Nên giảm thuế TNDN còn 20%

Xu hướng thuế trên thế giới là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng. Các nước phát triển thường áp dụng ưu đãi thuế từ 5 – 10 năm, với tỷ lệ giảm thuế là từ 5 – 20%. Tại Việt Nam, đa số các ý kiến đều cho rằng, việc đưa thuế TNDN xuống 20% là rất cần thiết.

“Thuế ở Việt Nam khá lũy tiến, người thu nhập cao đánh thuế cao, dẫn đến khả năng thu ngân sách và bình đẳng là tốt. Nhưng, quản lý thuế của Việt Nam được đánh giá ở mức dưới trung bình (so với thông lệ quốc tế) trong cả 15 chức năng chính và các chức năng phụ. Trong nhóm ASEAN, Việt Nam xếp hạng cuối danh sách về nộp thuế. Chúng ta bắt doanh nghiệp (DN) phải làm việc về thuế quá nhiều”, ông Phạm Minh Đức, đại diện Ngân hàng thế giới (WB), nhận xét.

Không cần bước quá độ

Ông Đức cho rằng, để tiến tới một hệ thống thuế hiện đại theo chuẩn quốc tế, Việt Nam cần xem xét 4 chỉ tiêu: hiệu quả kinh tế, tính công bằng, tính minh bạch, tính hiệu quả và bền vững của thu ngân sách. Bởi cả 4 chỉ tiêu trên đều còn quá nhiều hạn chế, thiếu hài hòa, minh bạch. Đại diện WB đề xuất, xem xét áp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) bằng 0% và một mức thuế suất loại bỏ mức 5%, để tạo sự công bằng. Còn với thuế TNDN, thay vì đánh 25% như hiện nay nên giảm xuống 20% là hợp lý. Đồng thời loại bỏ thuế suất ưu đãi 10%, thống nhất các quy định về khấu hao (chỉ nên đặt 4 – 5 tài sản vào hạng mục khấu hao, theo cách cân bằng giảm dần, phương pháp khấu hao nhanh đang được áp dụng tùy tiện…), hợp lý hóa các khoản chi phí được trừ.

Nên giảm thuế TNDN còn 20% - 1

Giảm thuế thu nhập hợp lý giúp DN có khả năng tái đầu tư phát triển, tăng thu ngân sách nhà nước.

Riêng với DN trong các khu công nghiệp không cần ưu đãi thuế. “Việc miễn giảm thuế có thời hạn không được hiệu quả trong thời điểm hiện nay và cần loại bỏ dần trong chính sách thuế, vì mục tiêu dài hạn. Hệ thống thuế không chỉ đạt mục tiêu tăng thu ngân sách, mà còn giảm thiếu tác động bóp méo kinh tế vĩ mô”, ông Đức nói.

Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thu Cúc cũng cho rằng, hệ thống thuế của Việt Nam còn rất nhiều tồn tại. Trong khi DN cho nhau vay, công ty vay thì chịu thuế 10%, nhưng khi tổ chức tín dụng cho vay thì không phải chịu thuế. Hay điều kiện khấu trừ thuế với hàng trả chậm rất bất cập. “DN mua USD ghi tài liệu, phát cho DN, được khấu trừ thuế là bất cập vô cùng vì được khấu trừ thuế 2 lần. Nên giảm nhóm được hưởng thuế 25% và đưa thuế về 0% với hàng xuất khẩu”, bà Cúc kiến nghị.

Ngoài ra, theo bà Cúc, thời điểm xây dựng thuế TNDN và GTGT phải xác định lại. Ví dụ: khi bất động sản mới chỉ là dự án trên giấy, nhưng cứ thu tiền là phải nộp thuế 2% ngay, rất bất cập. hay với dịch vụ, hàng hóa tiêu dùng nội bộ, biếu tặng đã kê khai thu thuế đầu ra rồi, lại tính vào doanh thu để tính thuế TNDN, là bất cập, tính thuế 2 lần.

Bà Cúc cũng kiến nghị nên mạnh dạn đưa thuế TNDN từ 25% xuống 20% mà không cần qua bước quá độ. Cần cải cách chính sách thuế và quản lý theo hướng đảm bảo thu đúng, thu đủ thuế cho ngân sách Nhà nước.

Nhìn nhận vấn đề thuế theo hướng dài hạn, ông Tom Mcclelland, Công ty kiểm toán Dloiet, cho rằng, cần thay đổi chính sách thuế để có đủ sức hấp dẫn thu hút FDI và tăng GDP. Chính sách ưu đãi thuế là một yếu tố để nhà đầu tư xem xét lựa chọn đầu tư giữa các nước trong cùng khu vực. Và điểm đề xuất đầu tiên của ông này là giảm thuế TNDN, cố gắng đạt mục tiêu giảm xuống 20%.

Đây cũng là ý kiến của bà Phạm Chi Lan khi cho rằng: “Giảm thuế TNDN còn 20% là tốt nhất. Có như vậy mới giúp DN có khả năng tái đầu tư phát triển. Nếu thuế suất cao sẽ làm DN mất động lực tạo lợi nhuận cũng như DN không còn chi phí để tái đầu tư, lại phải vay ngân hàng. Trong trường hợp này, Nhà nước sẽ thiệt vì không thu được thuế TNDN”.

Trốn thuế dễ vì “vốn mỏng”

Tăng cường kiểm soát việc trốn thuế TNDN của các DN thông qua quy định về “vốn mỏng”, cũng là một trong những nội dụng được các chuyên gia thuế quốc tế quan tâm. Ông Ved P.Gandhi, chuyên gia thuế quốc tế, cho biết DN có “vốn mỏng” là những DN có vốn tự có rất ít, trong khi vốn vay lớn. Càng vay nhiều thì DN càng phải trả lãi nhiều. Song lãi vay lại được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế TNDN, giúp DN giảm nghĩa vụ nộp thuế. Đây chính là lý do khiến DN có động cơ sử dụng vốn vay nhiều hơn là vốn tự có. Hệ quả là Nhà nước thất thu ngân sách lớn.

Theo chuyên gia Ved P.Gandhi, các nước châu Âu và châu Á trong những năm gần đây bắt đầu lo ngại về tình trạng “trốn thuế” kiểu này của các DN. Và để chống tình trạng này, nhiều nước đã áp dụng quy định về “vốn mỏng”, tức quy định cụ thể tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu, và không cho phép khấu trừ chi phí trả lãi vay đối với phần vượt quá tỷ lệ nhất định về nợ trên vốn chủ sở hữu đã được quy định từ trước.

Bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần khống chế tỷ lệ vay vốn trên vốn chủ sở hữu của các DN. Cần bổ sung quy định đối với khoản chi trả lãi tiền vay vốn sản xuất kinh doanh tối đa được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN. Có thể quy định không vượt quá 5 lần vốn điều lệ, hay dựa trên cơ sở nào đó bảo đảm phù hợp với thực tế và cơ quan quản lý có thể kiểm tra, kiểm soát được.

Tại Hội thảo “Xu hướng cải cách thuế GTGT và thuế TNDN ở các nước và tác động”, do Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức sáng 8.8, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) Nguyễn Văn Phụng, khẳng định Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đã xác định rõ sẽ điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN theo lộ trình phù hợp (xuống thấp hơn 25%) để thu hút đầu tư, tạo điều kiện để DN có thêm nguồn lực tài chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, vấn đề “vốn mỏng” khi xác định chi phí, quy định về chi phí lãi vay cũng sẽ được tính đến khi sửa đổi thuế TNDN.

Theo Bộ Tài chính, việc miễn, giảm thuế hỗ trợ DN đang được tích cực thực hiện. Đối với thuế giá trị gia tăng, đến hết tháng 7 đã thực hiện gia hạn số thuế phải nộp của các tháng 4, 5 và 6.2012 cho khoảng 208.250 lượt DN, với số tiền gần 10.000 tỷ đồng. Với thuế thu nhập DN cũng đã gia hạn nợ thuế cho khoảng 8.260 DN, với tổng số thuế là 347,5 tỷ đồng. Đã có 3.153 doanh ngiệp được giảm 50% tiền thuê đất năm 2012, với tổng số tiền 339 tỷ đồng. Ngoài ra, khoảng 40.223 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối được giải quyết miễn thuế và hoàn thuế môn bài năm 2012, với tổng số tiền thuế miễn và hoàn khoảng 10,6 tỷ đồng. Việc sản xuất, kinh doanh của DN đang có dấu hiệu khởi sắc trở lại.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN