Nông dân miền Tây "ngáp dài" chờ thương lái mua nông sản

Ở nhiều địa phương, một số loại nông sản đến mùa thu hoạch bị ùn ứ, doanh nghiệp, người dân gặp rất nhiều khó khăn, cần giải pháp để tháo gỡ.

Trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, miền Tây đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp. Việc phải tạm ngưng hoạt động các chợ đầu mối tại TP.HCM và áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ tại nhiều tỉnh, thành khiến việc kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân bị ách tắc.

Sầu riêng do sắp hết mùa, sản lượng rất ít nên còn bán được cho người dân địa phương. Ảnh: H.H

Sầu riêng do sắp hết mùa, sản lượng rất ít nên còn bán được cho người dân địa phương. Ảnh: H.H

Nông sản mất giá, ùn ứ vì Covid-19

Sáng sớm, anh Nguyễn Văn Hài, ngụ xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đã ra vườn, ngán ngẩm nhìn bờ đu đủ trĩu quả. Anh nói, giá thấp cỡ nào anh cũng bán, nhưng chẳng có người mua. “Mùa này, vườn bà con xung quanh còn măng cụt, chôm chôm, đu đủ, rau muống… đủ loại, nhưng không lái nào thèm mua. Họ mất biệt hết. Bán xung quanh thì ai mua, khi vườn nhà ai hầu như cũng có? Chỉ có sầu riêng còn ít, nên bán được cho người dân quanh vùng”, anh nói.

Anh Hài cho rằng, hiện cũng chỉ có cá tra, cá phi nuôi ao và các loại cá đồng như cá sặc, cá lóc... là bán được, do một số người cần nguồn cung cấp tận nơi cho bà con. Còn heo nuôi dù vẫn bán được nhưng giá heo hơi chỉ còn khoảng 50.000 đồng/kg, trong khi lúc chưa giãn cách xã hội giá trên 60.000 đồng/kg...

Trước đó báo Giao thông đã có thông tin phản ánh về việc hàng ngàn tấn nhãn và sữa của doanh nghiệp và nông dân ở huyện Cờ Đỏ (TP. Cần Thơ) đang trong tình trạng “gãy” đầu ra. Theo ông Nguyễn Thanh Phú, Giám đốc Nông trường Sông Hậu (huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ), hiện nông trường đang còn khoảng 200ha nhãn, ước tính sản lượng khoảng 1.600 tấn nhãn Ido và Thanh nhãn; 240ha chuối đang trong mùa thu hoạch.

Nhiều vườn nhãn ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ chưa có đầu ra. Ảnh: Minh Tuấn

Nhiều vườn nhãn ở huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ chưa có đầu ra. Ảnh: Minh Tuấn

“Các năm trước thương lái đến mua nhãn Ido với giá 25.000-30.000 đồng/kg, Thanh Nhãn từ 70.000-80.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện thương lái không đến mua nữa, người dân tự cứu lấy mình bằng việc bán nhỏ lẻ, nhưng số lượng cũng không đáng kể. Khoảng 240ha chuối, trước khi dịch, mỗi tuần thu hoạch được từ 15- 20 tấn, 1 ngày cũng được 4-5 tấn, nhưng nay cũng không còn nơi tiêu thụ nữa, chuối chín bỏ tại vườn. Trang trại bò sữa (Công ty TNHH Food Farm- PV) sản xuất sữa thanh trùng cũng đã nghẽn khâu lưu thông và phân phối nên hiện nay không xuất đi được”, ông Phú nói.

Theo anh Nguyễn Văn Mừng, thương lái tại TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, đường đi chở thực phẩm rất khó khăn do chấp hành theo Chỉ thị 16. Nếu có xe lên được TP.HCM thì cũng khó vì lên đó chợ đóng cửa không có bạn hàng mua. Xe đậu lại chờ thì rau củ sẽ hư hỏng không bán được, lỗ nặng vì chi phí mua hàng, công vận chuyển lại chồng chất.

Còn chị B. - thương lái khác chia sẻ thêm: “Khó khăn không chỉ với thương lái mà cả nông dân cũng vậy. Thương lái mua mà bán không được sẽ ngừng mua của nông dân”, chị nói.

Cũng theo chị B., có những vườn rau củ xanh um tươi tốt, tới lúc thu hoạch không bán được, chủ nhân đành phải phá bỏ trong nước mắt vì vừa công vừa của đổ xuống đây mà chẳng lấy lại được đồng nào.

Cả anh Mừng và chị B. bộc bạch, nếu chính quyền địa phương cho mở lại đều khắp các chợ truyền thống thì chắc bà con nông dân và thương lái sẽ đỡ khổ. Tuy nhiên, một số bà con nông dân ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang thì cho rằng, chợ có mở thì bán cũng không được mấy vì nhiều người sợ dịch, hạn chế đi chợ.

Chú Nguyễn Văn Việt - nông dân ở xã Đông Thạnh cho hay gia đình chuyên về trồng hoa màu và cây ăn trái. “Nay không bán được khổ lắm! Nhà cũng có trồng chanh không hạt mà khi bán, thương lái lại cân giá có 2.500/kg. Lúc chưa giãn cách xã hội, bà nhà tôi mang ra chợ bán được 12.000/kg. Cuộc sống nông dân bây giờ chật vật khó khăn lắm”, chú Việt chia sẻ.

Trao đổi cùng PV Báo Giao thông, ông Trần Thanh Tâm, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cờ Đỏ cho biết, nông sản hiện đang bị tồn đọng ở nông dân địa phương chủ yếu là nhãn Ido và Thanh nhãn. Trong đó, nhãn Ido khoảng 237 tấn, Thanh nhãn là 235 tấn. Giá các mặt hàng này hiện đang bán ra rất thấp từ 6.000-10.000 đồng/kg đối với nhãn Ido và khoảng 20.000 đồng/kg đối với Thanh nhãn.

Nhiều nông dân để trái chín trên cây không thu hoạch. Ảnh: Minh Tuấn

Nhiều nông dân để trái chín trên cây không thu hoạch. Ảnh: Minh Tuấn

Theo Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nông sản hiện đang gặp khó trong vấn đề tiêu thụ chủ yếu là loại cây ăn trái như mít, dâu hạ châu, nhãn và chôm chôm… Các địa phương gồm quận Thốt Nốt, Ô Môn, huyện Phong Điền, Cờ Đỏ, Thới Lai hiện có tổng sản lượng ước 2.912 tấn, đang trong giai đoạn thu hoạch. Thế nhưng nay tại Ô Môn không có thương lái thu mua, nông dân để trái chín trên cây không thu hoạch với sản lượng ước 50 tấn, còn tại Cờ Đỏ sẽ thu hoạch rộ vào tháng 8-9/2021 với sản lượng trên 1.500 tấn, dự báo cũng sẽ khó tiêu thụ.

Nghẽn khâu lưu thông, đóng cửa chợ

Sở NN&PTNT TP Cần Thơ đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do tình hình dịch bệnh, các chợ đầu mối tạm đóng cửa, nên một số loại cây ăn trái chủ lực của địa phương đang thu hoạch gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Nguyên nhân khác - theo các thương lái, là do chợ truyền thống ngưng hoạt động, số lượng các địa điểm cung ứng thực phẩm lại không đáp ứng đủ, nên việc cung ứng hàng hóa vẫn chưa đảm bảo đầu ra.

Bên cạnh đó, hiện nay các tỉnh lân cận đều thực hiện giãn cách xã hội, các xe tỉnh khác vào địa phương thu gom lưu thông khó nên nông dân không bán được số lượng lớn, chỉ bán nhỏ lẻ tại chỗ. Mặt khác, do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, người dân hạn chế di chuyển ra khỏi địa bàn nên việc vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn.

“Không tiêu thụ được nông sản là do tình hình dịch bệnh, các địa phương áp dụng Chỉ thị 15, 16 dẫn đến việc vận chuyển gặp khó khăn, thương lái đi tới lui cũng ngại. Có người thì sợ bệnh, có người đi tới lui khó khăn từ đó mà ảnh hưởng. Ví dụ do chốt chặn. Mặc dù gần đây Bộ GTVT có hướng dẫn phân luồng xanh, nhưng muốn đi là phải test xét nghiệm. Nói chung thủ tục khá rườm rà, từ đó giảm số lượng doanh nghiệp thu mua”, ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ phân tích.

Tương tự, ông Trương Kiến Thọ, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang nhìn nhận, không riêng các tỉnh miền Tây, An Giang cũng đang gặp khó trong vấn đề tiêu thụ nông sản.

“Lúa và một số trái cây đang tới thời điểm thu hoạch, và cái khó trong tình hình hiện nay đó là vận chuyển ra ngoài tỉnh đến các tỉnh khác tiêu thụ. Trong cuộc họp với Bộ NN&PTNT cho thấy, không riêng gì An Giang, đây là cái khó chung của tất cả các tỉnh”, ông nói.

Khơi thông luồng hàng

Để giải quyết tình trạng trên, ông Thọ cho biết, đối với nông sản đặc biệt là lúa, hiện nay địa phương cũng đang tạo điều kiện hỗ trợ thương lái vào thu mua. Riêng các mặt hàng rau, củ quả, địa phương cũng đã lên danh sách, phối hợp cùng Bộ NN&PTNT, các tỉnh thành phía Nam kết nối hỗ trợ.

“Cho đến hôm nay những khó khăn trong việc đi lại của ngừời dân đã được các sở ngành, quận huyện quán triệt tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh theo kế hoạch 434, cơ bản đã giải quyết được khoảng từ 80-90%.

Người dân từ vùng này muốn qua vùng khác thăm lúa hay thu hoạch vẫn tạo điều kiện cho đi. Khi đi thu hoạch thì phải theo nguyên tắc 3 tại chỗ, lán trại... Có thể nói, các khó khăn này cơ bản đã được giải quyết”, Phó giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh An Giang thông tin.

Nhiều khu chợ truyền thống đóng cửa, vận chuyển khó khăn, người dân cũng ngán ngại ra đường khiến nông sản ế ẩm. Ảnh: H.H

Nhiều khu chợ truyền thống đóng cửa, vận chuyển khó khăn, người dân cũng ngán ngại ra đường khiến nông sản ế ẩm. Ảnh: H.H

Đối với Cần Thơ, trao đổi cùng PV Báo Giao thông, Giám đốc Sở NN&PTNT nơi đây cho biết, sở đã tạo điều kiện cho bà con nông dân và doanh nghiệp liên kết với các cửa hàng tiện ích, siêu thị mini tiêu thụ các mặt hàng nông sản đang bị ùn ứ.

“Tuy nhiên để được đưa các mặt hàng này vào hệ thống bán hàng thì bà con, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm. Trường hợp nào có giấy nhưng hết hạn sẽ được xem xét gia hạn thêm 2 tháng. Còn HTX và doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, muốn được cung cấp vào thì phải làm cam kết mới được đưa hàng vào siêu thị”, ông Nguyễn Văn Sử cho hay.

“Một số mặt hàng, nhất là vùng nguyên liệu, trước đó, ngành Công thương quy định do không nằm trong danh mục hàng thiết yếu nên không đi được. Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với Sở Công thương và đơn vị này ban hành văn bản bổ sung các mặt hàng thiết yếu gồm các vùng nguyên liệu. Hiện nay, vấn đề này cũng đã tạm thời được tháo gỡ”, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ thông tin thêm.

Có thể thấy, các địa phương đang nỗ lực mở rộng thị trường, tìm địa chỉ tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tuy nhiên, tình hình giao thương cung ứng sản phẩm giữa các tỉnh vẫn đang gặp khó.

Bộ GTVT đã kịp thời chỉ đạo tháo gỡ bằng việc tổ chức phân “luồng xanh” cho phương tiện chở hàng hoá lưu thông qua các tỉnh thành, đảm bảo hàng hóa lưu thông thông suốt, thế nhưng thực tế hiện nay, chỉ đạo tại một số địa phương vẫn chưa thống nhất, dẫn tới khó khăn cho đơn vị vận tải hàng hóa khi vào các tỉnh, thành.

Nguồn: [Link nguồn]

Chợ dân sinh Hà Nội tấp nập từ sáng sớm trong ngày đầu giãn cách xã hội

Trong ngày đầu thực hiện Chị thị 16, nhiều khu chợ ở Hà Nội tấp nập người mua từ sáng sớm, tuy nhiên giá cả các mặt...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê An ([Tên nguồn])
Kinh tế "kháng sốc" COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN