Giải pháp cho chất lượng du lịch Đà Nẵng
"Đà Nẵng coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì ngoài việc đầu tư có chiến lược, có trọng điểm, cũng cần tập thức khuya để làm du lịch", ông Bùi Viết Minh- Tổng Giám đốc Tổng Cty Xi-măng Hải Vân chia sẻ.
Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: “Đà Nẵng là hạt nhân của Vùng Kinh tế trọng điểm miềnTrung và Tây Nguyên”. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đang phấn đấu xây dựng một thành phố Du lịch - Môi trường - Công nghệ cao, có môi trường sống lý tưởng, mang giá trị nhân văn, hạnh phúc cho con người. Đầu tư phát triển mạnh du lịch, dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước, là đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hóa - dịch vụ của miền Trung - Tây Nguyên. Chúng tôi lược ghi một số ý tưởng để ngành du lịch, dịch vụ phát triển.
Ông Bùi Viết Minh - Tổng Giám đốc Tổng Cty Xi-măng Hải Vân: “Tập thức khuya để làm du lịch”
Đà Nẵng coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì ngoài việc đầu tư có chiến lược, có trọng điểm, cũng cần tập thức khuya để làm du lịch. Đa số du khách đã từng đến Đà Nẵng đều nhận xét người dân thành phố biển này ngủ sớm quá. Trên thế giới hiện đại, một thành phố phát triển thường có 20% dân số hoạt động về đêm. Vì vậy chúng ta cần phải tạo ra trong lòng TP một số nơi có các dịch vụ ẩm thực, giải trí về đêm. Có thể ban đầu còn ít khách, nhưng để khuyến khích người dân tập thức khuya làm dịch vụ du lịch, dần dà thu hút khách tới đông. Từ đó lấy nơi đây làm cơ sở mà xây dựng phố đêm và phố đêm là một trong những nhu cầu hết sức cần thiết phải có khi Đà Nẵng thành một trung tâm du lịch lớn.
Ở đây có người lại đưa ra lý thuyết về chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước”. Rằng không có nhu cầu nên không có ai thức đêm phục vụ. Một số khách ra phố muốn tận hưởng đêm khuya ở Đà Nẵng cũng không biết tìm đâu một nơi để ngồi. Nhiều khách trẻ tuổi than phiền đến Đà Nẵng buồn quá, nhất là về đêm. Bởi vậy, chúng ta nên có chủ trương rõ ràng để khuyến khích người dân bắt đầu tập thức khuya để xây dựng một khu phố có dịch vụ đêm...
Hạ tầng du lịch tốt thì cách làm du lịch của Đà Nẵng cũng phải chuyên nghiệp
(Trong ảnh: Một góc khu nghĩ dưỡng Intercontinental danang).
Ông Trần Đại Nghĩa - Tổng Giám đốc Cty CP Con đường chiến thắng: “Cần chuyên nghiệp cách làm dịch vụ”
Việc làm dịch vụ ở Đà Nẵng hiện đang rất thiếu tính chuyên nghiệp do mặt bằng chung về kỹ năng, nhất là so với TPHCM, Hà Nội... Dịch vụ chuyên nghiệp có giá trị to lớn là giúp chúng ta có cơ hội thu hút ngày càng nhiều du khách tới Đà Nẵng và ở lại lâu hơn. Theo một nghiên cứu của PGS.TS Lê Thế Giới (ĐH Đà Nẵng), khách quốc tế đến Đà Nẵng chỉ tiêu bình quân 12USD/ngày, trong khi đó, Hội An là 20USD. Mặt khác, thời gian lưu trú tại Đà Nẵng là 1,56 ngày, trong khi bình quân cả khu vực miền Trung là 1,9 ngày và cả nước 4 ngày...
Thành phố có hàng vạn người tham gia vào chuỗi các dịch vụ thì việc nâng cao kỹ năng làm dịch vụ thực sự là việc quá khó. Nhưng, theo tôi vẫn có cách để đẩy nhanh tính chuyên nghiệp, đó là “bản mẫu”. Bản mẫu là quy định chung có tính bắt buộc hoặc được hướng dẫn mà TP có thể triển khai thông qua các sở, ban, ngành, các hiệp hội xây dựng “bản mẫu” thành một mẫu số chung, rồi sau đó hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở làm theo.
Khi tính chuyên nghiệp cao thì lợi nhuận cũng sẽ tốt vì khách hàng mới đến sử dụng và trở lại. Còn nếu chúng ta cứ hò hét mọi người phải làm dịch vụ chuyên nghiệp thì rất ít người hiểu trong lĩnh vực của họ chuyên nghiệp là gì, tiêu chuẩn ra sao? Đà Nẵng sống bằng nghề dịch vụ, bởi vậy nên bắt tay vào xây dựng bản mẫu để hướng dẫn mọi người làm dịch vụ đi vào chuyên nghiệp để phát triển...
Ông Nguyễn Mậu Hoàng Sơn - Giám đốc Cty Traphaco Chi nhánh miền Trung: “Cần có Hiệp hội liên kết phát triển du lịch”
Qua một thời gian nỗ lực xây dựng, đến này hạ tầng, cơ sở và kỹ thuật để phát triển du lịch của TP Đà Nẵng đã khá tốt. Tuy nhiên, nhìn tổng quan thì cách tổ chức vẫn còn lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp và rõ ràng là chưa thể làm hài lòng du khách.
Chìa khóa hiện nay là vấn đề liên kết chứ không phải hạ tầng nữa. Mà vấn đề này lại quá yếu, nếu không nói là rời rạc. Chính vì vậy bức tranh du lịch Đà Nẵng không thể nào khớp nối, hoàn chỉnh được. Ví dụ một người khách tới ở khách sạn muốn đi chơi nhưng không được lễ tân chỉ dẫn cặn kẽ, thậm chí lễ tân còn nói ngoài kia không có gì chơi nhằm mục đích để khách ngồi nhà sử dụng dịch vụ trong khách sạn; hoặc lên taxi thì bị chở đi lòng vòng để tính thêm tiền cước, nơi nào có phần trăm cao thì đưa khách tới mà không cần biết ở đó phục vụ thế nào...
Một trong những hạn chế khi làm du lịch là tính hợp tác yếu, việc gì cũng tự làm, và khi làm thì thường bắt chước mà ít suy nghĩ sáng tạo. Có Hiệp hội liên kết sẽ tạo ra các hoạt động có tính liên kết ngày càng cao, không để tình trạng mạnh ai nấy làm, thậm chí sát phạt nhau như hiện nay. Bởi vậy, chúng ta tạo ra tài sản lớn cho thành phố nhưng lại không khai thác hết công năng của khối tài sản khổng lồ đó.