Tuyên án vụ người tiêu dùng kiện Công ty Coca Cola VN

Theo bản án của TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), chai nước cam Splash do nguyên đơn cung cấp không phải do Coca Cola hoàn thiện, dập nắp nên không có căn cứ xác định Coca Cola Việt Nam có lỗi với sản phẩm hàng hóa khuyết tật.

Ngày 23.9, sau 4 lần tạm hoãn, TAND quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) mở lại phiên xét xử vụ việc khách hàng kiện Công ty TNHH nước giải khát Coca Cola Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Coca Cola Việt Nam) vì chai nước có chứa dị vật.

Tại tòa, nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bình Minh (33 tuổi, ở quận Bắc Từ Liêm) vắng mặt và ủy quyền cho bà Trần Thị Lan (27 tuổi) đến dự.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ kết quả tranh luận tại hai phiên tòa ngày 15.9 và ngày 23.9.2015, HĐXX sơ thẩm TAND quận Bắc Từ Liêm đã đưa ra phán quyết vào chiều ngày 23.9.

Theo bản án, bà Nguyễn Thị Bình Minh mua chai nước cam ép nhãn Splash thủy tinh có dung tích 240ml có nắp màu đỏ, bên trong có dung dịch màu vàng, trên sản phẩm ghi sản phẩm của Công ty Coca Cola Việt Nam. Do phát hiện có dị vật bên trong nên bà Minh yêu cầu Công ty Coca Cola Việt Nam bồi thường số tiền mua sản phẩm và các yêu cầu khác.

Vật chứng vụ án là một chai thủy tinh nước cam ép Splash thủy tinh có dung tích 240ml có nắp màu đỏ, nước màu vàng, có tép cam, trên vỏ chai ngày sản xuất 29.6.2011.

Để có căn cứ giải quyết yêu cầu của nguyên đơn, tòa án đã trưng cầu giám định tại Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an.

Tuyên án vụ người tiêu dùng kiện Công ty Coca Cola VN - 1

Giám định viên của Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an cung cấp hình ảnh giám định cho thấy, dấu vết dập ép trên nắp chai vật chứng khác với dấu vết dập ép của 63 chai thủy tinh của Coca Cola gửi đi làm mẫu so sánh.

Theo HĐXX, kết luận giám định cho kết quả: Dấu vết dập ép trên nắp chai vật chứng khác với dấu vết dập ép của 63 chai thủy tinh của Coca Cola gửi đi làm mẫu so sánh. Không phát hiện thấy dấu vết mở ra đóng lại ở nắp chai. Các màu in trên nhãn chai đều cùng loại với các màu in trên nhãn chai do Coca Cola Việt Nam gửi đến làm mẫu so sánh.

Sơn màu đỏ trên nắp chai cùng loại sơn nhưng khác màu sơn màu vàng của nắp chai do Coca Cola Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh.

Về thành phần và các chỉ tiêu hóa lý của vật chứng tương tự với thành phần và các chỉ tiêu hóa lý do Coca Cola Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh. Tuy nhiên, không kiểm tra được độ kín của nắp chai.

Xét nhãn hiệu thì chữ, hình và khẩu hiệu kiểu dáng sản phẩm phù hợp với ảnh chụp hình vẽ sản phẩm Coca Cola Việt Nam đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, nhìn hình thức bên ngoài vật chứng thì thấy đây là sản phẩm của Coca Cola Việt Nam sản xuất.

Tuy nhiên, HĐXX cho rằng: Về thành phần và các chỉ tiêu hóa lý của vật chứng và các mẫu so sánh được sản xuất trong thời gian khác nhau, quá trình bảo quản và đều hết hạn sử dụng nên các tính chất hóa, lý của sản phẩm sẽ thay đổi. Thành phần các chỉ tiêu hóa lý trong chai vật chứng tương tự với thành phần và các chỉ tiêu hóa lý do Coca Cola Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh. Do đó, HĐXX cho rằng, không có căn cứ xác định, chai nước cam vật chứng có phải sản phẩm của Coca Cola Việt Nam sản xuất hay không.

Về nắp chai vật chứng, theo kết luận giám định, màu sơn màu đỏ trên nắp chai cùng loại sơn, nhưng khác màu sơn màu vàng của nắp chai do Coca Cola Việt Nam cung cấp làm mẫu so sánh và không phát hiện dấu vết mở ra đóng lại ở nắp màu đỏ hồng của chai nên khẳng định chai nước này chưa được mở khi đóng nắp.

Đối với kết luận dấu vết dập ép trên nắp chai, HĐXX cho rằng, chai nước vật chứng được dập nắp ở đầu dập nắp khác với các đầu dập nắp của 63 mẫu so sánh của Coca Cola. Vì vậy khẳng định, chai nước vật chứng không phải do dây chuyền dập nắp của Công ty Coca Cola Việt Nam thực hiện.

Bản án của HĐXX TAND quận Bắc Từ Liêm cũng nêu rõ, vỏ chai nước cam ép Splash là sản phẩm tái sử dụng nhiều lần trên dây. Ngoài ra, kể từ ngày 29.6.2011 (ngày sản xuất in trên vỏ chai vật chứng) đến ngày cung cấp mẫu đối chứng cho cơ quan giám định, dây chuyền dập nắp sản phẩm nước giải khát đóng chai của Công ty Coca Cola Việt Nam tại Hà Nội không có sự thay thế mà chỉ bão dưỡng, sữa chữa.

“Vật chứng do nguyên đơn khởi kiện không phải do Coca Cola Việt Nam hoàn thiện, dập nắp nên không có căn cứ xác định Coca Cola Việt Nam có lỗi với sản phẩm hàng hóa khuyết tật như nguyên đơn khởi kiện. Vì vậy không có căn cứ chấp nhận yêu cầu bồi thường và các yêu cầu khác của nguyên đơn”, bản án của HĐXX TAND quận Bắc Từ Liêm nêu rõ.

Căn cứ các quy định, HĐXX TAND quận Bắc Từ Liêm đã kết luận, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bình Minh và các yêu cầu khác của đương sự.

Chia sẻ sau khi phiên tòa kết thúc, ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Đối ngoại Coca Cola Việt Nam, cho biết: Đối với Coca Cola hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác thì người tiêu dùng rất quan trọng vì họ quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Vì vậy, Coca Cola Việt Nam không coi phán quyết của tòa án là chiến thắng hay thất bại.

“Người tiêu dùng có quyền nói lên tiếng nói của họ và chúng tôi đã lắng nghe. Chúng tôi đã xuất hiện trước tòa theo cách đầy trách nhiệm để giải quyết các thắc mắc của người tiêu dùng. Chúng tôi khẳng định, sự an toàn của người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi, để đảm bảo điều này thì sản phẩm phải đảm bảo an toàn, và để có sản phẩm an toàn thì sản phẩm phải được sản xuất trên một dây chuyền, một hệ thống quản lý, hệ thống sản xuất nghiêm ngặt theo đúng quy chuẩn không chỉ ở Việt Nam mà còn của Tập đoàn Coca Cola”, ông Nguyễn Khoa Mỹ nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN