Ngành hồ tiêu lâm nguy, nhiều tỉ phú bỗng thành "con nợ"

Sự kiện: Kinh Doanh

Hồ tiêu - cây làm giàu nay trở thành gánh nặng, nhiều tỷ phú thành con nợ, riêng tỉnh Gia Lai đã có hơn 4.000 tỷ đồng vay trồng cây hồ tiêu. Người dân trồng tiêu mong muốn được ngân hàng cho khoanh nợ để yên tâm sản xuất, dành tiền trả nợ…

Xơ xác thủ phủ hồ tiêu

Đỉnh điểm khiến nông dân lâm cảnh nợ nần là lúc giá hồ tiêu rơi xuống đáy, từ 220.000 đồng/kg xuống còn 46.000 - 48.000 đồng/kg. Thêm vào đó, dịch bệnh và nắng nóng kéo dài khiến hồ tiêu chết như ngả rạ. Vay ngân hàng, đầu tư hàng tỷ đồng trồng tiêu nay nhiều hộ nông dân rơi vào thảm cảnh, nợ nần chồng chất, tài sản thế chấp hết cho ngân hàng.

Ở 2 huyện Chư Sê và Chư Pứh - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” cây hồ tiêu, tỷ phú giàu lên nhờ tiêu vô số nay lại vắng bóng đìu hiu.

Ngành hồ tiêu lâm nguy, nhiều tỉ phú bỗng thành "con nợ" - 1

Nông dân trồng tiêu mong được khoanh nợ để ổn định sản xuất (chụp tại huyện Chư Pứh). Ảnh:  L.K

Thê thảm nhất là vùng trồng tiêu xã Ia Blứ, xã Ia Le (huyện Chư Pứh) với diện tích hồ tiêu chết do nắng hạn, dịch bệnh đến 80%. Theo những người dân nơi đây, do tiêu chết, nợ nần nhiều không có tiền trả ngân hàng nên bà con lâm cảnh bần cùng, kéo nhau đi làm ăn xa xứ rất nhiều, vườn tược trông rất hoang tàn xơ xác, cây tiêu chỉ còn trơ trụ.

Ông Lê Văn Túc - Trưởng thôn Phú Bình (xã Ia Le, huyện Chư Pưh) buồn rầu nói: “Toàn thôn có trên 300ha tiêu thì đã chết gần 90%, số còn lại sống lay lắt. Cả thôn chỉ có khoảng 10 hộ không vay ngân hàng, chỉ tính 187 hộ đã vay đến hơn 85 tỷ đồng. Giờ có nhiều căn nhà cao to 2 - 3 tầng khang trang, trông đẹp như vậy nhưng thật ra là nhà cắm ngân hàng hết rồi, nhiều hộ không có khả năng trả lãi nữa. Đời sống bà con giờ rất khó khăn, nhiều hộ con bỏ học, cha mẹ bỏ nhà xa xứ làm ăn. Riêng nhà tôi trồng 4ha bị chết gần hết, vẫn còn nợ ngân hàng 500 triệu”.

Chung tình cảnh, Trưởng thôn Thủy Phú (xã Ia Blứ) Nguyễn Duy Trung than thở: Chưa bao giờ người dân ở đây lại rơi vào cảnh thê thảm như thế này, ăn hàng ngày cũng phải lo chạy từng bữa. Ở đây hầu hết ai cũng đi vay và nhiều gia đình không có khả năng trả nợ. Nếu nhà nước, ngành ngân hàng không can thiệp sớm giúp dân khoanh nợ thì có hơn 90% hộ dân sẽ lâm cảnh nợ nần, mất nhà cửa. Để có tiền trả lãi cho ngân hàng, nhiều hộ bán cả bò, bán đất mới có tiền trả lãi.

Qua đi cái thời hoàng kim, những tỷ phú hồ tiêu cách đây không lâu nay lại thành những con nợ khó đòi. Hầu hết tài sản người dân mang đi cầm cố, thậm chí không còn khả năng trả lãi nên “mặc kệ”, giao tài sản cho ngân hàng.

Nhắc đến cây hồ tiêu, anh Trần Thảo - lái xe khách tuyến Chư Pưh - TP.Pleiku (ở thôn Phú Hà, xã Ia Blứ) ngao ngán: “Gia đình tôi trồng gần 3.000 trụ tiêu đã chết hết, nay trồng mới 1.000 trụ thì đã chết hơn 300. Vì tiêu liên tục chết nên gia đình đang nợ nần ngân hàng rất nhiều, tôi đang mua xe ôtô trả góp đi chở khách nên rất lo lắng việc trả lãi vì khách đi rất ít do nhiều người dân rời nhà đi làm ăn xa hết”.

Dân mong được khoanh nợ

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Gia Lai, tổng dư nợ mà người dân toàn tỉnh vay trồng tiêu trên 4.300 tỷ đồng với hơn 26.000 hộ vay. Riêng huyện Chư Pứh, người dân vay vốn trồng tiêu hơn 1.400 tỷ đồng. Thực tế, sau khi hồ tiêu bị dịch bệnh chết, giá thấp nên nhiều hộ không có khả năng trả nợ ngân hàng.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho biết, tình hình chung hiện nay là người dân trồng tiêu vay vốn ngân hàng nhưng rất khó có khả năng trả nợ. Để tháo gỡ vướng mắc cho bà con thì cần phải có giải pháp khoanh nợ, dãn nợ cho dân. Mà để các ngân hàng thực hiện khoanh nợ thì địa phương phải công bố thiên tai trên diện rộng mới được.

Theo ông Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Gia Lai, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại đã nhiều lần trực tiếp làm việc với cấp ủy các huyện để nắm tình hình thực tế và tìm hướng tháo gỡ giúp dân. Qua đó, các ngân hàng đã có nhiều giải pháp dãn nợ và tái cơ cấu lại nợ cho bà con yên tâm sản xuất. Vấn đề khoanh nợ thì không thực hiện được vì để khoanh nợ thì trước tiên địa phương phải có quyết định công bố thiên tai dịch bệnh và được Chính phủ chấp thuận. Để việc cơ cấu nợ, dãn nợ hiệu quả thì người dân nên phối hợp với ngân hàng để giải quyết, không nên mặc kệ giao tài sản cho ngân hàng mà không chịu trả lãi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Lê Kiến ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN