Người chăn nuôi đối mặt với phá sản
Giá thịt lợn hơi của Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực khiến người chăn nuôi lợn rơi vào cảnh khốn đốn. Nguy cơ phá sản hàng loạt đang hiện hữu với người chăn nuôi.
Bán cả nái giống, lỗ tỷ đồng/tháng
Ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại chăn nuôi lợn (hơn 4.000 con) ở Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, người nuôi lợn đang đứng bên bờ vực phá sản vì giá lợn đang xuống quá thấp.
Hiện, giá lợn hơi xuất chuồng, cao nhất ở các trại khoảng 40-41 nghìn đồng/kg, còn trong dân giá lợn chỉ 36-38 nghìn đồng/kg. Trong khi, giá hòa vốn là 45-46 nghìn đồng/kg thịt hơi.
Ông Long cho biết, tính đến tháng 3/2013, tức đã 13 tháng trời, người nuôi lợn “chìm” dài trong cơn giá thấp. Người nuôi chỉ có chút lãi trong tháng Tết, khi giá lợn lên 47-48 nghìn đồng/kg, còn lại là hòa hoặc cầm chắc phần lỗ không biết bán cho ai, vì không ai mua.
“Riêng trại của tôi, bây giờ phải chủ động trộn một phần thức ăn, bớt được đồng nào hay đồng đó. Lương gần 30 công nhân phải duy trì, 5 cán bộ quản lý gần 1 năm nay chưa lấy lương. Chúng tôi đang lỗ khoảng 300 triệu/tháng”- ông Long nói.
Ông Phùng Văn Mỵ mỗi tháng lỗ cả trăm triệu đồng để duy trì đàn lợn. Ảnh: Phạm Anh.
Ở khu vực xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội) - một trong những nơi chăn nuôi lợn nhiều nhất miền Bắc, nhiều người nuôi cũng trong tình cảnh thua lỗ triền miền.
“Mỗi ngày, đàn lợn ngốn hơn 30 tấn cám các loại. Đợt xuống giá này, cũng giống như năm ngoái, chúng tôi đang lỗ hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng” Ông Nguyễn Quế Côi |
Ông Phùng Văn Mỵ, chủ trang trại lợn giống, lợn thịt lớn nhất nhì xã Cổ Đông vừa phải thu hẹp một nửa quy mô. Theo ông Mỵ, hiện trại ông có hơn 200 lợn nái, hơn 500 lợn con, nhưng cả tháng nay không ai hỏi mua; tồn khoảng 700 lợn thịt.
“Mỗi tháng đàn lợn ngốn hơn 400 triệu tiền cám, chưa kể tiền thuốc thú y, điện, tiền công... Đi vay ngân hàng họ đều lắc đầu. Bây giờ, tôi phải chịu lỗ gần 100 triệu mỗi tháng. Dân làm giống (lợn giống) ở khu vực Sơn Tây phải tới 50-60% đóng chuồng rồi”- ông Mỵ thở dài.
Cùng cảnh bế tắc, ông Nguyễn Quế Côi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương (Viện Chăn nuôi Quốc gia) cho biết: Hơn 10.000 con lợn (cả lợn nái giống, lợn giống và lợn thịt) đang tồn trong trại.
Là cơ sở cung cấp lợn giống cho cả nước, nhưng từ Tết tới nay, ông Côi chỉ bán được vài con. Thậm chí, lợn nái giống to quá, không bán được, phải đẩy sang bán lợn thịt, nhưng cũng ít người mua.
Ông Côi chia sẻ, lợn thịt ở đây chỉ bán thấp hơn giá thành gần chục giá, khoảng 31-32 nghìn đồng/kg. “Mỗi ngày, đàn lợn ngốn hơn 30 tấn cám các loại. Đợt xuống giá này, cũng giống như năm ngoái, chúng tôi đang lỗ hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng”- ông Côi nói.
Cứu gấp ngành chăn nuôi?
Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) thừa nhận từ năm 2012 đến đầu năm 2013, ngành chăn nuôi vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhất là chăn nuôi lợn, do giá quá thấp. Hiện tại một lượng lợn lớn loại lợn trên một tạ vẫn tồn trong dân.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi, cho biết: Với mức giá như trên, hiện giá thịt lợn hơi của Việt Nam thấp nhất trong khu vực. Theo ông Dương, vấn đề quan trọng lúc này là tìm thị trường tiêu thụ, mặt khác, phải rà soát lại giá thức ăn chăn nuôi để người nuôi có cơ hội hạ giá thành lợn hơi.
“Cục Chăn nuôi đang phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tới đây sẽ kiểm tra, xem lại cơ cấu giá thành thức ăn chăn nuôi. Xem mức giá ở ta có phải cao nhất hay không, đồng thời, sẽ kiến nghị bỏ 5% VAT vì đây cũng là chi phí đẩy giá lên cao”- ông Dương nói. Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, cần tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho người nuôi vay mới, với lãi suất thấp.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam lo ngại, nếu kéo dài tình trạng giá lợn hơi quá thấp như hiện nay sang nửa tháng 4, ngành chăn nuôi sẽ gặp họa. Khi người nuôi (lợn giống, lợn thịt) bỏ chuồng, có thể thiếu hụt nguồn cung và giá thực phẩm sẽ đẩy lên cao.
“Chúng tôi đã có văn bản gửi lên Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát. Tới đây, Hội sẽ cùng Bộ bàn cách tháo gỡ, cứu ngành chăn nuôi”- ông Vang nói.
Ông Nguyễn Khắc Thảo, Phó TGĐ Cty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Bắc Ninh) cho biết, người nuôi thua lỗ, thức ăn chăn nuôi tiêu thụ chậm, giảm khoảng 10% sản lượng. |