Trung Quốc đang cực "khát" cá tra Việt Nam

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong tuần qua, thị trường cá tra nguyên liệu tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục ổn định ở mức giá cao, do nguồn cung từ các ao nuôi của người dân và cả doanh nghiệp vẫn khá hạn hẹp. Theo đó, giá cá tra thịt trắng dao động từ 24.000 - 27.000 đồng/kg, tùy loại. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi có thể lãi từ 1,5 - 1,7 triệu đồng/tấn.

Giá cá tra nguyên liệu tăng cao đã kích thích bà con mở rộng diện tích thả nuôi, kéo theo thị trường cá tra giống sôi động trở lại. Có thời điểm, giống cá tra cán mốc 1.200 - 1.500 đồng/con (cao gấp 3-4 lần so với năm trước) nhưng người dân vẫn không có cá để thả ao. Ngày 12.4, giá cá tra giống loại 50 con/kg đã đạt 60.000 đồng/kg – mức cao kỷ lục trong 5 năm qua.

Trung Quốc đang cực "khát" cá tra Việt Nam - 1

Giá cá tra giống đang tăng cao do người dân tăng diện tích thả nuôi. Ảnh minh họa

Ông Hai Súng, một chủ cơ sở sản xuất con giống ở Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: “Năm nay tôi giảm một nửa lượng nuôi thì giá cá giống lại tăng từng ngày, ban đầu chỉ 34.000 đồng/kg loại 30 con nhưng nay đã lên 40.000 đồng/kg. Đối với loại 35 con, giá đã lên 46.000 đồng/kg, trong khi các năm trước giá cá giống rất thấp, đối với loại lớn chỉ 15.000-22.000 đồng/kg”.

Theo nhận định của ngành thủy sản, dự kiến vào khoảng đầu quý 2.2017, thị trường con giống cá tra mới ổn định trở lại. Tuy nhiên, do đợt mưa kéo dài đầu tháng 4.2017 đang làm sản lượng cá tra giống bị thiệt hại nhiều, chính vì thế việc cung cấp cá tra giống ra thị trường có thể kéo dài thêm một thời gian ngắn nữa.

Công ty cổ phần thủy sản Hùng Vương cũng nhận định, giá cá tra ở mức cao có thể kéo dài đến hết năm 2017. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ của thị trường đang ở mức cao, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, trong khi nguồn cung cấp nguyên liệu hiện nay rất hạn chế. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu đã chạm ngưỡng 27.000 đồng/kg, mức giá cao kỷ lục trong hơn 10 năm qua và mức giá này có thể duy trì thêm một thời gian nữa. 

Về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe – Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngay thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017, giá cá tra đã bắt đầu tăng và kéo dài đạt mức đỉnh điểm trong các ngày qua. Đây được xem là chu kỳ giá cá tra tăng kéo dài nhất.

Nguyên nhân, theo ông Hòe là do thua lỗ liên tục, nhiều hộ dân đã chuyển sang nuôi trồng các loại thuỷ sản khác đã làm cho nguồn cung tụt dốc không phanh. Ngoài ra, lượng hợp đồng xuất khẩu đầu năm 2017 tăng khoảng 10%, trong khi sản lượng cá gối vụ phục vụ chế biến giảm mạnh khiến giá cá tra tăng mạnh.

Trung Quốc đang cực "khát" cá tra Việt Nam - 2

Chăm sóc cá tra tại Phú Túc (tỉnh Bến Tre). Ảnh: Đặng Hoàng

Đáng chú ý, giá cá nguyên liệu tăng cũng góp phần đẩy giá cá tra xuất khẩu không ngừng tăng. Theo VASEP giá cá tra bán ra tại thị trường châu Á trong tháng 2 đã ở mức trung bình 2,7 USD/kg và dự báo tiếp tục tăng trong tháng 4.2017, dự kiến dao động ở mức 2,8 - 3 USD/kg. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu cá tra của thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới.

Tại hai thị trường trọng điểm Hồng Kông và Trung Quốc, cá tra đang thiếu hụt nghiêm trọng do sản lượng tồn kho không còn. Riêng ở thị trường Mỹ, do doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu sản lượng cá tra xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này trong 2 tháng đầu năm 2017 cũng giảm 40% so với cùng kỳ năm 2016. 

Tuy nhiên, việc cá tra tăng giá khiến các chuyên gia lo nhiều hơn mừng. Lo vì bao năm nay, hễ giá cá tăng là nông dân đổ xô nuôi, còn thua lỗ, nợ nần họ lại treo ao. Do đó, trước thông tin giá cá tra nguyên liệu cũng như cá tra giống liên tục tăng, nông dân cần cẩn trọng khi quyết định nuôi, tránh chạy theo phong trào dẫn đến dư thừa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Hương (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN