ thuật DL lớn nhất tại Việt Nam với trị giá 11 triệu EUR cộng với kinh phí 1,1 triệu EUR của Chính phủ Việt Nam được triển khai trong giai đoạn 2011 - 2015. Mục tiêu hướng tới là hỗ trợ chính sách và tăng cường thể chế; thiết lập cơ cấu tổ chức và xây dựng mạng lưới hợp tác hiệu quả giữa khu vực Nhà nước và tư nhân; xây dựng lực lượng lao động DL có trình độ; tăng cường tính cạnh tranh của DL và nâng cao nhận thức về DL có trách nhiệm.
Khách quốc tế cập cảng Tiên Sa
“DL có trách nhiệm” là khái niệm không còn mới trên thế giới và là lựa chọn duy nhất đối với ngành DL mang tính cạnh tranh, có giá trị gia tăng cao với những sản phẩm và dịch vụ tốt. Các chuyên gia của DA cho rằng, DL có trách nhiệm ở Việt Nam sẽ mở ra những thị trường cao cấp, gia tăng trải nghiệm của du khách và sự hài lòng của họ, đóng góp cho sự thịnh vượng của kinh tế và xã hội Việt Nam.
Các đại biểu tham dự đã thảo luận khung chính sách đối với DL có trách nhiệm ở Việt Nam do DA EU đề xuất, biện pháp và công cụ của chính sách có trách nhiệm, so sánh các thực tế được thực hiện và kinh nghiệm, các nhãn hiệu được công nhận trên thế giới dành cho các DN DL thân thiện với môi trường, bờ biển an toàn, các khách sạn tiết kiệm năng lượng. Hội nghị cũng hướng tới việc thực hiện các giải pháp về DL bền vững và có trách nhiệm trong chính sách và vận hành, để kích thích đối thoại công tư trong thiết kế chính sách nhằm phổ biến những chính sách phát triển DL ở các điểm đến.
Đổi mới chính sách, nâng cao nhận thức
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục DL Việt Nam, tăng trưởng của DL Việt Nam có đóng góp rất quan trọng đến sự phát triển KT-XH, môi trường. Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra những thách thức lớn đối với phát triển bền vững. Chiến lược Phát triển DL Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định chuyển hướng tăng trưởng sang tập trung phát triển theo chiều sâu. Điều này quan trọng đối với phát triển sản phẩm DL có chất lượng, cung cấp dịch vụ DL tiêu chuẩn cao, nâng cao hiệu quả, đảm bảo tính bền vững, tạo thương hiệu quốc tế và tăng sức cạnh tranh. Trong khi đó, ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội DL Việt Nam nhấn mạnh, gần đây DL có xu thế chững lại, tốc độ phát triển không cao. Một trong những nguyên nhân là chính sách phát triển DL chậm đổi mới, nhiều chính sách còn làm cản trở sự phát triển của DL. Ông Bình kiến nghị, để phát triển nhanh kinh tế DL, các cơ quan chuyên môn phải có chiến lược dài hơi trong quy hoạch DL, khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách. Bên cạnh đó là việc đào tạo nguồn nhân lực phát triển DL có trách nhiệm, đẩy mạnh chương trình kích cầu cũng như sửa đổi Luật DL.
Ngày 14/11, tại TP Hội An, Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với Văn phòng tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Quảng Nam tổ chức hội thảo chuyên đề Du lịch bền vững, với sự tham gia của hơn 30 DN cùng đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan. Trên cơ sở tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu, nhiều ý kiến đã tham gia phân tích các khía cạnh liên quan mật thiết của du lịch bền vững gồm: tài chính (lợi nhuận), môi trường và xã hội. Vì vậy việc bảo vệ môi trường tự nhiên và tránh các tác nhân tiêu cực tại địa phương cũng như trên toàn cầu như: các điều kiện tự nhiên, di sản văn hóa; và sự hỗ trợ phát triển cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống... là những điều kiện để ngành “công nghiệp không khói” phát triển... Th.Hà |
Về khía cạnh phối hợp, ông Hà Thanh Hải - Trưởng nhóm Chuyên gia DA EU cho rằng, một ngành DL lành mạnh phụ thuộc vào sự hợp tác phối hợp giữa các thành phần và bắt đầu bằng việc đối thoại xây dựng cởi mở giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Đối thoại công - tư là một cơ chế thường xuyên thực hành để phối hợp và cân bằng lợi ích của khu vực hành chính công và các nhà đầu tư DL và các nhà quản lý, điều hành các DA DL. Đối thoại hiệu quả sẽ giúp các thành phần xác định được các mục tiêu chung cũng như xác định được vai trò của mỗi thành phần để đảm bảo đạt được các mục tiêu đề ra.
Ông Janez Sirse - cố vấn trưởng DA EU nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phát triển, thực hiện, giám sát các công cụ và những hành động chính sách DL bền vững, có trách nhiệm trong tất cả 3 lĩnh vực DL hiện đại: khối nhà nước với xây dựng chính sách và thực hiện, khối DN cung cấp sản phẩm và dịch vụ, khách DL và những người dân địa phương với những thái độ của họ. Thực hiện các công cụ có trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam sẽ làm tăng chất lượng các sản phẩm và dịch vụ DL, làm giàu trải nghiệm của khách DL và làm tăng tính cạnh tranh của ngành.
Ông Kai Parlate - chuyên gia ngành DL DA EU cho rằng, DL có trách nhiệm ở Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn và có cam kết trong một số lĩnh vực quan trọng. Giữa năm 2013, Chương trình Phát triển năng lực DL có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ đã thiết lập một khung chính sách DL có trách nhiệm cho Việt Nam với mục đích nhằm cung cấp một tài liệu hướng dẫn tổng thể gắn kết với những hành động cụ thể. Sáng kiến này nhằm đóng góp cho ngành DL bền vững, có lợi nhuận, cạnh tranh hơn. Theo ông Kai Partale: “DA sẽ khai thác những cơ sở của khung chính sách DL có trách nhiệm với các nội dung trọng tâm là tạo DL thành một ngành kinh tế năng động và hiệu quả. Các chuyên gia của DA sẽ hỗ trợ năng lực cạnh tranh với phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy phát triển KT-XH trên phạm vi rộng. Cạnh đó sẽ là mở rộng kiến thức và hiểu biết, đầu tư vào nguồn nhân lực, vốn nhân sự và bảo tồn, nâng cao giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa”.