Tiêu hủy đàn heo, phạt tù khi sử dụng chất cấm

Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7 tới đây, những tội phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể lãnh mức án 20 năm tù, bị phạt tiền lên tới 1 tỷ. Người chăn nuôi heo đứng trước nguy cơ mất trắng và đàn heo sẽ bị tiêu huỷ nếu dùng chất cấm.

Tiêu hủy đàn heo, phạt tù khi sử dụng chất cấm - 1

Bộ NN & PTNT đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và Bộ Y tế để tiến tới đẩy lùi vấn nạn chất cấm trong chăn nuôi trong năm 2016

Quyết liệt ngăn chặn triệt để chất cấm trong chăn nuôi

Ngay từ năm 2015, trước tình trạng chất cấm diễn biến phức tạp, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch hành động cụ thể dựa trên 3 nền tảng chính: tăng cường công tác thanh – kiểm tra theo cách mới, bổ sung sửa đổi các quy định của pháp luật để phù hợp với tình hình thực tế và tuyên truyền để nâng cao hận thức của các cá nhân, đơn vị liên quan. Nhờ đó, về cơ bản, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.

Theo đó, từ tháng 11/2015, thanh tra Bộ NN&PTNN đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công An) thành lập nhiều chuyên án kiểm tra các trang trại và cơ sở chăn nuôi heo cả nước, điều tra và triệt phá hàng loạt đường dây buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. 

Tính đến tháng 12/2015, các cơ quan này đã phát hiện trên 40 cơ sở sử dụng thức ăn chăn nuôi với trên 100 mã sản phẩm có dấu hiệu vi phạm, tiến hành xử lí 18/40 trường hợp sử dụng chất cấm, xử phạt vi phạm hành chính trên 2,6 tỷ đồng. 

Đặc biệt, các đợt cao điểm thanh tra trước và sau Tết đã được thực hiện nghiêm túc tại các địa phương nhằm đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết. Chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi vào cuộc, các ban ngành đã cơ bản điều tra làm rõ và ngăn chặn được nguồn cung Sabultamol cho người chăn nuôi, tiến tới từng bước đẩy lùi vấn nạn này.

Với quyết tâm trong năm 2016 sẽ giải quyết dứt điểm tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, Bộ NN & PTNT và Bộ Y tế đã và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành một số văn bản pháp luật phù hợp hơn với tình hình thực tế. Bộ NN & PTNT đã chỉnh sửa kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật như thông tư về tiêu hủy, điều chỉnh mức xét nghiệm để dễ dàng hơn trong việc phát hiện chất cấm. Đáng chú ý, vào tháng 11.2015, các bộ ngành liên quan đã vào cuộc quyết liệt để kịp thời trình Quốc hội thông qua những điểm sửa đổi về chất cấm trong chăn nuôi trong Bộ luật Hình sự. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt tù đến 20 năm.

Hiện Bộ Y tế cũng đã kịp thời chỉ đạo đưa salbutamol vào danh mục “kiểm soát đặc biệt”, đồng thời đề xuất bổ sung các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác (ví dụ như Salbutamol trong ngành chăn nuôi) vào danh mục “thuốc phải kiểm soát đặc biệt” của Luật Dược sửa đổi.

Đại tá Trần Trọng Bình, Phó cục trưởng C49 cho biết trong thời gian từ nay đến tháng 7/2015 khi Bộ luật Hình sự sửa đổi chưa có hiệu lực, để quyết liệt đấu tranh với hành vi vi phạm về chất cấm, C49 phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT trên nguyên tắc bảo mật, sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thanh, kiểm tra đột xuất đối với các khu vực có nguy cơ sử dụng, buôn bán chất cấm cao, thậm chí áp dụng các biện pháp giám sát, kiểm tra đặc biệt với tần suất dày2.

Bộ NN&PTNN cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến luật theo cách thức mới: Khi thanh tra những lò mổ, nếu phát hiện có chất cấm sẽ mời các cơ quan báo đài vào quay hình để có phóng sự trực tiếp, tăng cao tính răn đe. Bên cạnh đó,  thông báo rộng rãi đường dây nóng của Bộ để người dân, cơ quan đoàn thể phối hợp báo tin về những cơ sở vi phạm.

Phát biểu tại Hội thảo “Chất cấm trong chăn nuôi: Thực trạng và giải pháp” do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 23-3 vừa qua về, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT nhấn mạnh: “Các bộ ngành phải đồng loạt vào cuộc truy quét những đối tượng vi phạm. Khi 63 tỉnh thành đều quyết tâm, cộng với sự phối hợp dọc – từ trung ương đến địa phương, phối hợp ngang Bộ NN&PTNN cùng Bộ Công an, Bộ Công thương và Bộ Y tế thì sẽ giải quyết được tận gốc thực trạng nhức nhối về chất cấm trong chăn nuôi”.

Bị phạt tù, nguy cơ mất trắng sản nghiệp khi heo có chất cấm bị tiêu hủy

Đại tá Trần Trọng Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho biết theo các quy định mới của Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016, các hành vi sử dụng chất tạo nạc cấm trong chăn nuôi sẽ được xếp vào khung xử lý hình sự thay vì hành chính như trước. 

Với Bộ luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7 với điều 317 nói riêng và điều 191, 193 nói chung nâng cao tối đa tính răn đe khi cấu thành phạt tù cơ bản 5 năm, nặng 20 năm, phạt tiền tới 1 tỷ. Người chăn nuôi không chỉ bị mất trắng sản nghiệp khi đàn heo có chất cấm bị tiêu huỷ mà còn bị phạt tù theo tình tiết tăng nặng”.

Tiêu hủy đàn heo, phạt tù khi sử dụng chất cấm - 2

Người chăn nuôi có nguy cơ mất trắng sản nghiệp vì heo vi phạm sẽ bị tiêu hủy, chưa kể còn phải đối mặt với các biện pháp hình sự

Theo Bộ Luật hình sự năm 2015, những tội phạm liên quan đến an toàn thực phẩm, đầu tiên, khoản 1 của các tội phạm này đều cấu thành hình thức. Tức là chỉ cần đưa hóa chất cấm không được sử dụng vào thực phẩm, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ và đưa vào thực phẩm thì đã đủ yếu tố để khẳng định đã phạm tội.

Tuy nhiên, các biện pháp như tiêu hủy đàn heo, xử lý hình sự là cần thiết, nhưng vẫn chỉ tập trung vào phần ngọn của vấn đề. Về lâu dài, các cơ quan quản lý và viện nghiên cứu trong nước cần chủ động lai tạo ra các giống heo nói riêng và vật nuôi nói chung có những ưu thế về tăng trọng, chất lượng để nông dân sản xuất có hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Tiền phong+)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN