Rau Đà Lạt: Vàng thau lẫn lộn

Hiện sản phẩm rau Đà Lạt đang phải cạnh tranh không sòng phẳng với một số mặt hàng cùng loại của Trung Quốc - những sản phẩm mà ai cũng thấy rất kém chất lượng.

Rau Đà Lạt (Lâm Đồng) vốn rất nổi tiếng với vùng chuyên canh hơn 40.000ha, cho sản lượng mỗi năm khoảng 1,2 triệu tấn; và càng nổi tiếng hơn khi nông sản này của Đà Lạt đã được cấp nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt”.

Gần đây, cùng với việc công bố nhãn hiệu độc quyền “Rau Đà Lạt”, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường việc kiểm soát chất lượng sản phẩm rau Đà Lạt, trong đó có giải pháp về kiểm soát xuất xứ nguồn gốc của sản phẩm trước khi đưa ra tiêu thụ ở các thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, hiện sản phẩm rau Đà Lạt đang phải cạnh tranh không sòng phẳng với một số mặt hàng cùng loại của Trung Quốc – những sản phẩm mà ai cũng thấy rất kém chất lượng. Cụ thể, vài năm trước, 2 mặt hàng khoai tây và dâu tây của Trung Quốc nhập về Đà Lạt từng làm điêu đứng nhà vườn của Đà Lạt. Rồi gần đây, thứ nông sản mang nhãn mác “Rau Đà Lạt” còn có cả hành tây, cà rốt, bắp cải…

Hiện nay, hiện tượng rau củ của Trung Quốc có phun “chất ướp xác” (formaldehyde – chất có thể gây ung thư) khiến dư luận không chỉ ở Việt Nam đặc biệt quan tâm và lo ngại; trong đó, người dân ở vùng rau nổi tiếng Đà Lạt càng trở nên bức xúc.

Rau Đà Lạt: Vàng thau lẫn lộn - 1

Khoai tây Trung Quốc được nhập về rồi phơi khô, bôi đất đỏ thành “Khoai tây Đà Lạt”

Ngay cả đối với người tiêu dùng bình thường ở Đà Lạt cũng đã phải lên tiếng phản đối mạnh mẽ hiện tượng nhập sản phẩm rau củ của Trung Quốc về rồi gắn nhãn mác “Rau Đà Lạt” để tiêu thụ.

Bởi vậy, việc tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát nguồn xuất xứ rau Đà Lạt trước khi đưa ra thị trường trong và ngoài nước là một trong những yêu cầu bức bách hiện tại đối với cơ quan hữu trách nhằm tránh tình trạng vàng thau lẫn lộn và giữ vững thương hiệu “Rau Đà Lạt”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Khắc Dũng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN