Tiểu thương chật vật livestream bán hàng

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Đã gần 3 tháng kể từ khi Sở Công Thương TP. Đà Nẵng phối hợp Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam triển khai chuỗi hoạt động ứng dụng giải pháp thanh toán số và TMĐT trong chợ truyền thống, nhưng hoạt động livestream bán hàng của các tiểu thương chợ Cồn – nơi được chọn thí điểm – vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Lần đầu đứng livestream, bà Hoàng Thị Kim Anh (tiểu thương chợ Cồn, thứ 2 từ phải sang) lóng ngóng. Ảnh: Giang Thanh

Lần đầu đứng livestream, bà Hoàng Thị Kim Anh (tiểu thương chợ Cồn, thứ 2 từ phải sang) lóng ngóng. Ảnh: Giang Thanh

Tranh thủ chợ vắng, bà Trần Thị Thông (tiểu thương bán giày dép ở chợ Cồn) lấy điện thoại, mày mò đăng sản phẩm lên tài khoản TikTok Shop. “Hôm trước, tui đã chụp ảnh, đăng lên đây 10 sản phẩm, nhưng hôm ni vô lại không thấy đâu hết, không biết tại sao”, bà Thông nói.

Được hỗ trợ mở kênh bán hàng trên TikTok Shop, bà Thông tập tành thử các tính năng, đăng sản phẩm lên gian hàng để bán, tuy nhiên không dễ. “Tui lớn tuổi rồi nên gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ khi tiếp xúc với công nghệ, học chậm hơn các bạn trẻ, không giỏi ăn nói khi livestream”, bà Thông nói.

Bà Hoàng Thị Kim Anh (tiểu thương bán quần áo ở chợ Cồn) gặp khó khi mù mờ về công nghệ, ngại phải đứng nói trước điện thoại. Hơn nữa với mặt hàng quần áo, việc giới thiệu khá nhiêu khê, yêu cầu nhiều thông tin như màu sắc, kích thước 3 vòng, độ dài, chất liệu…

“Tui vừa bán sỉ vừa bán lẻ, quần áo mẫu mã rất nhiều. Chưa kể thông tin quá chi tiết, tui lại không thạo nên mất rất nhiều thời gian”, bà Anh kể.

Từ 2 - 3 năm trước, khi xu hướng mua bán trực tuyến lên ngôi do tác động của dịch COVID-19, bà Anh đã tập bán trên Zalo, chủ yếu phục vụ khách hàng cũ. Biết thêm về TikTok Shop, bà đánh liều đi học, tham gia các buổi workshop… nhưng đến giờ vẫn chưa dám đứng livestream lần nào, phần vì không sắp xếp được thời gian, phần vì ngại.

“Đứng với khách hàng, tui có thể nói chuyện, giới thiệu sản phẩm cả tiếng đồng hồ nhưng cứ bật điện thoại lên quay chụp là cứng họng, không nói năng lưu loát được”, bà Anh than thở.

Cầm tay chỉ việc

Theo ông Võ Văn Khanh, Chi hội trưởng Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, việc triển khai bán hàng livestream cho tiểu thương chợ truyền thống chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Điều này đã được đơn vị và Sở Công Thương Đà Nẵng lường trước, có phương án hỗ trợ.

Trước mắt, sau phiên Megalive ở chợ Cồn với sự tham gia của các Tiktoker nổi tiếng vào đầu tháng 6, VECOM tiếp tục hỗ trợ tiểu thương livestream ngay tại các ki ốt với sự trợ giúp của các nhà sáng tạo nội dung.

“Bà con tiểu thương có nhu cầu sẽ đăng ký, sau đó chúng tôi sẽ bố trí livestream ngay tại ki ốt của tiểu thương đó. Mỗi lần livestream ở mỗi ki ốt kéo dài khoảng 20 phút và bán 5 mã sản phẩm.

Tiktoker sẽ vừa livestream cùng tiểu thương, vừa hướng dẫn về cách nói chuyện, tương tác, bán hàng trên Tiktok Shop. Với cách hỗ trợ cầm tay chỉ việc như vậy, chúng tôi mong muốn các tiểu thương sẽ dần mạnh dạn, biết cách để tự tổ chức một phiên livestream ngay tại quầy hàng của mình”, ông Khanh nói.

Hoạt động livestream cùng TikToker sẽ tiếp tục được triển khai đến hết tháng 7, tần suất các phiên livestream phụ thuộc vào số lượng tiểu thương đăng ký. “Sau đó, chúng tôi sẽ tổng kết, rút kinh nghiệm để có phương án tiếp tục đồng hành tiểu thương hiệu quả nhất.

Trước mắt, đơn vị sẽ tập trung hỗ trợ ở chợ Cồn để tạo nhóm nòng cốt. Bên cạnh đó, bàn tư vấn kỹ thuật của VECOM sẽ đặt ở khu vực cổng chợ Cồn đến hết tháng 7, để hỗ trợ tối đa cho tiểu thương”, ông Khanh cho biết.

Nguồn: [Link nguồn]

Cơ quan chức năng sẽ có thêm nhiều giải pháp mới về công nghệ để kiểm soát, ngăn chặn các hành vi vi phạm về thương mại điện tử

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Giang Thanh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN