TTCK 19/2: Có thể tiếp tục phân hóa cao

SSI cho rằng, phiên giao dịch ngày 19/2 nhiều khả năng thi ̣trường sẽ tiếp tục phân hóa.

Khả năng tiếp tục phân hóa cao

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – SSI)

“Chỉ số VN-Index có phiên phiên giao dịch đầu năm Quý Tỵ ̣giảm điểm nhẹ xuống mốc 493,95 điểm với 181 mã tăng giá, 50 mã giữ tham chiếu và 62 mã giảm giá. Thị trường phân hóa khá mạnh, số cổ phiếu tăng giá mạnh khá nhiều nhưng tập trung ở các cổ phiếu penny hoặc có thị giá thấp, trong khi đó một số cổ phiếu vốn hóa lớn lại có lượng bán tăng và giảm giá.

SSI cho rằng, phiên giao dịch ngày 19/2 nhiều khả năng thi ̣trường sẽ tiếp tục phân hóa. Do đó, nhà đầu tư trung hạn có thể mua tích lũy thêm ở phiên hiệu chỉnh, trong khi đó nhà đầu tư lướt sóng có thể áp dụng chiến thuật bán cao mua thấp để gia tăng lợi nhuận ngắn hạn”.

Sớm xuất hiện phiên điều chỉnh

(Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt – BVSC)

“Thị trường mở cửa phiên đầu năm mới với sự phân hóa khá rõ nét trên cả hai sàn. Nhóm cổ phiếu blue-chips đã tăng nóng trong nhịp trước, tạo áp lực điều chỉnh lên VN-Index trong khi các dòng cổ phiếu chậm nhịp đặc biệt là các mã ngành khoáng sản lại thu hút dòng tiền đầu cơ và bắt đầu bứt phá mạnh.

Trên phương diện kỹ thuật, hiện cả hai chỉ số đang tiếp cận các vùng kháng cự ngắn hạn, quanh 500 điểm đối với VN-Index và 67-68 điểm đối với HNX-Index nên khả năng thị trường sẽ sớm xuất hiện các phiên điều chỉnh tại đây. Mặc dù vậy, với diễn biến điều chỉnh/tăng điểm luân phiên giữa các dòng cổ phiếu trên cả hai sàn, đang được xem là khá lành mạnh và luôn có dòng cổ phiếu đóng vai trò giữ nhịp, thì khả năng sụt giảm sâu ngay ở vùng điểm hiện tại của hai chỉ số không được chúng tôi đánh giá cao.

Các nhà đầu tư vẫn có thể duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức cao và tranh thủ giao dịch, kết hợp với việc tái cơ cấu một phần danh mục tại các vùng cản của hai chỉ số. Việc bán ra chỉ nên lựa các vùng giá cao trong phiên và tránh tâm lý lướt sóng “quá năng động” với tỷ trọng lớn”.

Cân nhắc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu

(Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV – BSC)

“Trong khoảng 1 tuần trở lại đây, động thái giao dịch của khối ngoại (trên sàn HSX) có thể coi là không tích cực xét trong bối cảnh họ đã mua ròng rất mạnh và kéo dài trước đó. Đây cũng là lý do khiến các cổ phiếu dẫn dắt trên HSX bắt đầu chững lại và dòng tiền có biểu hiện dịch chuyển sang HNX. Tuy nhiên, với việc tăng mạnh 4 phiên liên tiếp với mức tăng tổng cộng khoảng 5-6% của chỉ số HNX-Index, chúng tôi đánh giá cơ hội đầu tư ngắn hạn trên HNX sẽ trở nên khó khăn hơn trong các phiên tới.

BSC khuyến nghị các nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu nên cân nhắc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục trong các nhịp tăng điểm”.

Nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng

(Công ty Cổ phần Chứng khoán FPT – FPTS)

“Xu thế của các chỉ số vẫn đang khá tích cực khi mà động lực đỡ giá phụ thuộc vào hai yếu tố chính là các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ cũng như sự nâng đỡ của sức cầu khối ngoại. Theo đó, với xu thế mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn được duy trì kèm theo là sự chờ đợi thông tin chính thức tiếp theo về dự thảo đề xuất đối với VAMC và nới room cho nhà đầu tư nước ngoài thì chúng tôi cho rằng nhiều khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn tiếp tục kéo dài diễn biến tích cực trong trung hạn.

Trong ngắn hạn, sự xuất hiện của phiên điều chỉnh vẫn có thể tiếp diễn do các chỉ số vẫn đang phải đối mặt với các mốc kháng cự quan trọng. Ngoài ra, diễn biến theo mùa vụ của chỉ số CPI trong tháng 2/2013 cũng sẽ phần nào ảnh hưởng đến quyết định nhà đầu tư trong thời gian ngắn tới đây. Bởi vậy, các nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn vẫn cần duy trì sự thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh sự phân hóa của các cổ phiếu ngày càng rõ rệt. Mặt khác, việc mua vào các mã cổ phiếu có tiềm năng tăng trưởng tốt vẫn được khuyến nghị đối với các danh mục đầu tư trung và dài hạn”.

* Nhận định thị trường của các công ty chứng khoán được trích dẫn chỉ có giá trị như một nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán có thể có những xung đột lợi ích đối với các nhà đầu tư khi đưa ra nhận định. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Nhật (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN