Sản lượng đường vượt nhu cầu đến 300.000 tấn

Tính đến nay, hầu như các nhà máy mía đường của Việt Nam đã ngưng hoạt động, vì đã hết vụ mía 2012-2013 và sản lượng đường vào khoảng 1,55 triệu tấn, tăng hơn kế hoạch dự kiến khoảng 50.000 tấn mà Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đưa ra từ đầu vụ và tăng hơn 300.000 tấn so với vụ trước.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, cho biết sản lượng đường này đủ đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và còn dư khoảng 300.000 tấn. Tuy nhiên, do ở các tỉnh phía Nam, lượng đường bán trên thị trường chủ yếu là đường lậu nên ảnh hưởng đến giá bán đường của các nhà máy.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 5 giá đường bán tại các nhà máy chỉ dao động ở mức từ 13.500 đồng/kg đến 14.500 đồng/kg, trong khi giá đường của thời điểm này năm 2012 là 16.800- 17.000 đồng/kg.

VSSA cho biết, hiện lượng đường tồn kho tại các nhà máy và doanh nghiệp thương mại vào khoảng 600.000 tấn, và với mức tiêu thụ bình quân mỗi tháng vào khoảng 100.000 tấn thì đến vụ mía mới (vào đầu tháng 10-2013) sẽ có khoảng 200.000 tấn đường còn tồn kho, đó là chưa kể lượng đường nhập lậu từ Thái Lan.

Sản lượng đường vượt nhu cầu đến 300.000 tấn - 1

Người dân đang vận chuyển mía. Ảnh: TC.

Để hỗ trợ giá đường, cách đây hơn 2 tháng Bộ Công Thương đã cho phép xuất khẩu khoảng 200.000 tấn đường. Tuy nhiên, tính đến nay, theo thống kê của VSSA thì lượng đường xuất khẩu khoảng 41.000 tấn.

Trong niên vụ 2012-2013, các nhà máy mua mía nguyên liệu theo giá đường với công thức tổng giá trị 60kg đường (bán tại nhà máy) tương đương 1 tấn mía nguyên liệu 10 chữ đường (CCS). Do đó, giá đường bán ra tại nhà máy thấp nên giá mua mía nguyên liệu cũng thấp theo.

Báo cáo sơ bộ của VSSA cho biết, do giá đường bán tại nhà máy chỉ ở mức trên dưới 14.000 đồng nên hầu như các nhà máy mía đường ở khu vực ĐBSCL trong vụ mía 2012-2013 đều thua lỗ.

Vì vậy, những tỉnh có diện tích trồng mía cung cấp cho các nhà máy ở ĐBSCL như Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, nhiều người dân đã chuyển một phần diện tích trồng mía sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Ghi nhận ban đầu của VSSA đã có khoảng 1.500 héc ta trồng mía ở ba tỉnh trên đã chuyển sang trồng cây trồng khác. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Hùng (Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN