Nơm nớp lo tăng giá cuối năm

Mặc dù Bộ Tài chính có quyết định bác bỏ đề xuất tăng giá xăng dầu, được coi là tạm thời loại bỏ nguy cơ tăng giá. Tuy nhiên, không ai có thể đảm bảo giá xăng và điện sẽ không rủ nhau tăng tiếp. Nơm nớp nỗi lo tăng giá xăng và điện, kéo theo đó, các mặt hàng thiết yếu cũng nhấp nhổm tăng giá để… dự phòng khiến cho xu hướng tăng giá vào cuối năm đang hiện ra rõ mồn một.

Các mặt hàng thiết yếu nhấp nhổm đòi tăng giá

Đại diện hệ thống siêu thị Citimart cho biết đã nhận được đề nghị tăng giá của khoảng 100 nhà cung cấp ở các ngành hàng thực phẩm, chế biến, gia dụng, hóa mỹ phẩm bắt đầu từ đầu tháng 10. Mức đề nghị điều chỉnh tăng từ 5-10%. Không chỉ Citimart, nhiều siêu thị khác cũng đã nhận được thông báo tăng giá của các nhà cung cấp.

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá thực phẩm, rau xanh đã có nhúc nhích. Tại chợ Nghĩa Tân, Cầu Giấy, rau muống có giá 7000 đồng/mớ, dưa chuột 20.000 đồng/kg, tăng 5000 đồng. Các loại rau xanh khác đều tăng từ 1000-3000 đồng/kg tùy loại. Gà ta giá 125.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng. Cá rô đồng 135.000 đồng/kg, cá chép 90.000 đồng/kg…Chị Nguyễn Thị Liên, một tiểu thương cho biết: Thời gian vừa qua mưa nhiều nên rau bị thối, hỏng khiến nguồn cung khan hiếm. Các mặt hàng thực phẩm cũng tăng giá nhẹ. Chỉ có các mặt hàng thịt lợn, thịt bò vẫn tương đối ổn định.

Tại chợ Thành Công, giá thực phẩm cũng đã tăng ít nhiều. Lý giải về điều này, một người bán hàng cho biết giá thực phẩm đang chịu ảnh hưởng khi giá xăng dầu tăng lên. Mỗi khâu trung gian đều tự cộng thêm tiền cước vận chuyển. Đến chợ trải qua 4-5 khâu trung gian khiến giá đến tay người tiêu dùng tăng là điều dễ hiểu.

Chị Nguyễn Mai Hương, Đội Cấn, Ba Đình than thở: Giá xăng mới tăng cách đây ít lâu, giờ lại đề nghị tăng tiếp. Giá gas cũng tăng. Giá điện cũng sẽ tăng từ 1-10. Cuộc sống người dân vốn đã khó khăn, giờ lại càng thêm khó khăn. Theo tính toán, xăng, gas, điện cùng các mặt hàng thiết yếu cùng tăng sẽ làm chi phí gia đình đội thêm 1-2 triệu đồng. Đó là con số không nhỏ trong thời buổi quá chật vật như hiện nay.

Không chỉ người tiêu dùng, đứng trước áp lực một đợt tăng giá mới, những tiểu thương cũng rất lo lắng. Chị Nguyễn Bích Vân, bán thịt lợn tại chợ Nghĩa Tân cho biết trước đây một ngày trung bình bán được 60-70kg thịt thì nay chỉ còn 20-30kg. Người tiêu dùng không mạnh tay mua như đợt trước mà thường tính toán, chắt bóp.

Về phía các doanh nghiệp, khi được đề cập đến chuyện giá xăng, gas, điện có thể được điều chỉnh trong thời gian tới đều tỏ ra ngao ngán. Đại diện một doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cho biết: Hiện tại doanh nghiệp đã rất chật vật khi hàng tồn kho không bán được. Trong khi đó hàng tháng vẫn phải è cổ trả các khoản lãi ngân hàng, lương công nhân và các chi phí điện, nước, xăng dầu. Lần trước giá điện điều chỉnh tăng thêm 5% đã khiến công ty phải bù thêm 25 triệu tiền điện mỗi tháng. Việc tăng chi phí đầu vào sẽ khiến mặt bằng giá đầu ra phải tăng theo. Nhưng hiện tại hàng hóa đã rất khó bán rồi, nếu tăng nữa thì có thể còn đình đốn trầm trọng hơn.

Khi quyền tăng giá đã trao cho doanh nghiệp


Dường như cùng lúc khi DN xăng dầu đầu mối đòi tăng giá lần thứ 5 liên tiếp với mức cao nhất lên đến 1.300 đồng thì các DN gas cũng tuyên bố, họ sẽ phải tăng giá gas thêm 20.000 đồng sau khi đã có đợt tăng mạnh cuối tháng trước. Còn Bộ Công thương cũng cho biết, giá điện sẽ được tính toán lại vào ngày 1-10.

Mặc dù Bộ Tài chính có quyết định bác bỏ đề xuất tăng giá xăng dầu, tuy nhiên theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cũng cho rằng việc Bộ Tài chính bác đề xuất tăng giá xăng dầu của các DN đầu mối là một tin tốt đối với người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên không có nghĩa là trong thời gian tới, giá xăng sẽ lại không xin tăng tiếp khi mà quyền tăng giá đã giao cho doanh nghiệp.

Thời gian qua có thể thấy, việc các mặt hàng điện, xăng dầu dồn dập tăng giá dẫn đến một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tăng giá theo khiến sức mua hạn chế. Hậu quả, tình trạng đình đốn sản xuất, hàng tồn kho tăng cao diễn ra ở hầu hết các DN. Theo đó, lượng hàng tồn kho của ngành phổ biến ở mức 20 – 40%, thậm chí có những ngành tồn kho tới 60% lượng hàng hóa. Ông Vũ Vinh Phú đề nghị để tránh tình trạng sức mua lại suy giảm tiếp, hàng tồn kho của các DN sản xuất tăng cao cần phải minh bạch hơn trong cách tính giá xăng dầu. Đặc biệt, với các mặt hàng điện, gas, xăng dầu… Nhà nước cần tạo cơ chế cho nhiều DN tham gia để tạo ra thị trường cạnh tranh.

Xu hướng tăng giá cuối năm đã rõ rệt


Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong cho biết: Xu hướng tăng giá cuối năm đã rất rõ rệt. Thứ nhất nền kinh tế đang ở chu kỳ lên trở lại theo chu kỳ hình sin. Đáy là cuối quý 2, đầu quý 3, và giờ đang bắt đầu đi lên. Thứ hai là các chi phí đầu vào như xăng dầu, điện, nước, gas… đều tăng, làm tăng chi phí cho các doanh nghiệp, tạo ra giá đầu ra mới. Thứ 3 là chúng ta đang chứng kiến các chính sách chuyển từ áp lực thắt chặt sang lỏng dần.

Tăng giá luôn luôn là mối áp lực hay nói đúng hơn là sự đáng sợ cho Nhà nước và DN. Đối với doanh nghiệp thị trường đã khó lại càng khó. Thiếu lợi nhuận, thiếu các cơ hội, thậm chí có thể lại đình đốn, phá sản tiếp. Nhất là trong bối cảnh cuối năm, việc làm, sức mua, thu nhập chưa được cải thiện.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ sự lo lắng cho “sức khỏe” của các doanh nghiệp nếu tới đây giá điện lại tăng nữa, bởi hiện nay khó khăn đã quá nhiều. Nếu buộc phải tăng giá, ông đề nghị, kỳ này ngành điện phải giải trình rõ các chi phí sản xuất như thế nào, những cải tiến trong giảm tổn thất điện năng ra sao, rồi những cải tiến nâng cao hiệu quả quản lý?... Ông cũng cho rằng cần lập một hội đồng độc lập để thẩm định giá thành sản xuất điện và tất cả các yếu tố cấu thành giá điện của EVN.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cũng đề xuất việc xây dựng một bảng số liệu quốc gia để quản lý giá các mặt hàng “nhạy cảm” như điện, xăng dầu. Bảng số liệu ấy thể hiện cập nhật tất cả các yếu tố cấu thành nên giá điện, giá xăng dầu. Số liệu ấy được công bố công khai, để từ nhà quản lý, doanh nghiệp, cho tới người dân đều được biết. Khung giá này sẽ gồm giá sàn và giá trần, trong đó giá sàn là phần cứng và giá trần là phần mềm.

Giá sàn chuẩn sẽ là mức giá bán tối thiểu để doanh nghiệp kinh doanh điện và xăng dầu không bị lỗ. Giá trần là giá sàn cộng với phần mềm gồm các khoản lãi định mức của doanh nghiệp, nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN