Nữ cao thủ kể chuyện ly kỳ vào rừng săn đặc sản trứng kiến cực lạ

Sự kiện: Đắt - Độc - Lạ

Cứ vào khoảng tháng 3 đến tháng 6 dương lịch, người dân tộc Thái sinh sống ở bản Sạn (xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) bắt đầu săn trứng kiến làm các món đặc sản hấp dẫn.

Trao đổi với PV Dân Việt về cách nhận biết tổ kiến, chị Hà Thị Thắm, bản Sạn, xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, cho biết: Kiến đen đẻ trứng quanh năm, nhưng thời điểm trứng kiến to và béo ngậy nhất là từ tháng 3 – 6 dương lịch. Loài kiến này rất thích làm tổ trên cành cây luồng, cây gỗ ở rừng, người săn kiến lành nghề chỉ cần nhìn tổ sốp bạc màu, vỏ tổ kiến không xuất hiện màu đen sậm là trứng đã nở hết thành con thì không lấy được trứng, còn tổ nào có màu đen sậm, cành cây hơi trĩu thì chắc chắn trứng kiến nhiều. Nơi nào ít hơi người lui tới, không mùi thuốc trừ sâu, đốt phá… là nơi kiến tụ tập về làm tổ, đẻ trứng to hơn những nơi khác. Khi săn bắt xong 1 tổ kiến, phải mất hơn tháng tổ kiến mới hồi sinh và tạo ra lứa trứng mới, nắm được quy luật này mới thu hoạch được mẻ trứng ngon nhất.

Nữ cao thủ kể chuyện ly kỳ vào rừng săn đặc sản trứng kiến cực lạ - 1

Chị Hà Thị Thắm thường săn bắt trứng kiến vào những ngày nắng nóng.

“Tôi săn bắt trứng kiến vào những ngày nắng, vì khi hạ tổ kiến xuống mà gặp nắng to, kiến sẽ tản ra ngoài, nên dễ dàng lấy trứng. Còn nếu trời mưa, kiến sẽ nằm bên trong tổ, rất khó lấy trứng. Tuy nhiên, không phải loài kiến nào cũng có thể lấy trứng, mà phải loại kiến đen làm tổ ở các ngọn cây cao hoặc kiến vàng thì trứng mới thơm và ngậy. Khi lấy trứng  kiến ra ngoài, đòi hỏi người săn kiến phải khéo léo, nhẹ nhàng, phải hiểu rõ về tập tính của loài kiến.  Nếu không sẽ bị chúng bám vào người và đốt khắp nơi, bởi loài kiến này đốt rất đau”- chị Hà Thị Thắm chia sẻ.

Nữ cao thủ kể chuyện ly kỳ vào rừng săn đặc sản trứng kiến cực lạ - 2

Loài kiến đen rất thích làm tổ trên cành cây luồng, cây gỗ ở rừng.

Theo kinh nghiệm chị Thắm: Khi tìm thấy tổ kiến, người săn phải nhanh nhẹn chèo lên cây dùng dao chặt nhanh cành cây kiến làm tổ. Sau đó chọn nơi đất bằng, quang đặt tổ kiến; tiếp theo tìm lá khoai rừng và ngọn cây chít về, rồi dùng dao chặt đôi tổ kiến ra, dùng ngọn cây chít quét đều kiến ra ngoài để chánh làm dập nát trứng kiến. Bước tiếp theo, cầm sống dao gõ vào tổ kiến đã chặt đôi, từng hạt trứng trắng như hạt gạo, căng mọng rơi xuống lá khoai rừng đặt sẵn trước đó.

Nữ cao thủ kể chuyện ly kỳ vào rừng săn đặc sản trứng kiến cực lạ - 3

Từng hạt trứng trắng như hạt gạo được chị Thắm săn bắt trên rừng.

Giữa trời nắng gắt, tôi được tận mắt nhìn thấy lũ kiến hung dữ tản ra tấn công, chị Hà Thị Thắm thì liên tục khua tay đuổi những con kiến đang cắn khắp người, tay vẫn cố giữ nguyên cây vợt để tất cả trứng kiến được thu gom một cách trọn vẹn. Chị Thắm luôn miệng cười vui sướng với thành quả mình thu được. Khoảng 20 phút, những tép trứng kiến trắng đã được chị sàng lọc tạp chất, nằm gọn trong chiếc trong túi nilon mà chị đã chuẩn bị sẵn trong hành trình săn bắt trứng kiến.

Nữ cao thủ kể chuyện ly kỳ vào rừng săn đặc sản trứng kiến cực lạ - 4

Nữ cao thủ kể chuyện ly kỳ vào rừng săn đặc sản trứng kiến cực lạ - 5

Chị Thắm thường dùng ngọn cây chít để loại bỏ kiến ra ngoài, tránh làm trứng kiến bị dập nát.

Trứng kiến là sản vật ngon, độc lạ, bổ dưỡng, nhưng rất hiếm không phải ai cũng may mắn mua được. Trứng kiến được người Thái bản Sạn gọi là “lộc rừng”, bởi chúng đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho họ vào những lúc nông nhàn, không phải làm việc nương rẫy và đồng áng. Trứng kiến có thể chế biến các món ăn như: Làm bánh, xôi, nem trứng kiến, nấu cháo, gỏi, ăn cùng bánh đa, xào trộn lẫn trứng gà… Trong nhiều món ăn được chế biến từ trứng kiến, thì xôi trứng kiến được đồng bào Thái chế biến phổ biến nhất; thế mới biết, trứng kiến là món ăn đặc sản, thơm ngon, quý hiếm.

Nữ cao thủ kể chuyện ly kỳ vào rừng săn đặc sản trứng kiến cực lạ - 6

Trung bình 1 ngày, chị Thắm săn bắt được 5 – 6kg trứng kiến.

“Tôi làm nghề săn trứng kiến cũng được gần 10 năm nay. Tôi luôn suy nghĩ phải biết bảo vệ sự sống cho loài kiến thì mới có nguồn trứng lâu dài. Không nên sử dụng thuốc xịt kiến hay chặt cây phá cây, phá tổ, bắt kiến theo kiểu tận diệt... Vì thế mỗi ngày lên rừng đi săn, tôi chủ yếu dùng tay và kinh nghiệm của mình, nói không với cách săn bắt tận diệt.

Nghề săn kiến rất vất vả và nguy hiểm, có lúc trèo lên ngọn cây cao nếu sơ ý trượt chân có thể bị gãy tay, chân, nặng thì bị mất mạng, không phải ai cũng có thể theo nghề được. Nếu 1 ngày tôi chăm chỉ lội suối, trèo đồi tìm tổ kiến thì cũng thu được 5 – 6kg trứng kiến, ngày nào may mắn thì thu được 8kg. Sau đó, tôi mang ra chợ huyện bán dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg”.

Nữ cao thủ kể chuyện ly kỳ vào rừng săn đặc sản trứng kiến cực lạ - 7

Hiện trứng kiến có giá dao động từ 250.000 – 300.000 đồng/kg.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Hoàng - Đinh Minh Khanh ([Tên nguồn])
Đắt - Độc - Lạ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN