Thực phẩm thiết yếu sắp tăng giá

Giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu được dự báo sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Trong khi đó, vật liệu xây dựng khó tăng giá do sức cầu yếu. Mặt hàng đường được dự báo sẽ giảm giá trong thời gian tới do nguồn cung dồi dào với “đóng góp” của đường nhập lậu.

Theo đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), thị trường giá cả 9 tháng qua đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.

Các vấn đề đáng chú ý được chỉ ra là khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khả năng hấp thụ vốn thấp, nợ xấu và tình trạng xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng chưa có chuyển biến tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng cao trở lại, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhập khẩu trang thiết bị, nguyên liệu phục vụ sản xuất giảm, sức mua của thị trường trong nước thấp, tồn kho của một số ngành còn ở mức cao.

Thực phẩm thiết yếu sắp tăng giá - 1

Chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại.

Bộ Tài chính dự báo, trong những tháng cuối năm, giá lúa gạo trong nước có khả năng tăng do nhu cầu xuất khẩu và nhu cầu dịp Tết tăng. Giá thực phẩm tươi sống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, khí hóa lỏng có xu hướng tăng trong thời gian tới, dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn...

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, giá thóc gạo ổn định so với cuối năm 2011. Hiệp hội lương thực Việt Nam cho biết, tính từ ngày 1/1 đến ngày 20/9, sản lượng gạo xuất khẩu đạt 5.436 triệu tấn, trị giá theo giá FOB là 2,41 tỷ USD, giá FOB bình quân đạt 443,4 USD/tấn. So với bình quân cùng kỳ năm 2011, sản lượng gạo xuất khẩu giảm 4,41%, trị giá FOB giảm 11,3%, giá bình quân giảm 34,3 USD/tấn.

Tính đến ngày 20/9, tồn kho gạo trên cả nước ước đạt 1,76 triệu tấn, chưa kể lượng tồn kho trong dân. Theo dự báo của Bộ Tài chính, giá thóc gạo trong nước thời gian tới có xu hướng tăng do tình hình xuất khẩu khả quan và nhu cầu tiêu dùng gạo cho dịp Tết cuối năm tăng.

Khác với lúa gạo, giá cả các loại thực phẩm tươi sống không ổn định trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, giá thịt lợn hơi và thịt gà ta có xu hướng giảm, trong khi giá thịt bò, thịt lợn có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng tăng khoảng 1,5% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong khi đó, những tháng gần đây, sản lượng thịt giảm do giá bán sản phẩm giảm nhiều, người chăn nuôi hạn chế đầu tư tái đàn.

Đáng lưu ý, lượng thịt nhập khẩu 8 tháng đầu năm giảm đến 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng thịt gia cầm nhập khẩu cũng giảm đáng kể, tổng lượng thịt nhập khẩu giảm 22,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Bộ Tài chính dự báo, trong những tháng tới, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu có thể tăng cao khi doanh nghiệp tăng mua các loại thực phẩm để sản xuất phục vụ Tết Nguyên Đán sắp tới.

Mặt hàng có tác động trực tiếp đến giá cả thực phẩm tươi sống là thức ăn chăn nuôi. Trong khi thực phẩm tươi sống giảm giá, thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ trong 3 tháng đầu năm, ổn định trong tháng 4 và tăng trở lại từ tháng 5 đến nay.

Cụ thể, số liệu của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá thức ăn chăn nuôi tháng 9/2012 đã tăng khoảng 150-600 đồng/kg so với tháng trước đó. Tính chung 9 tháng, giá thức ăn hỗn hợp cho gà tăng khoảng 310 – 358 đồng/kg, giá thức ăn hỗn hợp cho lợn tăng 55 – 1.030 đồng/kg.

Theo lý giải của Cục Quản lý giá, trong 3 tháng đầu năm, giá thức ăn chăn nuôi trong nước giảm nhẹ là do các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi đã dự trữ được một số nguyên liệu sản xuất với giá giảm 5-15% từ thời điểm cuối năm 2011.

Từ tháng 4 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi ổn định và tăng do giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới tăng. Đơn vị này cũng dự báo, trong thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi trong nước và thế giới có xu hướng tăng.

Trong khi đó, đường lại là một mặt hàng đã giảm và dự báo tiếp tục giảm trong thời gian tới. Nguyên nhân của tình trạng này là nguồn cung trong nước dồi dào và thị trường chịu sức ép từ nguồn hàng nhập lậu có giá rẻ hơn.

Đến ngày 24/9, sản lượng đường ép được là 200.697 tấn mía, sản xuất đạt 15.107 tấn đường. Tồn kho tại các nhà máy đường đến ngày 24/9 là 120.471 tấn. Trong khi đó, đường của Thái Lan tiếp tục được nhập lậu vào Việt Nam với giá rẻ hơn. Với lượng tồn kho này, cộng với 70.000 tấn đường được cấp phép nhập khẩu, nguồn cung hàng khá dồi dào, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ đường chậm. Do đó, giá đường được dự báo tiếp tục giảm nhẹ trong thời gian tới.

Thị trường vật liệu xây dựng có xu thế ổn định về giá. Hai mặt hàng chủ lực của thị trường này là xi măng và thép đều có nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu ở mức thấp. Theo tính toán của Hiệp hội Thép Việt Nam, ước lượng tổng sản lượng thép xây dựng được sản xuất trong 9 tháng đầu năm đạt 3.351.573 tấn, tổng mức thép tiêu thụ chỉ đạt mức 3.242.150 tấn. Do nhu cầu tiêu thụ thấp và chi phí nguyên, vật liệu đầu vào giảm nên một số công ty thép đã điều chỉnh giảm giá thép. Giá thép được dự báo ổn định trong những tháng cuối năm.

Tương tự với thép, mặt hàng xi măng cũng chịu tình trạng sức cầu bị hạn chế. Trong 9 tháng, tổng sản lượng sản xuất xi măng của toàn ngành đạt khoảng 34,11 triệu tấn, sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 34,034 triệu tấn. Giá xi măng đã được giữ ổn định trong 15 tháng qua kể từ lần điều chỉnh ngày 4/7/2011 do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu xây dựng giảm mạnh. Vì vậy, mặt hàng này được dự báo tiếp tục ổn định giá trong những tháng cuối năm nay. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hường (Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN