“Vương quốc khóm” thành vùng đất chết

Sau 5 năm triển khai làm khu công nghiệp (KCN) tại xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, gần cả ngàn ha đất chuyên trồng khóm (dứa) ở xã này biến thành đất hoang.

Làm giàu trên rốn phèn

Gắn bó với vùng đất này đã 15 năm, anh Bùi Hoàng Dũng (ấp 1, xã Tân Lập 1) cho biết, trước khi có quy hoạch KCN Tân Phước 1, người dân nơi đây sống khoẻ với nghề nông. Từ một vùng đất hoang hoá chua phèn, bàn tay con người đã biến thành đất vàng với đặc sản là trái khóm Tân Phước ngon nổi tiếng.

"Năm 1997, khi mới 18 tuổi, tôi về đây nhận khoán 1,5ha đất trồng khóm. Đất phèn nặng, nông dân phần lớn thua lỗ, nhiều người trụ không nổi phải bỏ đất mà đi. Nhưng đất không phụ công người khi cây khóm dần xanh tốt. Năng suất bình quân 25 - 30 tấn trái/năm, trừ hết chi phí mỗi năm tôi lãi khoảng 50 triệu đồng, đủ nuôi 2 con ăn học" - anh Dũng nói.

Cũng như anh Dũng, hàng chục ngàn nông dân khắp các vùng miền kéo về khai hoang Tân Phước. Vùng đất chết ngày nào thành "vương quốc khóm" với diện tích gần 13.000ha, là vùng chuyên canh khóm lớn nhất ĐBSCL.

Nhờ hiệu quả kinh tế cao, cây khóm được tỉnh Tiền Giang xác định là cây ăn trái chính để phát triển kinh tế ở vùng đất phèn Tân Phước. Giữa vùng nguyên liệu này là nhà máy chế biến khóm hiện đại của Công ty CP Rau quả Tiền Giang, mỗi năm cung cấp cho thị trường hơn 60.000 tấn khóm, chủ yếu xuất đi châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Được đất "trả ơn", người dân Tân Phước càng hăng say lao động, tìm cách tăng giá trị cây khóm. Năm 2009, Trung tâm Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (Bộ KHCN) đã cấp giấy chứng nhận sản xuất khóm đạt tiêu chí VietGAP cho HTX Quyết Thắng.

Sự kiện này càng tạo thêm động lực cho cây khóm Tân Phước phát triển. Theo ông Nguyễn Công Thành - Chủ nhiệm HTX Quyết Thắng, để đạt chứng nhận VietGAP, người nông dân đã thay đổi thói quen canh tác, khắc phục những nhược điểm trong quá trình thâm canh nhằm tăng năng suất, và chất lượng quả khi thu hoạch.

“Vương quốc khóm” thành vùng đất chết - 1

Anh Bùi Hoàng Dũng bên một trạm bơm điện đã bị bỏ hoang

Hành trình… tái hoang

Ngày vui ngắn chẳng tày gang, khi UBND tỉnh Tiền Giang muốn biến một phần của "vương quốc khóm" thành đất công nghiệp. Chỉ riêng xã Tân Lập 1, gần 1.000ha đất chuyên canh khóm đã trở thành đất hoang khi các dự án công nghiệp càn quét qua đây. Sau khi "xí" đất với giá rẻ mạt, nhà đầu tư chỉ lấp đầy chừng 100ha rồi bỏ mặc cho đất vàng tái hoang. Nhiều người bỏ làng tha phương cầu thực, số khác quyết bám trụ với đất và quyết liệt đi kiện dù phần thắng luôn thuộc về nhà đầu tư.

Quy mô của KCN Long Giang sẽ thu hút 300 nhà đầu tư, nhưng đến nay chỉ có 4 doanh nghiệp đi vào hoạt động, 8 doanh nghiệp khác "đang xây dựng". Hiện KCN này có hơn 440ha đất bỏ hoang. Tại ấp 1 có khoảng 250ha đất hoang, ấp 5 có 190ha bỏ hoang, ấp 3 bỏ hoang 10ha…

Anh Hồ Văn Huấn (xã Tân Lập 1) bức xúc: "Cuối năm 2007, tỉnh Tiền Giang giao 540ha đất cho nhà đầu tư Trung Quốc làm KCN Long Giang. Không hiểu nhà đầu tư thâu tóm diện tích khổng lồ này nhằm mục đích gì, bởi 5 năm trôi qua họ chỉ san lấp chừng 100ha để cho thuê, còn lại thì bỏ hoang.

Nhìn cỏ dại lấn dần đất khóm, nông dân tụi tui ứa nước mắt vì tiếc". Trong khi gần 440ha đất ở ấp 4 bỏ hoang, ngày 17.11.2009, UBND tỉnh Tiền Giang công bố chủ trương xây dựng KCN Tân Phước 1 với diện tích 300ha ở ấp 1.

Công bố này chưa ráo mực, tỉnh xin Chính phủ điều chỉnh diện tích từ 300ha lên 470ha vào tháng 3.2010 và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý với yêu cầu tỉnh Tiền Giang phải thực hiện tốt công tác đền bù, xây dựng khu tái định cư và có các chính sách hỗ trợ nhằm đảm bảo cho các hộ dân bị thu hồi đất có cuộc sống tốt hơn, tránh gây khiếu kiện. Gần 3 năm trôi qua, diện mạo KCN chẳng thấy đâu, chỉ thấy người dân trong vùng dự án đang ngày càng khổ sở.

Ông Nguyễn Văn Vui - người phụ trách tổ bơm tát ở ấp 1 cho biết, cây khóm trồng mất 18 tháng mới cho thu hoạch, vì vậy người dân không dám đầu tư trồng khóm bởi không biết khi nào đất bị thu hồi. Anh Bùi Hoàng Dũng nói: "Năm ngoái, tôi trồng khoai lang, khoai mì (sắn) và một số cây ngắn ngày để cải thiện cuộc sống. Cán bộ xã yêu cầu không được trồng vì đây là đất chuyên khóm làm chúng tôi rất bức xúc”.

Theo bảng kê của tổ bơm tát, đến thời điểm tháng 8.2011, đã có 218ha đất tại ấp 1 bị bỏ hoang. Đến tháng 7.2012, tuy chưa có số liệu thống kê nhưng số đất bỏ hoang đã gia tăng đáng kể.

"Ai cũng hoang mang lo lắng, bỏ hết công việc đồng áng vì dự án khu công nghiệp cứ treo lơ lửng trên đầu. Lợi ích thì chưa thấy, nhưng đất vàng thành đất hoang ngày càng nhiều và cuộc sống của người dân ngày càng khốn khổ" - ông Vui buồn bã nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Danh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN