Nóng tuần qua: Tại sao nông dân buồn thiu dù giá vải thiều tăng gấp đôi?

Thương lái đang thu mua vải thiều tại vườn với giá hơn 60.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm ngoái (20.000-30.000 đồng/kg).

Giá vải thiều tăng gấp đôi nhưng nông dân buồn thiu

Vải thiều Đắk Lắk luôn bán được giá cao, nhất là đầu vụ thu hoạch. Chị Nông Thị Mai (thôn 5, xã Ea Sar, huyện Ea Kar) cho biết, thương lái đang thu mua vải thiều tại vườn với giá hơn 60.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với năm ngoái (20.000-30.000 đồng/kg).

Giá vải tăng cao song nông dân không vui vì mất mùa.

Cây vải chỉ lác đác quả

Cây vải chỉ lác đác quả

Theo ông Nguyễn Thế Thập, Trưởng phòng NN&PTNT huyện M’đrắk, năm nay cây vải ít đậu quả do thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt. Toàn huyện có hơn 200 héc-ta vải, song vườn nào cũng giảm sản lượng, không ít trường hợp bị mất trắng. Ông Thập nói rằng, cây vải được người dân chọn trồng nhờ ưu thế quả chín sớm, giá cả ổn định.

Chủ tịch Hội Cây ăn quả Đắk Lắk Nguyễn Thanh Sơn cho biết, toàn tỉnh có khoảng 5.000 héc-ta cây vải, tập trung ở các huyện Ea Kar, Krông Năng, Krông Pắc… Năm nay, không riêng vải thiều, các loại cây ăn quả khác cũng được dự báo mất mùa, giảm sản lượng. Theo ông Sơn, qua nắm thông tin từ các hội viên, sản lượng vải thiều giảm tới 40%, nhiều trường hợp gần như mất trắng.

Cục Hàng không: Các hãng bán vé máy bay đúng giá quy định

Cục Hàng không Việt Nam vừa gửi Bộ Giao thông Vận báo cáo kết quả kiểm tra hoạt động bán vé từ 1/1 đến 4/5 của các hãng hàng không. Cuộc kiểm tra được thực hiện từ 7-9/5, với Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và các đại lý lớn.

Kết quả của Cục Hàng không cho thấy 4 hãng đều kê khai giá theo khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách do Bộ Giao thông Vận tải quy định. Cục khẳng định giá vé nội địa của các hãng "vẫn luôn nằm trong khung giá" theo quy định hiện hành.

Tính đến 10/5, nhà chức trách nói nhận 11 thông tin phản ánh gửi thư điện tử về việc mua vé giá cao. Kết quả kiểm tra cho thấy "không có trường hợp nào" có tình trạng vé bán vượt khung giá theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 34.

Trước đó, trong báo cáo về tình hình giá vé máy bay 4 tháng đầu năm, Cục cũng đã khẳng định giá vé máy bay của các hãng Việt Nam tăng cũng nằm trong xu hướng chung trên thế giới. Nguyên nhân là bị tác động bởi 5 yếu tố chính gồm giá nhiên liệu lên cao, chênh lệnh tỷ giá, việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney, giá thuê tàu bay tăng cao và tình hình cung cầu vận tải hàng không.

Cơ quan này cũng dự báo tình trạng lệch cung cầu sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè năm nay. Điều này cũng gây áp lực nhất định lên giá vé trên các chặng bay nội địa, nhất là đến các điểm du lịch, nghỉ dưỡng.

Giá xăng tăng gần 14% trong 4 tháng đầu năm

Bộ Công Thương cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 17 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng có 10 lần tăng và 7 lần giảm giá, mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa có 9 lần tăng và 8 lần giảm giá, mặt hàng dầu mazut có 12 lần tăng và 5 lần giảm giá.

So với kỳ điều chỉnh giá xăng dầu đầu tiên của năm 2024 (ngày 4/1/2024), tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của tháng 4 năm 2024 (ngày 25/4), giá mặt hàng xăng E5RON92 tăng 2.913 đồng/lít, tương đương tăng 13,87%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 2.999 đồng/lít, tương đương tăng 13,68%. Mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.348 đồng/lít, tương đương tăng 6,96%; mặt hàng dầu hỏa tăng 729 đồng/lít, tương đương tăng 3,65%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 1.913 đồng/kg, tương đương tăng 12,35%.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Còn so với cùng thời điểm năm 2023 (kỳ điều hành ngày 21/4/2023), giá bán trên thị trường tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu cuối cùng của tháng 4 năm 2024 (kỳ điều hành ngày 25/4/2024) của mặt hàng xăng E5RON92 tăng 1.231 đồng/lít, tương đương tăng 5,43%; mặt hàng xăng RON95-III tăng 1.276 đồng/lít, tương đương tăng 5,40%. Mặt hàng dầu diesel 0,05S tăng 1.319 đồng/lít, tương đương tăng 6,80%; mặt hàng dầu hỏa tăng 1.206 đồng/lít, tương đương tăng 6,19%, mặt hàng dầu mazut 180CST 3,5S tăng 1.565 đồng/kg, tương đương tăng 9,88%.

Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm sốc

Ngày 8/5, giá cà phê nội địa tiếp tục điều chỉnh giảm về mức 95.000 – 96.200 đồng/kg, bình quân 95.700 đồng/kg, giảm 4.100 đồng/kg so với ngày hôm trước. So với mức đỉnh vào cuối tháng 4 (khoảng 134.000 đồng/kg), cà phê đã giảm giá đến hơn 35.000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta trên sàn London tiếp tục giảm sâu từ 152 – 165 USD/tấn, tùy kỳ hạn so với ngày 7-5. Cao nhất là kỳ hạn cà phê giao tháng 7, ở mức 3.378 USD/tấn và thấp nhất là kỳ hạn giao tháng 1-2025, ở mức 3.128 USD/tấn.

Theo số liệu thống kê, trong tháng 4 vừa qua, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu 126.466 tấn cà phê Robusta, kim ngạch gần 452,6 triệu USD và đơn giá xuất khẩu 3.579 USD/tấn (tương đương 90.000 đồng/kg).

Theo thống kê, hiện 80% sản lượng cà phê Việt Nam sản xuất được dành để xuất khẩu, chỉ 20% tiêu thụ nội địa nên việc giá nội địa cao hơn giá xuất khẩu phản ánh sự không bền vững của thị trường.

Nguồn: [Link nguồn]

Nhà ai cũng có quạt điện nhưng ít người biết lý do vì sao quạt thường có 3 cánh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo XUYẾN CHI ([Tên nguồn])
Tiêu điểm kinh tế tuần Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN