Du lịch Đà Nẵng: Được và chưa (P.1)

Những năm gần đây, Đà Nẵng thực sự trở thành địa phương nổi bật nhất về thu hút đầu tư du lịch khi các doanh nghiệp đã đăng ký đầu tư hơn 4 tỷ USD vào lĩnh vực này với hy vọng “đón đầu” cơ hội khi thành phố chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Bài 1: Sự khẳng định thương hiệu

Điều này đã giúp bộ mặt thành phố bừng sáng, nhất là sự thay đổi đến chóng mặt của dải bờ biển được coi là quyến rũ nhất hành tinh này. Vậy nhưng, phải công bằng nhìn nhận, để Đà Nẵng thực sự trở thành “thiên đường du lịch” như kỳ vọng thì vẫn còn nhiều việc phải làm cả trước mắt cũng như lâu dài...

Sự đầu tư mạnh mẽ

Bất chấp những khó khăn, một số nhà đầu tư vẫn quyết tâm theo đuổi các dự án xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng tầm cỡ Châu Á và thế giới tại Đà Nẵng. Sungroup rót hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng thuộc loại khủng tại đây và năm ngoái đã khai trương khu nghỉ dưỡng InterContinental với 197 phòng trên bán đảo Sơn Trà. Không chỉ thuê InterContinental Hotels Group quản lý, Sungroup còn cất công thuê Bill Bensley - ông hoàng của các khu nghỉ nổi tiếng thế giới thiết kế từng chi tiết của khu nghỉ tại Đà Nẵng. Thậm chí, tập đoàn còn “chịu chơi” đến mức thuê cả đầu bếp Michel Roux đạt chuẩn 3 sao Michelin điều hành nhà hàng tại InterContinental. Hiện Sungroup cũng đang hoàn thiện khách sạn Novotel Han River Premier với 380 phòng, đồng thời xây thêm một số khách sạn khác dưới thương hiệu Mercure tại KDL Bà Nà Hills.

Du lịch Đà Nẵng: Được và chưa (P.1) - 1

Đầu năm 2013, Đà Nẵng đón nhiều chuyến tàu đưa khách du lịch cập cảng Tiên sa. (Trong ảnh: Du khách làm thủ tục nhập cảnh tại cảng Tiên Sa). Ảnh: Châu Thư

Một số nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang rót lượng vốn lớn vào miền Trung, trong đó chủ yếu là Đà Nẵng. Indochina Capital đã đầu tư hàng trăm triệu USD với các DA danh tiếng, trong đó nổi bật là khu nghỉ dưỡng Hyatt Regency Danang...

Một bước nhảy vọt của Đà Nẵng là nếu như trước đây chỉ có 2 khách sạn 5 sao là Furama và Hoàng Anh Gia Lai thì những DA khách sạn mới khai trương trong vài ba năm trở lại đây đã cung cấp thêm 2.000 phòng khách sạn 5 sao cho thành phố. Các khách sạn 3-4 sao cũng mọc lên như nấm dọc bờ biển Mỹ Khê chạy dài vào phía Hội An. Lượng cung phòng khách sạn trong vài năm tới sẽ còn tăng mạnh khi khách sạn Crowne Plaza xây thêm 600 phòng, khu nghỉ dưỡng Sandy Beach tăng gấp đôi số phòng lên 400 và các khách sạn như Melia, Hilton hoàn thành đưa vào sử dụng.

Mới đây nhất, ngày 7/4, Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Nam - Đà Nẵng (DTC) tổ chức lễ khởi công xây dựng khách sạn Tourane cao 20 tầng và 1 tầng nổi tại khu đất rộng hơn 12.000m2 đường Trường Sa, P. Phước Mỹ, Q. Sơn Trà. Dự kiến, DA khách sạn này sẽ hoàn thành, đưa vào hoạt động đúng dịp 29/3/2015, tạo thêm một điểm nhấn nữa cho du lịch thành phố.

Du lịch Đà Nẵng: Được và chưa (P.1) - 2

Danang Golf Club - một trong những điểm đến của làn sóng “du lịch golf”.

Làn gió mới "Du lịch golf"

Ông Peter Ryder - Tổng Giám đốc của Indochina Capital nói rằng, miền Trung (trong đó có Đà Nẵng) hoàn toàn có cơ hội trở thành một điểm đến tầm cỡ quốc tế, giống như Bali hay Phukhet. Còn theo ông Zulki Othman - Tổng Giám đốc Hyatt Regency Danang Resort & Spa, không có lý gì mà Đà Nẵng không trở thành “điểm nóng” về du lịch, bởi hiếm có nơi nào giàu tiềm năng như ở đây vì có bãi biển đẹp; bao quanh bởi 3 di sản thế giới là Hội An, Mỹ Sơn và Huế; có những sân golf tầm cỡ quốc tế và có sân bay quốc tế có thể dễ dàng kết nối đến các trung tâm du lịch khu vực Châu Á như Singapore, Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia) và Hồng Kông...

Sự xuất hiện của các tập đoàn quản lý khách sạn danh tiếng như InterContinental, Hyatt, Banyan Tree, Hilton, Accor và Melia tại miền Trung đã thu hút sự chú ý của các nhà điều hành du lịch trên toàn cầu. Gần đây, một số Cty du lịch lớn của Anh như Kuoni và Chic Locations, Premier Holidays cho biết, số lượng khách hàng đặt tour đến Đà Nẵng đang tăng dần lên. Còn Mark Siegel - Tổng Giám đốc Golfasian (Cty chuyên về du lịch golf ở Đông Nam Á, có trụ sở tại Thái Lan), quả quyết rằng, miền Trung hoàn toàn có thể trở thành “điểm nóng” về du lịch golf của thế giới hoặc ít nhất là của Châu Á trong thời gian tới.

Mark cho biết, khách du lịch golf chỉ thích chơi golf ở miền biển hoặc rừng - nơi có khí hậu thích hợp với nghỉ dưỡng và xét về khía cạnh này, miền Trung đang có lợi thế bởi bãi biển đẹp, nhiều khu nghỉ dưỡng 5 sao, có Hội An thơ mộng và 3 sân golf đẳng cấp quốc tế: Montgomerie Links tại Quảng Nam, Danang Golf Club tại Đà Nẵng và Laguna Lăng Cô Golf Club ở phía bắc đèo Hải Vân. Năm 2012, Golfasian đưa 1.150 khách du lịch golf đến Việt Nam, nhưng kỳ vọng tăng gấp đôi con số đó trong năm nay và phần lớn số khách này đến chơi golf ở miền Trung.

Còn ông Nguyễn Đức Quỳnh - Phó Tổng Giám đốc Furama Resort cho biết, khu nghỉ đã ký kết hợp đồng hợp tác gửi khách tới 2 sân golf Montgomerie Links và Danang Golf Club, đồng thời giảm giá dịch vụ tới 20% cho các Cty du lịch golf của nước ngoài. Ông Quỳnh nhấn mạnh, sự ra đời của 2 sân golf là động lực thúc đẩy du lịch miền Trung, để cho Đà Nẵng - Hội An trở thành điểm đến cái gì cũng có. Có nhiều đoàn khách lựa chọn Đà Nẵng vì có thêm sân golf, làm cho các dịch vụ giải trí của họ ở Đà Nẵng phong phú hơn.

(còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Châu Thư (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN