Thu hút đầu tư nông nghiệp: Ngành lớn, DN siêu nhỏ

Làm thế nào để nông nghiệp hấp dẫn các nhà đầu tư trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng sau khi Việt Nam gia nhập TPP? Trao đổi với phóng viên, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, cần tính tới giải pháp đột phá, thống nhất từ chủ trương đến quá trình ban hành chính sách và triển khai thực hiện.

Xu hướng phát triển của nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới là gì, thưa ông?

Trong vòng 20 năm tới, nông nghiệp Việt Nam buộc phải phát triển theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có giá trị gia tăng cao và bền vững, dựa trên nền tảng hộ nông dân chuyên nghiệp, kinh tế hợp tác và doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp (DN) đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển chuỗi giá trị, gắn nông dân và HTX với thị trường, xây dựng các vùng chuyên canh quy mô lớn, nâng cao khả năng cạnh tranh, áp dụng công nghệ phù hợp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường về chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn cả về kinh tế, xã hội và môi trường...

Thu hút đầu tư nông nghiệp: Ngành lớn, DN siêu nhỏ - 1

Một trang trại bò sữa công nghệ cao

Thực tế là DN đầu tư vào nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất nhỏ? Trong xu thế hội nhập thì đây là khó khăn lớn, thưa ông?

Số DN đầu tư vào nông nghiệp hiện nay rất thấp, chỉ chiếm 1% tổng số DN của cả nước. Thêm vào đó, DN đầu tư vào nông nghiệp phần lớn là DN nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 95%, trong khi DN lớn chỉ chiếm 3,7% và DN quy mô vừa chỉ chiếm 1,32%. Trong thời gian gần đây, nhiều DN quy mô vừa phải giải thể hoặc ngừng hoạt động. Chỉ có các DN nhà nước lớn và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài tồn tại. Các DN tư nhân thường là quy mô nhỏ và siêu nhỏ thu hẹp quy mô hoặc hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, còn khoảng 3 triệu hộ kinh doanh cá thể trong khu vực nông thôn, không có đăng ký DN chính thức, chủ yếu tận dụng sức lao động gia đình, có quy mô vốn dưới 100 triệu đồng nhưng chưa được tận dụng hết tiềm năng phát triển.

Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc các địa phương muốn phát triển nông nghiệp thường không dư dả về ngân sách nên gặp rất nhiều khó khăn khi triển khai các chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp. Văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, không được điều chỉnh kịp thời nên khi triển khai thực hiện chính sách gặp khá nhiều vướng mắc. Chưa chú trọng đến vai trò của DN lớn trong việc nối kết DN vừa và nhỏ của địa phương để hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp.

Thu hút đầu tư nông nghiệp: Ngành lớn, DN siêu nhỏ - 2

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn 

Xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm

Vậy lời giải nào trước những khó khăn này, thưa ông?

Để đẩy mạnh việc thu hút đầu tư DN vào nông nghiệp cần tính tới giải pháp đột phá, thống nhất từ chủ trương đến quá trình ban hành chính sách và triển khai thực hiện. Đặc biệt, cần coi DN tư nhân là đầu tàu dẫn dắt, đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành chuỗi giá trị nông nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh phát triển DN vừa và nhỏ địa phương để làm cầu nối giữa nông dân chuyên nghiệp, hợp tác xã với các DN lớn, với thị trường.

Ưu tiên phát triển nhóm DN làm dịch vụ đầu vào, du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, DN chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến phụ phẩm, áp dụng công nghệ cao đối với các ngành hàng có lợi thế tại các vùng nông thôn. Xây dựng và vận hành các tổ chức đầu mối chuyên nghiệp, là tổ chức hợp tác công-tư, hoạt động theo cơ chế thị trường, cung cấp dịch vụ có chất lượng hỗ trợ các nhà đầu tư đối thoại giải quyết khó khăn vướng mắc, cung cấp thông tin về cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư.

Xây dựng quỹ tín dụng và cơ chế tín dụng riêng ưu tiên cho phát triển nông nghiệp nông thôn, ưu tiên hỗ trợ tín dụng cho các DN tư nhân lớn có liên kết áp dụng KHCN mới, sản xuất vật tư thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

Ngoài ra, cần xây dựng Quỹ đầu tư mạo hiểm theo hình thức đối tác công - tư, giao cho tổ chức quản lý quỹ chuyên nghiệp để phát triển DN khởi nghiệp, DN vừa và nhỏ trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cơ chế nghiên cứu khoa học do DN đặt hàng, cùng đầu tư, nghiệm thu, sử dụng và thương mại hóa kết quả. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức trung gian thương mại hóa sáng chế nhằm giúp tư vấn, hỗ trợ, liên kết, thực thi quyền bảo hộ sở hữu cũng như tư vấn lợi ích cho các bên. Xây dựng cơ chế đối tác công - tư trong thông tin, nghiên cứu, dự báo và phát triển thị trường nông nghiệp. Thông qua các hiệp hội ngành hàng, hỗ trợ xây dựng kho ngoại quan ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm, tạo điều kiện nâng cao giá trị gia tăng và vị thế của hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Cảm ơn ông.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Nhân - Nguyễn Trường (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN