Đấu trường nhan sắc thiếu kết thúc có hậu

Số lượng không đi kèm chất lượng, đấu trường nhan sắc ngày càng thiếu những kết thúc có hậu.

Bên cạnh Hoa hậu Việt Nam – cuộc thi tầm cỡ quốc gia và có uy tín nhất từ trước đến nay, sàn đấu tài năng và nhan sắc cho phụ nữ mở ra ngày một nhiều với đầy đủ các danh xưng. Mỗi một cuộc thi khép lại hàng loạt ngôi vị hoa hậu, á hậu, nữ hoàng… trao cho những cô gái được cho là xứng đáng nhất.

Tuy nhiên, phần vì quá nhiều cuộc thi, phần vì gương mặt chưa thực sự nổi bật mà công chúng khó nhớ tên người đẹp đi kèm danh hiệu họ đạt được. Không ít thí sinh nổi lên sau cuộc thi bằng những lùm xùm không mấy hay ho và cũng không ít cuộc thi “ao làng” nhờ lùm xùm đó mới được công chúng biết tên. Ngoài ra cũng có cái kết dở khóc dở cười khi thi hoài, thi mãi mà không tìm được… người đẹp.

Số phận hẩm hiu của danh hiệu bị hắt hủi

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền Phong tổ chức ra đời cách đây 26 năm được đánh giá là đấu trường danh giá và uy tín nhất, nơi tìm ra nhiều gương mặt xứng đáng đại diện cho tài năng và nhan sắc của phụ nữ Việt.

Những cái tên trưởng thành từ cuộc thi này như Bùi Bích Phương, Nguyễn Diệu Hoa, Hà Kiều Anh… đều khẳng định được chỗ đứng của họ trong lòng công chúng và gặt hái được thành công trong sự nghiệp. Không thể phủ nhận ngoài tài năng và nhan sắc, danh hiệu như một bước đệm vững chắc, một lợi thế nhiều cô gái mơ ước.

Vì lẽ đó, bên cạnh mục tiêu khẳng định bản thân ban đầu, giải thưởng sắc đẹp ngầm được coi như một tấm vé để người đẹp thành công trong sự nghiệp hay dễ dàng dấn thân vào làng giải trí. Và nhiều cuộc thi ra đời đồng nghĩa với việc có thêm nhiều tấm vé được phát ra.

Đấu trường nhan sắc thiếu kết thúc có hậu - 1

Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà cùng quý bà Kim Hồng trưởng ban tổ chức cuộc thi. Triệu Thị Hà là người đẹp đầu tiên viết đơn xin trả vương miện.

Đáng tiếc thay, không phải tấm vé nào cũng dễ “qua cửa”. Bằng chứng là không phải người đẹp nào cũng được nhớ mặt nhắc tên. Thậm chí họ không ngần ngại chối bỏ danh hiệu vì lí do cười ra nước mắt.

Cách đây không lâu, Hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2011 Triệu Thị Hà gây lúng túng cho cơ quan quản lí khi quyết định trả lại danh hiệu. Lý do cô đưa ra là bởi các hoạt động từ thiện quá dày khiến người đẹp kiệt sức. Trong khi đó, ban tổ chức lại không có hoạt động giúp Hà khẳng định tên tuổi trong làng giải trí.

Sự việc này kéo theo nhiều tranh luận không mấy hay ho giữa hoa hậu và nhà ban tổ chức cuộc thi trên mặt báo. Mà nguyên nhân có lẽ từ cả hai phía, một bên là người đẹp chưa khéo léo trong ứng xử, không nhận thức được hết vai trò trách nhiệm của hoa hậu và một bên là cuộc thi nhiều lùm xùm, thiếu thiện chí thực sự dành cho thí sinh sau khi trao danh hiệu.

Nhưng ai cũng dễ nhận thấy sau sự cố này, cái tên Triệu Thị Hà được nhiều người biết đến hơn. Cô thường xuyên xuất hiện trên mặt báo, được mời đóng phim, tham dự talkshow và xuất hiện đều đặn tại các sự kiện giải trí - điều mà chưa hoa hậu dân tộc nào làm được.

Đấu trường nhan sắc thiếu kết thúc có hậu - 2

Hành động ném giải thưởng Người đẹp hình thể (cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp) của thí sinh Trần Ngọc Bích khiến dư luận dậy sóng.

Mấy ngày nay, cái tên Trần Ngọc Bích cũng "nóng" trên báo chí khi đăng tải bức ảnh vứt danh hiệu Người đẹp hình thể trong cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp trên trang cá nhân. Ngoài hành động chưa từng có trong lịch sử những cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam, Ngọc Bích không ngần ngại khẳng định đây là một cuộc thi “ao làng” không minh bạch và có dàn xếp rõ ràng.

Bình luận về hành động của cô gái trẻ, công chúng dành nhiều lời chê trách không chỉ cho Ngọc Bích mà cả ban tổ chức. Bởi họ đã không chọn được người đủ tài năng và phẩm chất để trao giải. Và nhiều người tỏ ra ngán ngẩm khi biết được thông tin đây chỉ là một cuộc thi tự phát, không được cấp phép chứng tỏ sự thiếu chặt chẽ của cơ quan quản lí.

Phía cơ quan chức năng đã đưa ra những mức hình phạt cho ban tổ chức và khẳng định mọi danh hiệu của Nữ hoàng sắc đẹp đều không có giá trị. Tuy nhiên, độc giả Anh Tuấn có đặt ra câu hỏi: “Nếu không có bức ảnh gây bất bình kia ai sẽ biết sự tồn tại của cuộc thi “ao làng” này để phạt. Và chính bức ảnh cũng phần nào giúp chủ nhân của nó (Trần Ngọc Bích) được nhiều người nhớ mặt nhớ tên”.

Hành động của Triệu Thị Hà, Trần Ngọc Bích khiến công chúng ngày càng lo lắng nhìn vào mục đích của những cô gái trẻ khi quyết định tham gia một cuộc thi nhan sắc. Cũng như mục tiêu mà ban tổ chức mỗi cuộc thi đặt ra. Đấu trường nhan sắc có những cái kết buồn như vậy, bởi cả đôi bên đều coi đây là bước đệm để đạt được mục đích riêng của mình.

Nguồn tài nguyên sắc đẹp đang cạn kiệt

Không chối bỏ danh hiệu cũng không lùm xùm mua giải nhưng kết thúc của nhiều cuộc thi nhan sắc cũng vô hậu không kém khi thi rồi mà không tìm được người đẹp.

Trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1992, thí sinh Hà Kiều Anh được nhiều người yêu thích khi trả lời ứng xử: “Người đạt danh hiệu hoa hậu hôm nay chắc chắn là người đẹp nhất cuộc thi nhưng chưa chắc là người đẹp nhất nước ta”, hoa hậu cho rằng có những cô gái rất đẹp song vì lí do nào đó không thể tham dự cuộc thi này.

Hơn hai mươi năm sau khi hoa hậu Hà Kiều Anh dành vương miện, có lẽ vẫn còn những cô gái đẹp không tìm đến đấu trường nhan sắc? Hay vì quá nhiều cuộc thi được tổ chức mỗi năm mà nhiều giám khảo buộc lòng phải trao vương miện cho… người chưa đẹp?

Trước đây, những cái tên như Bùi Bích Phương, Phan Thu Ngân, Nguyễn Thị Huyền… được xướng lên không ai phủ nhận hay nghi ngờ về tài năng và nhan sắc của họ.  Nhưng vài năm trở lại đây Ngọc Hân, Thùy Dung hay mới đây nhất là Hoa hậu đại dương Đặng Thu Thảo đều chưa thực sự thuyết phục khán giả bằng nhan sắc.

Đấu trường nhan sắc thiếu kết thúc có hậu - 3

Nhan sắc của Hoa hậu đại dương 2014 Đặng Thu Thảo không được khán giả đánh giá cao khiến nhiều khán giả nghi ngờ về việc ngày càng ít người đẹp tham gia các cuộc thi sắc đẹp.

Đấu trường nhan sắc thiếu kết thúc có hậu - 4

Không được đánh giá cao về vẻ đẹp ngoại hình như Hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo song hoa hậu Ngọc Hân ngày càng đẹp lên sau khi đăng quang.

Dù Ngọc Hân, Thùy Dung hay Mai Phương Thúy ngày càng đẹp lên sau khi nhận vương miện, song gương mặt khả ái ngày càng hiếm hoi khiến nhiều người lo lắng mỗi khi mở màn một cuộc thi sắc đẹp. Trong buổi họp báo khởi động cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, một phóng viên không ngần ngại đặt ra câu hỏi:

“Có tổ chức thi lại không nếu không tìm ra được cô gái có nhan sắc xứng đáng với ngôi vị cao nhất?” hay “Sẽ vẫn trao danh hiệu cho hoa hậu xấu?”… chứng tỏ nguồn tài nguyên sắc đẹp đang có nguy cơ cạn kiệt ngay ở cuộc thi có quy mô lớn nhất.

Nguyên nhân chính có lẽ vì quá nhiều cuộc thi được mở ra khiến số lượng người đẹp có thể tăng nhưng vẫn không đáp ứng đủ. Trong đó không ít cuộc thi chỉ nhằm mục đích quảng cáo, đem lại lợi nhuận kinh tế cho ban tổ chức.

Những cái kết buồn trên đấu trường nhan sắc khiến không ít người nhớ tới câu nói của hoa hậu Mai Phương Thúy: “Hoa hậu là một nghề khắc nghiệt nhất trong các nghề” sau khi chịu nhiều scandal trên trời. Không chỉ hoa hậu, bất cứ danh hiệu nào cũng đặt lên vai những cô gái trẻ gánh nặng bởi có được danh hiệu xứng đáng khó một thì giữ danh hiệu khó mười.

Và bên cạnh “nghề hoa hậu”, “nghề tìm ra hoa hậu/người đẹp” cũng đứng trước nhiều khó khăn, thử thách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đinh Trang ([Tên nguồn])
Thí sinh Nữ hoàng sắc đẹp vứt danh hiệu vào thùng rác Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN