“Quản lý thị trường kém từ đầu nhiệm kỳ đến nay”

“Phân bón giả, thuốc trừ sâu giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan. Thế mà lúc nào Bộ trưởng cũng nói “Quyết liệt, quyết liệt” nhưng mọi việc vẫn như cũ, chưa khắc phục được…”.

Đây là ý kiến chất vấn của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) với Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng trong phiên hỏi và trả lời chất vấn Quốc hội chiều nay (16.11).

Ông Thuyền ghi nhận, trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có nhiều thành tích trong việc phát triển thị trường nhưng trong lĩnh vực quản lý thị trường thì “kém từ đầu nhiệm kỳ đến nay”. “Cử tri rất bức xúc. Phân bón, vật tư nông nghiệp làm giả tràn lan. Bộ trưởng nói “Quyết liệt, quyết liệt” nhưng sau đó mọi việc vẫn như cũ. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu và Bộ Công Thương có giải pháp gì để ngăn chặn trong thời gian tới?” – ông Thuyền đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, ĐBQH Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cũng cho rằng, hiện nay, người nông dân vô cùng bức xúc trước tình trạng phân bón, vật tư nông nghiệp bị làm giả tràn lan gây thiệt hại cho sản xuất; chất cấm cũng bày bán và tiêu thụ một cách vô tội vạ. Trong khi đó các biện pháp đấu tranh phòng chống gian lận, tình trạng xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng chưa nghiêm. Không chỉ hàng giả với vật tư nông nghiệp mà với nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu thì hàng giả cũng ngày càng “sôi động”. Bộ Công Thương phải làm thế nào để đối phó với tình trạng này?

Trả lời về những vấn đề mà các ĐBQH nêu, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận: Quản lý thị trường hiện đang là vấn đề không chỉ gây bức xúc với người tiêu dùng mà còn cả với bản thân Bộ trưởng cũng như toàn ngành Công Thương. “Mặc dù đã rất cố gắng nhưng ngành Công Thương vẫn chưa làm được nhiều trong việc ngăn chặn hàng giả, hàng lậu” - Bộ trưởng Hoàng nhận khuyết điểm.

“Quản lý thị trường kém từ đầu nhiệm kỳ đến nay” - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Theo Bộ trưởng Hoàng, mặc dù qua mỗi năm, thống kê về các vụ xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng nói chung đều tăng mạnh so với năm trước về số lượng, quy mô cũng như giá trị nhưng tổng thể tình hình thì hàng giả, kém chất lượng vẫn không thay đổi nhiều.

Nguyên nhân theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bên cạnh những hạn chế của lực lượng quản lý thị trường, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan cũng đến từ nhiều nguyên nhân khách quan khác. “Hàng giả hiện có tỷ suất lợi nhuận rất cao nên ngày càng có nhiều đối tượng tham gia hoạt động khiến cho thị trường này ngày một phát triển. Bên cạnh đó đường biên giới trên bộ của Việt Nam dài nên tình trạng buôn lậu phức tạp khó kiểm soát. Không chỉ vậy, nhiều người tiêu dùng trong nước còn có tâm lý "sính" hàng ngoại dù đó là hàng kém chất lượng từ đó khiến hàng nhái các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng có thể phát triển" - Bộ trưởng Hoàng nhìn nhận.

Bộ trưởng Hoàng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành nâng cao năng lực, trách nhiệm của lực lượng quản lý thị trường, báo cáo Chính phủ điều chỉnh một số quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của Chính phủ về xử phạt hành chính có liên quan tới gian lận thương mại, qua đó tăng sức răn đe và xử lý nặng đối với các hành vi này.

“Chúng tôi cam kết sẽ xử lý nghiêm nếu nhận được những phản ánh về tình trạng hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng từ người dân hay từ báo chí. Bởi những phát hiện của người dân, lực lượng báo chí về hàng giả là vô cùng quan trọng đối với công tác quản lý thị trường” - người đứng đầu ngành Công Thương khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN