Ngừng nhập khẩu thịt heo từ Ba Lan, doanh nghiệp bảo: Không lo!

Với sản lượng nhập khẩu lên tới 1.200 tấn thịt lợn (heo) mỗi tháng từ Ba Lan, phần lớn sản phẩm này được phân phối vào các nhà hàng, quán ăn và cung cấp sỉ qua các kênh kinh doanh trực tuyến trên mạng. Trong khi đó, Ba Lan đã bị liệt vào danh sách các nước đang trong diện cảnh báo của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) về tình hình lan tràn dịch bệnh tả lợn châu Phi.

Theo OIE, đã có 5 tỉnh của Ba Lan (Warminsko-Mazurskie, Podkarpackie, Podlaskie Mazowieckie, Lubelskie) được phát hiện dịch tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay.

Mua bán trên mạng, bao nhiêu cũng có

Theo tìm hiểu của Dân Việt, thịt heo nhập khẩu đang được kinh doanh tại khu vực TP.HCM chủ yếu nhập khẩu từ Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ, Hungary…

Nửa đầu năm nay, cả nước đã nhập khẩu gần 19.600 tấn thịt lợn các loại, trong đó Ba Lan là thị trường nhập nhiều nhất với 7.035 tấn, kim ngạch trên 8 triệu USD. Bình quân mỗi tháng Việt Nam nhập gần 1.200 tấn thịt lợn từ Ba Lan với giá nhập trung bình khoảng 26.500 đồng/kg.

Tây Ban Nha là thị trường cung cấp thịt lợn lớn thứ hai với 4.460 tấn được nhập về trong nửa đầu năm, trị giá 4,8 triệu USD. Một số doanh nghiệp cũng rao bán thịt heo nhập khẩu từ Đức, Hungary với giá rất rẻ nên được nhiều người tiêu dùng chọn mua.

Ngừng nhập khẩu thịt heo từ Ba Lan, doanh nghiệp bảo: Không lo! - 1

Sản phẩm sườn non heo nhập khẩu bày bán tại một cửa hàng tiện lợi ở TP.HCM. Ảnh: KH.

Theo quảng cáo của các nhà phân phối, thịt heo Ba Lan mang nhiều giá trị dinh dưỡng và giá thành không quá cao, phù hợp với túi tiền của mọi khách hàng. Ngoài ra, thịt heo Ba Lan được nhập khẩu chính ngạch đạt tiêu chuẩn về chất lượng, quý khách hàng có thể hoàn toàn yên tâm.

Tùy vào số lượng mua mà sản phẩm thịt heo Ba Lan được bán với giá khác nhau. Móng giò heo Ba Lan được một số nhà phân phối bán ra với giá 100.000 – 105.000 đồng/kg, sườn non heo nguyên tảng Ba Lan có giá từ 160.000 – 190.000 đồng/kg trong khi sản phẩm bắp giò heo Ba Lan có giá từ 110.000 – 120.000 đồng/kg…

Một số nhà phân phối cũng rao bán thịt heo Ba Lan “chất lượng tốt” nhưng có giá rất rẻ, chủ yếu bán theo thùng với trọng lượng 10kg/thùng. Theo đó, sườn non có giá chỉ 60.000 – 80.000 đồng/kg, 40.000 - 60.000 đồng/kg đối với xương ống heo hay sản phẩm bắp giò được bán chỉ với giá 62.000 – 70.000 đồng/kg…

Các sản phẩm thịt heo Hungary cũng rất phongphú, từ nạc xay (giá khoảng 90.000 – 95.000 đồng/kg), hay các sản phẩm thịt heo Mangalica, một loại heo lông xù, được xem là một giống heo quý hiếm của Ba Lan, được bán với giá cao ngất ngưởng. Cụ thể như thăn lưng Mangalica giá từ 550.000 – 600.000 đồng/kg, phi lê heo Mangalica giá bán lẻ 631.000 đồng/kg hay nạc dăm heo Mangalica có giá bán lẻ khoảng 550.000đồng/kg.

Đại diện Công ty Thịt ngon Quốc tế La Maison (quận 2, TP.Hồ Chí Minh), các sản phẩm thịt heo nhập khẩu thường bán theo tảng, khối lượng lớn để cung cấp vào các quán ăn, nhà hàng… Tùy theo nhu cầu của người nấu, doanh nghiệp sẽ tư vấn sử dụng các sản phẩm heo nhập khẩu khác nhau.

Bộ ngừng nhập, doanh nghiệp nói: Không lo!

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang gây lo ngại, Bộ NNPTNT mới đây đã quyết định tạm dừng nhập khẩu thịt lợn từ Hungary và Ba Lan từ 20.9 cho tới khi 2 quốc gia này công bố an toàn ASF theo quy định của OIE.

Các lô hàng nguồn gốc từ các tỉnh đang có dịch nhưng đã rời cảng xuất hành trước ngày 20.9 và đang trên đường từ Hungary, Ba Lan đến Việt Nam vẫn được phép nhập khẩu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng yêu cầu cơ quan thú y tổ chức kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn dịch bệnh nhất là bệnh ASF đối với những lô hàng này.

Ngoài ra, Tổng cục Hải quan cũng vừa chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới với người và phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có bệnh dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Hải quan địa phương chỉ được thông quan khi có Giấy chứng nhận kiểm dịch đạt yêu cầu của cơ quan kiểm dịch và không giải quyết thủ tục chuyển cửa khẩu để đưa hàng về bảo quản. Trường hợp phát hiện các lô hàng thịt lợn nghi nhập khẩu, không rõ nguồn gốc... thì dừng làm thủ tục thông quan, đồng thời thông báo cho cơ quan liên quan để xử lý.

Dù đã có “lệnh” tạm ngừng nhập khẩu từ 20.9 tới nhưng khi trong vai người hỏi mua thịt heo nhập khẩu để phục vụ quán ăn của gia đình, hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng không lo lắng chuyện thiếu hàng.

Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu thịt các loại tại phường Cầu Kho (quận 1, TP.HCM) cho rằng, việc nhập khẩu thịt được thực hiện theo đường chính ngạch, có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, chất lượng lô hàng nên không lo chuyện “cấm cửa”. Hơn nữa, việc nhập khẩu thịt từ các nước châu Âu vào Việt Nam được cơ quan chính quyền, nhà nước nơi xuất khẩu hỗ trợ nhiệt tình nên doanh nghiệp khá thuận lợi.

Còn theo đại diện doanh nghiệp phân phối thịt ngoại tại quận 2, TP.HCM, hiện một số sản phẩm thịt heo Ba Lan, Hungary, Đức… đang đứt hàng nhưng vị này chắc chắn rằng, sang đầu tháng 10 sẽ có hàng lại. Do đó, người mua không lo chuyện “đứt hàng” trong quá trình sử dụng.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, chi phí giá thành sản xuất tại các nước tiên tiến thấp hơn Việt Nam, do đó, khi nhập khẩu về, sản phẩm bán ra có giá thấp hơn nhiều. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ lây lan rộng, cần có biện pháp ngăn chặn triệt để việc nhập khẩu từ các nước đã có dịch nhằm giảm thiểu tồn dư mầm bệnh trong thịt.

Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi xử lý ổ dịch nếu phát hiện có bệnh như phải tiêu hủy đàn, vệ sinh chuồng trại… Việc này nếu không thực hiện nghiêm túc sẽ khiến dịch bệnh lây lan nhanh chóng, để lại hậu quả khó lường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khải Huyền ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN