Lo ngại giá đường lại bị thao túng

Việc Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu đường tiểu ngạch sẽ mở lối thoát cho đường tồn kho, giúp giảm áp lực làm giá đường trong nước tăng lên. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp đường, đường tồn kho giảm chưa chắc giá đường sẽ tăng vì khi đó đường nhập lậu Thái Lan sẽ ồ ạt tràn vào làm thao túng thị trường.

Để giải quyết các khó khăn mà ngành đường đang gặp do tiêu thụ chậm, giá xuống thấp, tồn kho lớn, đường nhập lậu tràn ngập, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã có Văn bản số 55 đề nghị cho phép xuất khẩu mặt hàng đường để giải quyết khó khăn do tồn kho quá lớn.

Văn phòng Chính phủ đã có công văn chỉ thị các Bộ liên quan xử lý trả lời Thủ tướng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn trình Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo các Bộ giải quyết. Sau đó VSSA lại có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị tiếp việc cấp bách là xuất khẩu đường. Văn phòng Chính phủ lại có công văn chỉ đạo tiếp. Nhưng Bộ Công Thương vẫn chưa thông báo cơ chế cho xuất như thế nào.

Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VSSA, tuy có thông tin ngày 4/3, Bộ Công Thương đã đồng ý cho xuất đường tiểu ngạch nhưng đến này VSSA vẫn chưa nhận được thông báo cụ thể. Nếu đúng như vậy thì đây là một tin vui. Vì chưa biết Bộ này cho xuất như thế nào nên VSSA vẫn chờ đợi. Mặc dù chưa được phép xuất tiểu ngạch nhưng lâu nay doanh nghiệp vẫn lén lút đưa đường qua biên giới.

Hình thức này hạn chế vì khối lượng đường xuất rất ít và các doanh nghiệp Trung Quốc biết được khó khăn này nên ra sức ép giá. Đồng thời doanh nghiệp phải chi tiền “làm luật” nên gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém. Do vậy họ quay lại giảm giá mua đường ở các nhà máy.

Lo ngại giá đường lại bị thao túng - 1

Lâu nay tình trạng nhập lậu đường diễn ra công khai nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng mỗi năm chỉ bắt được có vài trăm tấn đường lậu/năm?

Hiện giá đường tại biên giới phía Bắc là 13.900 đồng/kg, giảm từ 300 – 500 đồng/kg so với trước Tết. Nếu được phép xuất thì các bất cập trên sẽ không còn và giúp cho giá đường xuất khẩu tăng lên.

Ông Cổ Trí Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng cho biết, Công ty xuất đợt cuối cùng hồi giáp Tết giá đường là 14.200 đồng/kg, nhưng hiện nay các công ty thương mại mua đường của các nhà máy để xuất ra Bắc chỉ còn 13.900 đồng/kg.

Với giá này các nhà máy đường ở miền Trung có thể bán được còn các nhà máy đường ở ĐBSCL do phải mất tiền vận chuyển trên dưới 400đ/kg, tính ra đường chỉ còn 13.500đ/kg. Mức giá này các nhà máy đường đã lỗ trầm trọng nên họ không dám xuất.

“Nếu Bộ Công Thương cho phép xuất tiểu ngạch liệu sẽ có tác động gì đến giá đường trong nước hay không, hiện vẫn chưa thể đoán được. Nhưng trong trường hợp cho xuất với số lượng lớn thì đường tồn kho trong nước sẽ giảm, khi đó đường Thái Lan nhập lậu lập tức tràn vào nội địa thao túng thị trường, gây thiệt hại cho ngành mía đường còn Nhà nước thì thất thu thuế. Hiện nay, hầu hết các nhà máy đường vẫn tiếp tục ép là làm vì nghĩa vụ chứ họ đều cảm thấy oải lắm”, ông Dũng nói.

Theo ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA, nguyên nhân khiến đường tồn kho lớn là do mức tiêu thụ không tăng trong khi sản xuất tăng. Đến nay vẫn còn là thời gian chính vụ, sản xuất nhiều, tồn kho tới ngày 5/3/2013 là 392.162 tấn tại các nhà máy đường và trong vài công ty thương mại thuộc VSSA là 22.700 tấn, chưa kể tồn kho trong lưu thông phân phối ở thị trường.

Nhưng nguyên nhân chính vẫn do bất cập trong chính sách điều hành hiện nay là chống buôn lậu và gian lận thương mại (tạm nhập tái xuất, quản lý khu kinh tế mở kém để bị lợi dụng,...) kém hiệu quả khiến đường lậu và gian lận thương mại (tạm nhập - tái xuất) hoành hành.

Cơ chế điều hành xuất nhập khẩu chưa phù hợp yêu cầu và chưa sát tình hình thực tế. Theo điều tra sơ bộ tình hình thị trường cho thấy, số lượng nhập lậu ngày càng tăng, hiện nay có thể lên đến hơn 400.000 tấn/ năm, vì nhập lậu nên giá bán thấp hơn so với đường sản xuất trong nước làm cho giá đường trong nước xuống theo, trong khi giá mía vẫn được các nhà máy đường duy trì ở mức tốt cho nông dân theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và VSSA.

Theo các doanh nghiệp mía đường, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.000 tấn đường nhập lậu vào nội địa, như vậy 1 năm có khoảng 300.000 - 400.000 tấn đường thao túng thị trường đường, vì giá đường của Thái Lan luôn bán thấp hơn giá đường trong nước khoảng 500 đồng/kg.

Lâu nay tình trạng nhập lậu đường diễn ra công khai nhưng không hiểu sao các cơ quan chức năng mỗi năm chỉ bắt được có vài trăm tấn đường lậu/năm? Với 300.000 - 400.000 tấn đường nhập lậu, ngân sách Nhà nước thất thu ít nhất 650 tỷ đồng/năm, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ngoài ra, nông dân trồng mía cũng là người chịu thiệt hại nặng do ngành đường trong nước không cạnh tranh lại đường Thái Lan nhập lậu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Trí (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN