Phá mía, nuôi tôm: Đánh cược với rủi ro

Tôm có giá cao vì nhiều nước vẫn mất mùa tôm do dịch bệnh, trong khi giá mía xuống thấp nên nông dân ĐBSCL đang rầm rộ phá mía đào ao nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch, ẩn chứa nhiều rủi ro lớn.

Mía lỗ nặng

Ông Nguyễn Hoàng Phục ở ấp Phạm Thành Hơn, xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng) vừa phá 4.500 m2 mía để đào ao nuôi tôm vì “trồng mía lỗ nặng quá”. Ông kể, một héc-ta trồng mía, chi phí 75 triệu đồng nhưng bán chỉ được 40 triệu đồng.

Huyện Cù Lao Dung là vùng mía nguyên liệu lớn của tỉnh Sóc Trăng, hơn 8.200 ha và không có ruộng lúa, trồng mía là ngành kinh tế chính từ lâu đời. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồ Thanh Kiệt cho biết, huyện đã tổ chức ký bao tiêu cây mía với 4 nhà máy đường, giá sàn 850 đồng/kg, tuy nhiên do các nhà máy đường cũng khó khăn nên đôi lúc làm khó nông dân. Ông nông dân Nguyễn Hoàng Phục nói cụ thể, giá sàn ký vậy nhưng có nhiều cách trừ đầu trừ đuôi với đánh giá chữ đường nọ kia, bán tại ruộng hiện chỉ được 750 đồng/kg.

Phá mía, nuôi tôm: Đánh cược với rủi ro - 1

Phá mía, nuôi tôm: Đánh cược với rủi ro - 2

Phá mía đào ao nuôi tôm ở xã An Thạnh 2 (Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Ảnh: Sáu Nghệ

Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Bé Tư tính toán, giá đó thấp hơn niên vụ trước 20 - 25%. Xứ sở trồng mía truyền thống nên năng suất khá cao, trên dưới 100 tấn/ha, nhưng vì giá bán thấp nên theo Phó chủ tịch Tư, năng suất từ 100 tấn/ha trở lên mới có lời, còn dưới là lỗ. Năng suất cao nhất cũng chỉ lời chừng 30 triệu đồng/ha, trong lúc nuôi tôm lời đến 700 triệu đồng/ha nên không ngăn được người dân phá mía đào ao nuôi tôm.

“Đầu năm 2014, nông dân đã phá hơn 200 ha mía để đào ao nuôi tôm và nay vẫn tiếp tục. Chắc phải hàng trăm héc-ta nữa mới có thể tạm dừng. Năm 2013, nông dân đã phá hơn 100 ha mía để đào ao nuôi tôm rồi”, Phó chủ tịch Tư nói. Quy hoạch cho cây mía của huyện Cù Lao Dung, ổn định 8.000 ha coi như đã bị phá vỡ từ đầu năm nay.

Ở tỉnh Trà Vinh, theo Sở NN&PTNT, người dân cũng đã phá 300 ha mía để đào ao nuôi tôm, trong tổng diện tích khoảng 6.000 ha mía. Cho dù Phó giám đốc Cty Mía đường Trà Vinh, ông Nguyễn Thái Hòa, lo lắng thiếu nguyên liệu thì tình trạng phá mía đào ao nuôi tôm vẫn chưa dừng lại.

Rủi ro

Ông Phục đã dốc hết vốn liếng 170 triệu đồng, tích luỹ trong nhiều năm trồng mía có lời, từ hồi rời quân ngũ trở về cho việc phá mía đào ao. Để nuôi được tôm, còn phải đầu tư nhiều tiền bạc nữa, từ xử lý ao đến mua tôm giống và thức ăn cho tôm. “Thấy đứa em nuôi tôm có lời nên tôi học theo, chứ cũng không biết làm gì nữa, nhà nông chẳng lẽ ngồi không chịu chết?”, ông Phục cười buồn.

Những nông dân đang hăm hở phá mía đào ao nuôi tôm, có chung tâm trạng phập phồng lo lắng. Lo nhất là giá tôm, nếu các nước khác hết bị dịch bệnh mà tăng được sản lượng tôm, giá tôm thế giới tụt giảm như năm 2007 từng làm nhiều người sạt nghiệp, thì khi đó muốn trở lại trồng mía cũng khó khăn.

Phá mía, nuôi tôm: Đánh cược với rủi ro - 3

Thu hoạch tôm công nghiệp

Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung, ông Trần Văn Hòa, đang cùng một cán bộ trong huyện chung vốn đào ao nuôi tôm nhưng là đất mướn nên càng lo hơn. Chủ tịch Hòa tâm sự: “Chúng tôi mướn 0,6 ha, trong 4 năm, giá mướn mỗi năm tính ra 40 triệu đồng/ha. Với nông dân thì cho mướn đất lời hơn giữ lại để trực tiếp trồng mía, còn chúng tôi nếu nuôi tôm được giá như hiện nay, sau một năm đã có lời còn nếu giá giảm thì chưa biết thế nào, nên đang rất lo lắng”.

Đặc biệt, diện tích mở rộng hiện nay đều nuôi tôm thẻ chân trắng, trong lúc, giống tôm này nước ta chưa chủ động được. Tất cả tôm thẻ chân trắng bố mẹ đều phải nhập khẩu, phần lớn lại nhập từ các nước đang có dịch bệnh. Thêm nữa, nuôi tôm thẻ chân trắng phải mật độ dày mới có lời, cần sản lượng điện rất lớn để chạy cánh quạt sục khí thường xuyên, mà ở nhiều vùng nuôi tôm chưa thể đáp ứng.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thủy sản, những năm qua, năng suất tôm nuôi trên cả nước còn liên tục giảm. Năm 2013 so với năm 2011, năng suất tôm thẻ chân trắng giảm đến 20,6% (tôm sú giảm 11,8%). Dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng bước đầu được khống chế, có giảm nhưng vẫn tỷ lệ cao. Năm 2012 chiếm 18,5% diện tích, năm 2013 vẫn còn gần 17,3%. Trong lúc, theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay “kiểm dịch nhiều nơi còn mang tính hình thức”.

Tôm công nghiệp phá vỡ quy hoạch

Từ TP Cà Mau về các huyện ven biển Cái Nước, Phú Tân, Trần Văn Thời, Đầm Dơi...ao nuôi tôm công nghiệp nối tiếp, tiếng quạt nước, đèn điện sáng rực vào ban đêm. Men theo vùng đất ven sông Ông Đốc (Trần Văn Thời), Bảy Háp (Phú Tân), Mương Điều (Đầm Dơi)...rất dễ nhìn thấy xáng cạp phá vườn tạp, đào ao nuôi tôm.

Ông Cao Văn Kiệt, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Lợi An (Trần Văn Thời) cho biết, xã Lợi An được qui hoạch vùng nuôi tôm tập trung nhưng đã vượt qui hoạch. Khoảng 3 năm trở lại đây, bà con nuôi tôm nhiều, phần lớn nuôi tôm thẻ chân trắng.

Câu chuyện nuôi tôm công nghiệp có quá nhiều thăng trầm. Có lúc, tôm thẻ chân trắng bị cấm nuôi, rồi lại qui hoạch vùng nuôi riêng. Nhưng rồi tôm thẻ chân trắng lại tung tăng không ai có thể qui hoạch, cấm đoán vì hiệu quả kinh tế mang lại. Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương rà soát, đề xuất trước ngày 20/2 để chỉ đạo việc nuôi tôm bùng phát hiện nay.

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hội nghề cá Cà Mau nói: “Đa số những người nuôi tự phát, tôm thẻ chân trắng trúng mùa đều ở những vùng nằm ngoài quy hoạch, đất mới. Tuy nhiên, những vụ nuôi tiếp theo thì sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro do nuôi không đúng quy trình, dịch bệnh phát sinh, đất và nguồn nước bị ô nhiễm…”.

Nguyễn Tiến Hưng

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sáu Nghệ (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN