Vì sao người nghiện thuốc lá chấp nhận bị làm giá?

Quy định in hình cảnh báo sức khỏe lên bao thuốc ban hành gần một năm nay nhưng trên thị trường, các loại bao thuốc lá kiểu cũ vẫn được bán, với giá đắt hơn từ 2.000 đến 5.000 đồng.

Hầu hết trên khắp các tuyến đường TP.HCM đều có những cửa hàng tạp hóa di động bán thuốc lá. Và điều đặc biệt là ghé bất kì một tiệm nào hỏi mua thuốc lá cũng đều được chủ cửa hàng hỏi lại: “Hàng cũ hay hàng mới?”. Và phần lớn người mua đều trả lời: “Hàng cũ”.

Lý giải điều này, một chủ tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 cho biết, từ dạo trước Tết, đại lý có đưa cho chị một số lượng các loại thuốc lá nội với mẫu bao bì mới có in hình hàm răng người hút thuốc, một bệnh nhân, lá phổi ung thư. Nhưng phổ biến nhất vẫn là hình hàm răng.

Thời gian đầu, khách hàng cũng tiêu thụ những bao thuốc có in hình này, song chỉ sau một thời gian ngắn, khách lại nằng nặc đòi mua hàng cũ hoặc chuyển sang mua thuốc lá ngoại. Bởi theo họ, những hình ảnh trên bao thuốc khiến họ ám ảnh. Hiện tại, mỗi ngày chị bán được hơn 50 bao loại thuốc không in hình.

Song, giá những bao thuốc không in hình này được “đội” lên từ 2.000 đến 5.000 đồng so với mức giá cũ. Như loại thuốc người hút quen gọi là “con mèo” in hình hàm răng được bán với giá 20.000 đồng/bao. Còn loại không in hình có giá từ 23.000 đến 25.000 đồng/bao tùy từng cửa hàng. Tương tự, thuốc với tên gọi là “3 số” từ giá 25.000 đồng/bao lên đến 27.000 - 29.000 đồng/bao giữa loại thường và loại có nhãn cảnh báo. Các loại ở mức giá cũ là 20.000 đến 22.000 đồng/bao trước đây cũng “làm giá” lên chừng 3.000 đến 4.000 đồng cho hàng cũ.

Vì sao người nghiện thuốc lá chấp nhận bị làm giá? - 1

Hầu hết các điểm bán đều bày song song cả mẫu thuốc cũ trước đây bên cạnh các loại thuốc lá mẫu mới với quảng cáo cảnh báo nguy hại đến sức khỏe này, song phần nhiều khách mua mẫu cũ, và bị làm giá lên từ 2.000 đến 5.000 đồng.

Anh Hà Xuân Linh, chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Cao Bá Quát (Q.1) cho biết: “Ngay cả những người có thu nhập thấp như lái xe ôm, bán vé số, phụ hồ...cũng sẵn sàng bỏ thêm 4.000 đến 5.000 đồng để mua thuốc lá không in hình “thấy gớm”.

“Từng mua thuốc có in hình hàm răng, song về hút được mấy bận thấy ghê quá nên nghỉ hút một thời gian. Thế nhưng, sau đó những cơn thèm thuốc lại tái phát, không bỏ được nên đành chấp nhận bỏ thêm tiền để tránh hàm răng thối”, anh Trần Trung Kiên, ngụ tại Q. Thủ Đức nói.

Cũng theo anh Kiên, có những hôm số lượng người tìm mua hàng cũ nhiều quá nên những loại thuốc này trở thành hàng hiếm. Và ngày hôm đó, anh Kiên cũng nhất quyết nhịn hút thuốc một bữa.

Theo quy định tại Thông tư liên tịch 05/2013/TTLT-BYT-BCT ban hành ngày 8/2/2013, trên vỏ bao thuốc lá buộc phải in hình ảnh cảnh báo các nguy hại đến sức khỏe, với diện tích tối thiểu 50% bề mặt trước và sau trên mỗi bao bì của thuốc lá, trước chỉ là 30%. Thông tư này có hiệu lực từ 1/5/2013. Rõ ràng, quy định này đã có được gần một năm nay nhưng thực tế trên thị trường các loại thuốc lá bao bì cũ vẫn tồn tại rất nhiều.

Các chủ đại lý tại TP.HCM hầu hết giải thích rằng, đó là lượng hàng còn tồn lại trước khi có Thông tư quy định. Song chị Hoàng Lan, từng là chủ tiệm tạp hóa trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1 tiết lộ: “Quy định đã gần một năm rồi thì lấy đâu ra mà lắm hàng tồn. Bằng cách này hay cách khác họ vẫn tung được thuốc lá không in hình cảnh báo sức khỏe ra thị trường để kiếm lợi”. Còn người tiêu dùng thì đành nhắm mắt cho các cửa hàng “làm giá” để có thể thỏa cơn nghiện thuốc của mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quân - Trọng Đại (Zing.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN