Ngành chăn nuôi mất 5.000 tỷ đồng/tháng

Ngày 4.7, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, mỗi tháng ngành chăn nuôi cả nước thiệt hại tới 5.000 tỷ đồng do giá cả giảm sút và không có đầu ra.

Ngày 4.7, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, mỗi tháng ngành chăn nuôi cả nước thiệt hại tới 5.000 tỷ đồng do giá cả giảm sút và không có đầu ra.

Nguy cơ đại vỡ nợ

PGS-TS Nguyễn Đăng Vang- Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Từ tháng 3 đến tháng 8 năm ngoái, giá thịt lợn hơi rất cao, gần 70.000 đồng/kg, trong khi giá thành chỉ khoảng 44.000- 46.000 đồng/kg. Người chăn nuôi lãi lớn, nên đã kích thích sản xuất, dẫn đến cung vượt cầu”.

Theo ông Vang, tình trạng giá bán thấp dưới giá thành sản xuất trong chăn nuôi hiện tiếp tục kéo dài, khiến nhiều hộ không còn khả năng chăn nuôi.

Theo tính toán ban đầu của Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, thiệt hại của ngành chăn nuôi hiện nay lên tới 2.000 tỷ đồng/tháng. Nhiều khả năng tình trạng này sẽ còn kéo dài tới tháng 9 đối với chăn nuôi lợn và đến tháng 8 đối với gia cầm, con số thiệt hại sẽ là 5.000 tỷ đồng mỗi tháng. Đó là chưa kể việc người chăn nuôi bỏ chuồng đồng loạt sẽ gây thiếu hụt thực phẩm trong những tháng cuối năm.

Ông Vũ Kỳ Truyền- Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Tiên Phương (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: “Chỉ trong vòng 3 tháng, chúng tôi đã phải chịu lỗ 1,3 tỷ đồng”. Với quy mô 30 trang trại nuôi gà công nghiệp thương phẩm trước đây (4.000- 5.000 con/trang trại), đến nay công ty của ông Truyền đã phải cắt giảm xuống còn 24 trang trại và sẽ tiếp tục giảm.

Còn ông Trần Văn Chiến- Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Cổ Đông (TX.Sơn Tây, Hà Nội) cảnh báo: “Nếu các chủ trang trại không được hỗ trợ vốn và các chính sách mở của ngân hàng, thì sắp tới hàng loạt các chủ trang trại sẽ rơi vào cảnh vỡ nợ, thậm chí sẽ có một cuộc đại vỡ nợ”.

Ngành chăn nuôi mất 5.000 tỷ đồng/tháng - 1

Nếu không tìm được giải pháp hỗ trợ tối ưu và kịp thời, có thể nhiều chủ trang trại sẽ bị vỡ nợ

Chưa có giải pháp tối ưu

Ông Đoàn Trọng Lý- Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi chế biến và Xuất nhập khẩu (APROCIMEX) cho rằng: “Trong khi hàng loạt các ngành khác đang được ưu ái nhiều chính sách thì ngành chăn nuôi, nhất là người chăn nuôi đang bị “bỏ rơi.

Hội Chăn nuôi khuyến nghị chăn nuôi phải giảm nguồn cung: Nên chuyển 15% số lợn con sang làm mặt hàng lợn sữa quay, đồng thời giảm số lượng trứng gia cầm đưa vào ấp lấy giống.

Trong khi đó, ông Trần Công Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm đề xuất: “Các nhà chăn nuôi cần hợp sức loại dần quyền lực của thương lái, để người chăn nuôi được quyết giá bán, vì thực tế hiện nay tư thương đang lũng đoạn thị trường chăn nuôi”.

Về những giải pháp cấp bách, ông Vang cho biết: “Hội Chăn nuôi đã kiến nghị Bộ NNPTNT và các bộ, ngành khác trình Chính phủ gói hỗ trợ 1.170 tỷ đồng từ gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng để giảm giá thức ăn chăn nuôi, trong đó 900 tỷ đồng thông qua giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; 270 tỷ đồng để vay tín dụng 9.000 tỷ đồng với lãi suất giảm chỉ còn 6%/năm kỳ hạn 6 tháng”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Trước mắt, Bộ NNPTNT đã kiến nghị Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, cổ phần và tư nhân có điều kiện để thu mua, bảo quản và chế biến thịt lợn đông lạnh.

Cụ thể đối với giết mổ tiêu thụ tươi và giết mổ cấp đông sẽ cho vay 20 triệu đồng/1 tấn sản phẩm (thời hạn vay 3 tháng) với lãi suất 0%; đối với chế biến sản phẩm đóng hộp và các sản phẩm thành phẩm khác cho vay 30 triệu đồng/1 tấn sản phẩm (thời hạn cho vay 6 tháng).

Đồng thời, Bộ NNPTNT cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát và thực hiện tái cơ cấu nợ đối với doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cũng như các hộ chăn nuôi, cho vay mới để duy trì, tái sản xuất…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hữu Thông (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN