Thị trường náo loạn vì hàng giả

Thời gian qua, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để trấn áp và triệt tiêu nạn hàng giả, hàng nhái. Tuy vậy, vẫn có không ít đối tượng kinh doanh bất chấp pháp luật, tung ra thị trường các loại hàng kém chất lượng nhằm đánh lừa người tiêu dùng, chiếm đoạt thành quả đầu tư của các đơn vị kinh doanh chân chính.

Có thể nói chợ ở các vùng ngoại thành, các cửa hàng vỉa hè là nơi hàng giả, hàng nhái có độ “phủ sóng” rộng nhất. Thông thường, sản phẩm làm giả có mẫu mã giống y như thật, từ vỏ hộp, màu sắc cho đến các thông tin trên bao bì song giá của nó rẻ hơn nhiều so với hàng thật. Nếu không phải là người sành sỏi, có kinh nghiệm, khách rất dễ mua nhầm hàng giả.

Thị trường náo loạn vì hàng giả - 1

Khu vực ngoại thành là nơi thực phẩm, bánh kẹo giả nhái xuất hiện nhiều (Ảnh minh họa)

Không chỉ các thương hiệu lớn của nước ngoài bị làm giả, nhiều nhãn hiệu trong nước có uy tín cũng trở thành nạn nhân của hàng giả, hàng nhái. Trên thị trường đã xuất hiện nhiều sản phẩm nhái in bao bì với những tên gọi nhái gần giống tên thương hiệu nổi tiếng như: nước rửa chén Vỹ Hảo (gần giống tên Mỹ Hảo), bánh kẹo Kim Đô (nhái tên Kinh Đô), bột giặt Mo Mo (nhái Omo)…

Thời gian gần đây, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh lương thực thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội có hành vi làm giả, làm nhái nhãn hiệu, bao bì sản phẩm hàng hóa.

Gần đây nhất, ngày 26-10 vừa qua, Đoàn Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CATP Hà Nội kiểm tra hành chính cơ sở kẹo lạc vừng Thành Phát, tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, phát hiện cơ sở này đang sản xuất, đóng gói sản phẩm kẹo lạc vừng mang nhãn hiệu “Kẹo lạc vừng Thành Phát & hình” nhái nhãn hiệu “Kẹo lạc vừng Sơn Lâm & hình” của Cơ sở Nguyễn Thanh Sơn ở ngõ 71 Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội. Đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định của Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ.

Để đẩy lùi hàng giả, tạo môi trường lành mạnh cho hàng Việt phát triển, doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc xác định hàng giả, chủ động cung cấp thông tin về sản phẩm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng trong việc phân biệt hàng thật, hàng giả. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý những doanh nghiệp không tham gia phối hợp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có biện pháp nâng cao uy tín thương hiệu nhằm thay đổi tâm lý “hàng ngoại mới là hàng tốt” của một bộ phận người dân Việt. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huệ Linh (An ninh Thủ đô)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN