Sức ép lớn từ thịt heo nhập khẩu

Lượng thịt heo nhập khẩu vẫn tăng đều theo từng tháng giữa bối cảnh nguồn cung trong nước dồi dào, giá bán xuống thấp

Theo Tổng cục Hải quan, tháng 10-2023, Việt Nam nhập khẩu 81.440 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt với trị giá 158,92 triệu USD, tăng 27,2% về lượng và tăng 7,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng thịt heo chiếm 14.400 tấn, trị giá 33,88 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 29,4% về trị giá.

Không ảnh hưởng nhiều (?!)

Theo Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, đây là tháng thứ 6 liên tiếp lượng thịt heo nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu thịt heo trung bình ở mức 2.352 USD/tấn (tương đương khoảng 56.500 đồng/kg, tăng 7,3% so với cùng kỳ).

Thịt heo nhập khẩu bán trên thị trường TP HCM

Thịt heo nhập khẩu bán trên thị trường TP HCM

Lũy kế 10 tháng năm 2023, cả nước nhập khẩu 95.400 tấn thịt heo, trị giá 239,37 triệu USD, tăng 7% về lượng và 26,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lượng thịt heo nhập khẩu trong 10 tháng năm 2023 chỉ chiếm khoảng 2,1% so với sản lượng thịt heo sản xuất trong nước. Do đó, thịt heo nhập khẩu không ảnh hưởng nhiều đến thị trường thịt heo trong nước.

Trên thị trường, giá heo hơi đang xoay quanh mức 50.000 đồng/kg trong khi giá thành chăn nuôi bình quân ở mức 55.000 - 57.000 đồng/kg (tính cả rủi ro dịch bệnh) nên các trại nuôi nhỏ lẻ tiếp tục bỏ đàn, chỉ những trại nuôi quy mô lớn, giá thành thấp mới trụ lại.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, nhận xét nhìn về số liệu thì đúng là lượng heo nhập khẩu chiếm dưới 5% sản xuất trong nước thì không thể ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu chỉ mới thống kê hàng nhập khẩu chính ngạch. 

"Còn thực tế có cả heo nhập lậu từ Lào, Campuchia, Thái Lan đã từng được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Ngoài ra, khi heo nuôi trong nước đã đủ cung cấp cho thị trường mà hàng nhập khẩu vẫn đổ về, dù tỉ trọng ít cũng khiến mặt bằng giá xuống thấp" - TS Đạt nêu.

Áp lực cạnh tranh ngày càng tăng

Theo chuyên gia này, ngành chăn nuôi heo năm nay khó khăn, giá bán thường xuyên dưới giá thành do sức mua yếu. Các trại nuôi cũng rất vất vả trong phòng chống dịch bệnh, chủ yếu là tả heo châu Phi gây ra hao hụt lớn, đẩy giá thành tăng cao. Đặc biệt, hiện thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng thịt heo đã về 0% và chỉ 2 năm nữa gần như toàn bộ chủng loại heo nhập khẩu sẽ về 0% nên sức ép cạnh tranh rất lớn. 

"Chúng ta cần chặn đứng nguồn thịt heo nhập lậu. Đối với hàng nhập khẩu chính ngạch cũng cần có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước và người tiêu dùng. Hiện tại, tình trạng thịt heo đông lạnh không được kiểm soát về hạn sử dụng hay rã đông bán như hàng tươi tiềm ẩn rủi ro mất an toàn thực phẩm" - TS Đạt nêu.

Giám đốc một nhà máy chế biến thực phẩm tại Bình Dương cho hay đang mua song song thịt heo nhập khẩu và thịt heo trong nước vì giá hầu như bằng nhau. Những mặt hàng nhà máy này thường xuyên mua là: nạc (đùi, vai), ba rọi, chân giò, mỡ và da. 

"Thịt heo trong nước khi mua phải đưa vào chế biến trong ngày, giúp sản phẩm ngon hơn nhưng điểm yếu là không dự trữ được vì sẽ xuống chất lượng. Nhìn chung, ngành thịt heo trong nước dù có cải thiện nhưng so với các nước phát triển về giá thành, công nghệ pha lóc, bảo quản thịt heo vẫn chưa bằng hàng nhập khẩu" - giám đốc nhà máy này nhận xét. 

Nguồn: [Link nguồn]

Lo ngại dịch, người dân 'né' thịt lợn

Tâm lý e ngại dịch tả lợn châu Phi, người tiêu dùng ở Nghệ An giảm mua thịt lợn, gây khó khăn cho bà con tiểu thương cũng như người chăn nuôi lợn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo NGỌC ÁNH ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN